Gan thực hiện hàng trăm chức năng thiết yếu, bao gồm loại bỏ chất thải ra khỏi máu, lọc hóa chất từ thuốc, rượu và thực phẩm cũng như lưu trữ chất dinh dưỡng.
Gan nằm ở bên phải ổ bụng của cơ thể, nằm ngay dưới cơ hoành, dưới vòm hoành phải nhưng có một phần lấn sang trái, nằm dưới vòm hoành trái và vùng thượng vị. Gan tiếp giáp với nhiều cơ quan trong cơ thể: phía sau bên phải giáp với thận phải, phía dưới giáp với ruột non cùng ruột già và mặt dưới của gan tiếp giáp với túi mật. Gan là cơ quan nội tạng lớn nhất trong giải phẫu cơ thể người với màu đỏ sẫm và cân nặng từ 1,4 - 1,6 kg (tương đương khoảng 2% trọng lượng cơ thể của người trưởng thành và 5% trọng lượng cơ thể của trẻ em).
Dựa theo vị trí của gan nằm ở đâu có thể thấy đau gan là cơn đau ở vùng hạ sườn phải.
Cảm giác đau gan có thể khác nhau ở mỗi người, tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra. Nhưng thường thì cơn đau ở gan được mô tả là cơn đau âm ỉ hoặc đau nhói đến rồi đi và cảm giác cơn đau gan tăng lên khi hít sâu, ho, cười, hắt hơi hoặc thay đổi tư thế. Kèm theo các triệu chứng như: Cảm giác đầy hơi hoặc chướng bụng, đau khi chạm vào vùng bụng hạ sườn phải.
Đọc thêm:
+ Mắc bệnh viêm gan B sống được bao lâu?
+ Nguyên nhân gây đau bụng trên và dấu hiệu nguy hiểm cần thăm khám bác sĩ
Nếu cơn đau gan là kết quả của bệnh lý về gan tiềm ẩn thì có thể có các dấu hiệu khác đi kèm với cơn đau. Triệu chứng của bệnh gan có thể bao gồm: Mệt mỏi, vàng da và mắt, ngứa da, nước tiểu sẫm màu, khô miệng, bị tiêu chảy, ăn không ngon miệng, buồn nôn và nôn mửa, giảm cân không rõ nguyên nhân, thường xuyên bị chuột rút cơ bắp và sưng gan, cổ trướng.
Cơn đau từ gan có thể lan tới cánh tay phải, vai phải, toàn bộ vùng bụng hoặc lưng.
Đau túi mật thường bị nhầm lẫn với cơn đau gan do túi mật nằm ngay mặt dưới gan dẫn tới việc xác định cơ quan nào đang bị đau có thể gặp một chút khó khăn.
Theo Health, khi đau gan thường có cảm giác đau âm ỉ, dai dẳng hoặc đau buốt nhói nhưng đau túi mật là có xu hướng đau sắc nét như bị đâm và nghiêm trọng hơn. Đặc biệt, cơn đau túi mật xuất hiện đột ngột, thường là sau khi ăn một bữa ăn lớn quá nhiều protein và chất béo hoặc khi nằm xuống và cơn đau túi mật xuất hiện theo từng đợt, kéo dài từ 30 phút tới vài giờ.
Nếu gặp các vấn đề về túi mật như sỏi mật thì ngoài cơn đau, người bệnh cũng có thể gặp phải các triệu chứng như: Đổ mồ hôi, buồn nôn, nôn mửa, đau ngực.
Đầu tiên, bất kì ai cũng có thể bị đau gan. Nhưng đau gan thường là biểu hiện của một bệnh lý gan tiềm ẩn nên một số yếu tố về lối sống, môi trường và di truyền có thể khiến bạn dễ mắc bệnh gan và làm tăng nguy cơ không chỉ là xơ gan mà còn là suy gan và ung thư gan.
Các yếu tố này bao gồm:
- Có tiền sử hoặc đang nghiện rượu nặng.
