Đau đầu gối là gì? Những điều cần biết về đau đầu gối

Đau đầu gối là gì? Những điều cần biết về đau đầu gối
Đau đầu gối là gì? Đây là tình trạng có thể gây nên do rất nhiều nguyên nhân như chấn thương, bệnh lý,... Một số trường hợp đau đầu gối có thể tự khỏi, nhưng nếu chủ quan thì bệnh có thể gây nên nhiều biến chứng nguy hiểm như tàn tật, giảm khả năng vận động,...

1. Đau đầu gối là gì?

Khớp gối (hay thường được gọi là đầu gối) là một trong các khớp lớn của cơ thể, nối tiếp giữa đùi và cẳng chân. Khớp gối phải chịu đựng toàn bộ sức nặng của cơ thể, do đó nó đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với các hoạt động của cơ thể, đặc biệt là các vận động như đứng, chạy nhảy, leo trèo,...

Tuy nhiên, một nguyên nhân bất kỳ nào đó như viêm nhiễm, chấn thương, bệnh lý,... cũng có thể khiến đầu gối bị tổn thương và gây nên tình trạng rất phổ biến trên thực tế là đau đầu gối.

2. Nguyên nhân gây đau đầu gối là gì?

Trên thực tế, người ta ghi nhận được rất nhiều nguyên nhân khác nhau có thể gây nên tình trạng đau đầu gối ở bệnh nhân, có thể là tác động cấp tính hoặc lâu dài.

Những nguyên nhân gây đau đầu gối thường gặp bao gồm:

- Chấn thương: Do đặc tính chịu lực lớn, hoạt động liên tục, ít tổ chức che phủ,... nên đầu gối là khu vực rất dễ bị tổn thương do các nguyên nhân như tai nạn lao động, tai nạn giao thông, chơi thể thao, ẩu đả,...

Những chấn thương này có thể gây nên nhiều hậu quả khác nhau tại đầu gối như gãy xương, tổn thương dây chằng, viêm bao hoạt dịch, viêm gân,... Và hầu hết tất cả các tổn thương này đều có chung biểu hiện đó là đau tại đầu gối.

daugoi3_959d6798df6c4624bc658c8d0361022e_6ed90e98a0d54e0f866915b4c2a1de45

Có nhiều nguyên nhân khác nhau gây đau đầu gối (Ảnh: Internet)

- Bệnh lý: Một số bệnh lý tại đầu gối cũng có biểu hiện là khiến bệnh nhân cảm thấy đau đớn tại đầu gối như viêm khớp dạng thấp, gout, viêm xương, thoái hóa khớp... Hầu hết tình trạng đau đầu gối do các nguyên nhân này thường có sự tăng dần về cường độ theo mức độ tổn thương của bệnh gây nên, xen kẽ trong đó có thể có các đợt bùng phát cấp tính khiến bệnh nhân đau nhiều hơn.

- Những bất thường về cấu trúc: Những bất thường về cấu trúc xuất hiện tại khớp gối như xuất hiện mảnh xương vỡ trong khớp gối, dây chằng lỏng lẻo, trật khớp,... đều có thể khiến bệnh nhân bị đau đầu gối.

Ngoài ra, ta còn bắt gặp bệnh nhân bị đau đầu gối là hậu quả thứ phát của tư thế vận động bất thường do các tổn thương ở bàn chân, cẳng chân, đùi, khớp hông,...

* Những đối tượng có nguy cơ cao bị đau đầu gối

Đau đầu gối có thể xảy ra ở bất kỳ ai, bất kỳ lứa tuổi nào. Tuy nhiên ở một số đối tượng do thường xuyên tiếp xúc với các yếu tố nguyên nhân gây bệnh nên nguy cơ đau đầu gối cũng cao hơn đáng kể so với người bình thường. Chẳng hạn như:

- Vận động viên hoặc nghề nghiệp có nguy cơ chấn thương cao: Vận động viên và những người làm việc trong các môi trường có nguy cơ chấn thương cao (công nhân xây dựng, lái xe,....) là những đối tượng có nguy cơ xảy ra chấn thương rất cao vì thế dễ xảy ra tình trạng đau đầu gối.

- Người thừa cân: Thừa cân khiến khớp gối phải chịu một lực lớn hơn so với bình thường do đó nó sẽ gây nên các tổn thương cho đầu gối ngay cả khi chỉ thực hiện các hoạt động bình thường hằng ngày. Đau đầu gối do thừa cân không diễn ra tức thì mà đây là hậu quả của một quá trình kéo dài.

- Có tiền sử chấn thương: Khi một chấn thương xảy ra tại khớp gối, sẽ là rất khó khăn để nó có thể hồi phục hoàn hảo như lúc ban đầu. Điều này khiến những chấn thương sẽ dễ dàng xảy ra thêm lần nữa và gây nên đau đầu gối.

- Người có sức khỏe yếu: Người có sức khỏe yếu, cơ bắp lỏng lẻo, ít vận động là những đối tượng rất dễ bị thương do sức chống chọi yếu kém của cơ thể đối với các tác động bên ngoài tác động vào đầu gối.

3. Các triệu chứng biểu hiện khi bị đau đầu gối

- Đau: Đau là triệu chứng cơ bản nhất của bệnh nhân bị đau đầu gối. Đau có thể âm ỉ tăng dần khi đau đầu gối do các nguyên nhân kéo dài như cân nặng dư thừa, bệnh lý, hoặc các tổn thương nhỏ nhưng lặp lại liên tục do lạm dụng khớp gối,... Hoặc đau cũng có thể xuất hiện cấp tính dữ dội như trong đợt cấp của các bệnh lý tại khớp gối, hoặc đau đầu gối do chấn thương mạnh,...

- Sưng nề, nóng: Sưng nề và nóng là hai biểu hiện có thể thấy khi bệnh nhân bị đau đầu gối, nhất là trong các bệnh lý có phản ứng viêm xảy ra như nhiễm trùng, viêm gân, viêm bao hoạt dịch,...

hội-chứng-đau-khớp-đầu-gối

Đau đầu gối thường có biểu hiện phù, sưng nề (Ảnh: Internet)

- Sốt: Sốt thường là đáp ứng toàn thân của cơ thể đối với tình trạng nhiễm trùng tại khớp gối. Tùy theo nguyên nhân nhiễm trùng, cơ địa của từng người mà sốt có thể là sốt cao hoặc sốt nhẹ.

- Khớp gối trở nên yếu hơn do các tổn thương cấu trúc tại khớp gối (đứt dây chằng, rách dây chằng,...)

- Cảm giác bất thường khi cử động: Đôi khi người bệnh đau đầu gối có thể cảm nhận được một số các cảm giác bất thường khi cử động, chẳng hạn như cảm giác lạo xạo, lục cục ở khớp gối,...

- Hạn chế vận động: Hạn chế tầm vận động ban đầu thường là một hậu quả thứ phát của việc bệnh nhân bị đau, đau tăng lên khi cử động do đó người bệnh sẽ cố gắng hạn chế vận động để giảm đau. Lâu dần sự hạn chế vận động sẽ gây nên cứng khớp, co rút cơ,... và sự hạn chế vận động này sẽ chuyển sang hạn chế vận động do một nguyên nhân thực thể.

4. Xét nghiệm chẩn đoán đau đầu gối

Để chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây nên đau đầu gối là gì, mức độ tổn thương ra sao, nên lựa chọn phương pháp điều trị như thế nào,... thì bác sĩ sẽ cần thực hiện một số các xét nghiệm cần thiết như:

- Chụp X-Quang: Chụp X-Quang có thể được chỉ định sử dụng để chẩn đoán cho bệnh nhân đau đầu gối. Nó sẽ giúp nhận ra các tổn thương có thể gây đau đầu gối như gãy xương, thoái hóa khớp,... Tuy nhiên, nếu tổn thương xảy ra ở phần mềm hoặc tổn thương nhỏ thì chỉ dựa vào kết quả chụp X-Quang rất khó để đánh giá chính xác.