- Bị béo phì và có lượng chất béo bão hòa trong chế độ ăn uống cao.
- Bệnh tiểu đường type 2.
- Tiền sử gia đình mắc bệnh gan.
- Bị viêm gan C không được điều trị.
- Hút thuốc lá làm tăng tốc độ hình thành sẹo gan và thu hẹp mạch máu.
- Thường xuyên tiếp xúc với hóa chất độc hại cho cơ thể và gan bao gồm: Vinyl clorua, carbon tetrachloride, acetaminophen.
Có một số nguyên nhân phổ biến có thể gây đau gan kèm theo các triệu chứng đặc trưng riêng, theo Health:
- Viêm gan
Viêm gan có thể xảy ra khi gan bị nhiễm trùng do virus (viêm gan siêu vi A, siêu vi B và siêu vi C), tác dụng phụ của một số loại thuốc hay nghiện rượu dẫn tới tổn thương nhu mô gan, khiến các chức năng gan bị suy giảm dần dần. Đau gan do viêm gan thường gây ra cơn đau âm ỉ và khó chịu ở vùng hạ sườn phải kèm theo các triệu chứng khác như: Nước tiểu đục màu, phân nhợt màu, vàng da, mệt mỏi, đau khớp, buồn nôn và nôn mửa.
- Xơ gan
Xơ gan là một bệnh mãn tính của gan có đặc trưng bởi sự thay thế mô gan bằng mô xơ, sẹo và sự thành lập các nốt tân sinh dẫn đến mất chức năng gan. Uống rượu quá mức (nghiện rượu) hoặc biến chứng của các bệnh gan khác (chẳng hạn như viêm gan) có thể dẫn tới xơ gan.
Thật không may bởi người mắc bệnh xơ gan thường không có triệu chứng rõ rệt cho tới khi gan bị tổn thương nghiêm trọng, khi đó các triệu chứng có thể bao gồm: Đau gan, mệt mỏi, ngứa da, giảm cân không rõ nguyên nhân, dễ bị chuột rút và yếu cơ và chán ăn, ăn không ngon miệng.
- Bệnh gan nhiễm mỡ
Bệnh gan nhiễm mỡ xảy ra khi có sự tích tụ mỡ thừa trong mô gan và có thể gây viêm hoặc không gây viêm. Mặc dù gan chứa một lượng nhỏ chất béo, nhưng nếu tỷ lệ này lên tới hơn 5% đến 10% trọng lượng của gan là chất béo thì nghĩa là bạn đã bị gan nhiễm mỡ. Bệnh gan nhiễm mỡ thường liên quan đến béo phì và tiểu đường, cả hai đều có thể khiến chất béo tích tụ trong gan.
Gan nhiễm mỡ gây sưng gan và tổn thương gan. Trong đó, khoảng 1/3 người mắc gan nhiễm mỡ cho biết họ gặp phải cơn đau gan mức độ nhẹ hoặc cảm thấy đầy bụng trên bên phải. Một số khác thì báo cáo rằng cơn đau gan liên tục ập đến với cảm giác bén nhọn dẫn tới mất ngủ do quá đau đớn và khó chịu.
Các triệu chứng khác của gan nhiễm mỡ có thể bao gồm: Mệt mỏi, yếu ớt, ăn không ngon, vàng da và tích tụ chất lỏng ở chi dưới.
- Ung thư gan
Ung thư gan là một trong những loại ung thư gây tử vong hàng đầu ở Việt Nam. Ở giai đoạn đầu, ung thư gan thường không có triệu chứng rõ ràng nên rất khó phát hiện, đó có thể là cảm giác khó chịu vùng hạ sườn phải nên rất dễ bị bỏ qua.
Khi khối u ung thư gan phát triển hơn có thể gây ra các cơn đau gan, bụng sưng lên, khi nắn vùng gan có thể cảm nhận được một khối u cứng, các cơn đau vai hoặc đau lưng, vàng da, giảm cân không rõ nguyên nhân và chán ăn, mệt mỏi.
- Tắc ống mật
Tắc ống mật xảy ra khi các ống dẫn mật tự nhiên từ gan tới túi mật và ruột non bị tắc nghẽn dẫn tới các cơn đau gan có cảm giác như đau từ sâu vùng bụng trên bên phải. Các triệu chứng khác của tắc ống mật có thể kể đến như: Nước tiểu sẫm màu, sốt, ngứa, buồn nôn và nôn mửa, vàng da,.
- Áp xe gan
Áp xe gan là tình trạng gan bị tích tụ mủ do các nhiễm trùng với nguyên nhân là vi khuẩn, ký sinh trùng hoặc tổn thương gan.
Đau gan do áp xe gan được mô tả là cảm giác đau tức khó chịu, khi ấn vào thấy đau tăng lên và cũng có thể sờ thấy mép của bờ gan to ra. Bên cạnh đau gan, áp xe gan còn gây ra các cơn sốt cao rét run, mệt mỏi, yếu ớt, buồn nôn và nôn mửa hay những cơn đau lan tới vai phải.
- Nang gan
Nang gan là một khoang trống trong gan có chứa đầy dịch, máu, tế bào hay không chứa gì cả. Một hoặc hai nang gan kích thước nhỏ thường không gây ra vấn đề gì và không cần điều trị nếu không biểu hiện triệu chứng.
Nhưng khi nang gan phát triển với kích thước lớn có thể gây khó chịu và cảm giác đầy bụng. Đặc biệt khi nang gan bị vỡ sẽ dẫn tới cơn đau dữ dội và đột ngột ở bụng, cơn đau lan lên vai phải và ngực.
- Hội chứng Fitz-Hugh-Curtis (FHCS: Fitz-Hugh-Curtis Syndrome)
Hội chứng này là một biến chứng hiếm gặp của bệnh lý viêm nhiễm vùng tiểu khung (PID: pelvic inflammatory disease - Hầu hết các trường hợp PID là do nhiễm trùng do vi khuẩn lan từ âm đạo hoặc cổ tử cung đến tử cung, ống dẫn trứng và/hoặc buồng trứng) dẫn tới tình trạng viêm quanh gan (perihepatitis) và có thể gây ra dính bao gan với phúc mạc.
Những người mắc FHCS thường bị đau bụng trên bên phải, thường kèm theo cơn đau lan đến vai phải. Sốt, ớn lạnh, đau đầu và khó chịu cũng là những triệu chứng thường gặp.
- Chấn thương gan
Chấn thương gan chiếm khoảng 5% tổng số ca nhập viện cần cấp cứu. Vì gan lớn và nằm ở phía trước bụng nên đây là cơ quan thường bị ảnh hưởng nhất bởi chấn thương, chẳng hạn như tai nạn xe hoặc ngã.
Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của chấn thương, cơn đau vùng gan có thể từ âm ỉ đến dữ dội, thường lan ra vai phải và xương bả vai. Nếu gan bị vỡ, mất máu có thể dẫn đến sốc giảm thể tích máu, trong đó huyết áp giảm xuống mức nguy hiểm. Các triệu chứng bao gồm thở nhanh, nhịp tim nhanh, da ẩm ướt, lú lẫn và bất tỉnh thậm chí nguy cơ tử vong cao.
Tùy từng nguyên nhân gây đau gan mà các biện pháp điều trị đau gan cũng khác nhau. Kiểm soát các tình trạng như viêm gan siêu vi, bệnh gan nhiễm mỡ, xơ gan hoặc ung thư gan có thể bao gồm dùng thuốc, kết hợp thay đổi lối sống hoặc thử can thiệp phẫu thuật. Hầu hết các bệnh về gan đều là mãn tính và có thể tiến triển, do đó, việc điều trị tập trung vào việc làm chậm quá trình tiến triển của bệnh, ngăn ngừa tổn thương gan thêm và kiểm soát các triệu chứng là nguyên tắc quan trọng.