- CT-Scan và MRI: CT-Scan và MRI là hai xét nghiệm hình ảnh học có độ chi tiết và chính xác tốt hơn X-Quang rất nhiều nên chúng có thể được dùng để tìm kiếm nguyên nhân, đánh giá mức độ tổn thương,.. trong các trường hợp mà chụp X-Quang không thể cho kết quả chính xác.

- Siêu âm: Siêu âm cũng có thể được sử dụng trong một số trường hợp đau đầu gối. Thường thì siêu âm sẽ cho thấy hình ảnh tổn thương ở mô mềm ở khớp gối, và hình ảnh bên trong ổ khớp như dịch khớp,..

- Xét nghiệm máu: Bên cạnh các xét nghiệm hình ảnh học như đã kể trên, bác sĩ cũng có thể chị định cho bệnh nhân thực hiện một xét nghiệm máu để đánh giá tình trạng nhiễm khuẩn (thông qua số lượng bạch cầu), chỉ số acid uric, sự xuất hiện của yếu tố dạng thấp trong máu,... để phát hiện các bệnh lý có thể là nguyên nhân gây đau đầu gối.

chup-x-quang-khop-goi1-500x362

Hình ảnh đầu gối trên phim X-Quang (Ảnh: Internet)

5. Các phương pháp điều trị đau đầu gối

Việc lựa chọn phương pháp điều trị như thế nào sẽ phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như nguyên nhân gây đau, tiên lượng cho ca bệnh, khả năng kinh tế của người bệnh và kỹ thuật điều trị của cơ sở y tế,...

5.1. Điều trị không sử dụng thuốc

Những phương pháp điều trị không sử dụng thuốc là một nội dung quan trọng giúp bệnh nhân kiểm soát tình trạng đau đầu gối của mình.

- Các phương pháp vật lý trị liệu: Các phương pháp vật lý trị liệu như chườm nhiệt (nóng, hoặc lạnh), châm cứu, xoa bóp, mát xa,... có thể được sử dụng để hỗ trợ giảm nhẹ triệu chứng đau cho bệnh nhân.

- Phục hồi chức năng: Các bài tập thể dục, bài tập phục hồi chức năng thích hợp cũng có thể được hướng dẫn cho bệnh nhân thực hiện để nâng cao sức chịu đựng của khớp gối, giảm đau, và ngăn ngừa biến chứng của bệnh xảy ra.

- Giảm cân: Những bệnh nhân đau đầu gối nhưng có cân nặng vượt quá các chỉ số bình thường (thường đánh giá dựa trên chỉ số BMI) sẽ được khuyên giảm cân để giảm áp lực tác động lên đầu gối.

tri dau dau goi bang cham cuu

Châm cứu hỗ trợ điều trị đau đầu gối (Ảnh: Internet)

5.2. Điều trị đau đầu gối bằng thuốc

- Thuốc giảm đau kháng viêm không Steroid: Các loại thuốc giảm đau kháng viêm không Steroid như ibuprofen, naproxen,... thường là các loại thuốc được chỉ định đầu tay cho các bệnh nhân bị đau đầu gối. Thuốc có tác dụng tốt cho các trường hợp đau đầu gối mức độ nhẹ hoặc trung bình, ít có hiệu quả trên các trường hợp đau trầm trọng, dữ dội.

- Steroid: Nếu bệnh nhân đáp ứng kém với các loại thuốc kháng viêm giảm đau không Steroid thì có thể được chỉ định thay thế bằng các loại thuốc Steroid. Tuy nhiên, do gây rất nhiều tác dụng phụ khi sử dụng nên các loại thuốc Steroid thường chỉ được dùng bằng đường tiêm, và sử dụng trong thời gian ngắn nhất với liều nhỏ nhất cho hiệu quả điều trị.