Theo đó, bác sĩ có thể yêu cầu bệnh nhân thực hiện một số thay đổi về lối sống để hỗ trợ sức khỏe như: Xây dựng chế độ ăn uống cân bằng và hạn chế các thực phẩm có nhiều muối, đường và chất béo; duy trì các hoạt động thể chất; uống nhiều nước; tránh rượu bia và thuốc lá.
Thuốc không kê đơn hoặc thuốc kê đơn có thể được chỉ định để kiểm soát cơn đau gan. Tuy nhiên một số loại thuốc có thể khiến cơn đau gan nghiêm trọng hơn. Chính vì thế mà, điều quan trọng chính là nói chuyện với bác sĩ trước khi uống bất kì loại thuốc điều trị đau gan nào. Lưu ý:
+ Acetaminophen là thuốc giảm đau không kê đơn an toàn cho những người mắc bệnh gan khi dùng với lượng nhỏ (không quá 2 gam mỗi ngày).
+ Thuốc chống viêm không steroid (NSAID), chẳng hạn như ibuprofen, có thể gây tổn thương gan, vì vậy tốt nhất là tránh dùng những loại thuốc này nếu bạn bị bệnh gan.
Để giảm nhẹ cơn đau gan tại nhà, ngoài thuốc giảm đau không kê đơn người bệnh có thể chườm ấm hoặc chườm lạnh lên vùng gan bị đau từ 10 - 15 phút mỗi lần, thực hiện nhiều lần trong ngày hoặc nhâm nhi một chút trà gừng hay trà nghệ.
Khi cơn đau gan không có dấu hiệu thuyên giảm và phát triển nghiêm trọng hơn hoặc kéo dài, hãy nhanh chóng thăm khám bác sĩ bởi đây có thể là dấu hiệu của một bệnh lý tiềm ẩn ở gan. Đặc biệt khi cơn đau gan kèm theo các triệu chứng như:
- Vàng da và vàng mắt không rõ nguyên nhân.
- Mệt mỏi nghiêm trọng, kéo dài và suy nhược cơ thể.
- Thay đổi màu sắc nước tiểu hoặc phân (ví dụ, nước tiểu sẫm màu, phân nhạt màu).
- Buồn nôn và nôn mửa kéo dài.
- Bụng sưng to hoặc chướng.
Trong một số trường hợp nghiêm trọng hơn, khi cơn đau gan xảy ra cần phải chăm sóc y tế khẩn cấp, bao gồm:
- Đau gan đột ngột và dữ dội, cơn đau lan ra lưng hoặc vai.
- Lú lẫn hoặc ngất xỉu hoặc mất phương hướng.
- Nôn ra máu hoặc đại tiện phân có màu hắc ín.
- Sốt cao kèm theo vàng da.
- Khó thở.
- Giảm hoặc không có nước tiểu.
- Sốt cao kèm theo run rẩy không kiểm soát được.
Chẩn đoán đau gan bắt đầu bằng việc xem xét tiền sử bệnh án, bao gồm danh sách các loại thuốc đang dùng, lượng rượu uống, tiền sử gia đình có mắc bệnh gan hay không và các triệu chứng khác mà bạn có thể gặp phải. Bác sĩ sẽ thăm khám tìm kiếm các dấu hiệu của bệnh như vàng da, sưng bụng, mức độ cơn đau khi ấn, nắn, dấu vết bầm tím trên da,... Và một số chỉ định có thể được yêu cầu để hỗ trợ chẩn đoán chính xác nguyên nhân bao gồm: Xét nghiệm đánh giá chức năng gan, kiểm tra mẫu phân, xét nghiệm huyết thanh viêm gan siêu vi, siêu âm bụng, chụp CT, chụp MRI, sinh thiết tế bào gan,..
Nguồn dịch tham khảo:
2. Causes of Liver Pain and Treatment Options