- Các loại thuốc điều trị nguyên nhân: Bên cạnh sử dụng các loại thuốc điều trị giảm triệu chứng tại khớp thì tùy thuộc theo nguyên nhân gây bệnh mà bệnh nhân có thể được cho sử dụng các loại thuốc điều trị nguyên nhân tương ứng, chẳng hạn như thuốc kháng sinh, thuốc kiểm soát acid uric, thuốc chống thấp khớp, thuốc chống thoái hóa,...

5.3. Phẫu thuật điều trị đau đầu gối

Đối với các trường hợp mà nguyên nhân gây đau khớp không thể điều trị được bằng phương pháp nội khoa như chấn thương, tổn thương khớp do bệnh lý mức độ nặng,... thì phẫu thuật có thể được lựa chọn để điều trị. Một số phương pháp phẫu thuật điều trị đau đầu gối như:

- Phẫu thuật nội soi: Để giải quyết các tổn thương tại khớp như rách dây chằng, đứt dây chằng,.. thì hiện nay phương pháp được sử dụng chủ yếu là phẫu thuật nội soi. Còn đối với các tổn thương diện rộng hơn như gãy xương,... mà phẫu thuật nội soi không thể giải quyết được thì có thể phẫu thuật mổ hở truyền thống.

- Phẫu thuật thay khớp gối bán phần: Nếu khớp gối của bệnh nhân chỉ bị tổn thương một phần và tổn thương này không thể hoàn nguyên được để khôi phục trạng thái tốt nhất cho bệnh nhân thì bệnh nhân có thể được sử dụng phương pháp phẫu thuật thay khớp bán phần bằng các dụng cụ bằng nhựa, kim loại,...

- Phẫu thuật thay khớp gối toàn bộ: Nếu tổn thương tại khớp gối quá nặng nề trên diện rộng thì bệnh nhân có thể được chỉ định thay khớp gối hoàn toàn.

20190805_102857_097635_phau-thuat-tai-benh-v

Nếu tổn thương tại khớp gối quá nặng nề trên diện rộng thì bệnh nhân có thể được chỉ định thay khớp gối hoàn toàn (Ảnh: Internet)

6. Biến chứng của đau đầu gối là gì?

Trong một số trường hợp, đau đầu gối có thể điều trị khỏi hẳn mà không gây các biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe. Tuy nhiên, nếu không được điều trị thì đau khớp gối có thể gây nên một số biến chứng nguy hiểm khác nhau:

- Tàn tật: Đây thường là hậu quả nghiêm trọng do đau đầu gối bởi các nguyên nhân như chấn thương, viêm khớp dạng thấp, thoái hóa khớp,.. không được điều trị kịp thời bằng đúng phương pháp.

- Dễ bị chấn thương hơn: Như đã nói, khi khớp gối đã từng có các tổn thương như đứt dây chằng, gãy xương,... thì dù có được điều trị thì khả năng của khớp gối cũng rất khó để có thể phục hồi hoàn toàn. Điều này khiến khớp gối kém linh hoạt hơn và dễ bị chấn thương hơn.

7. Dinh dưỡng cho bệnh nhân đau đầu gối

Đối với bệnh nhân đau đầu gối, chế độ dinh dưỡng có vai trò rất quan trọng trong việc giảm nhẹ bớt các triệu chứng và đối với sự tiến triển của bệnh.

7.1. Những thực phẩm tốt cho bệnh nhân đau đầu gối

- Rau xanh, trái cây: Rau xanh, trái cây là nguồn thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất thiết yếu cho cơ thể. Do đó, người bị đau đầu gối nên được bổ sung thêm rau xanh, trái cây như cải bó xôi, rau cần, súp lơ,... trong chế độ dinh dưỡng hằng ngày.

- Vitamin D và Omega 3: Vitamin D và Omega 3 là hai loại dưỡng chất có tác dụng rất tốt cho người bệnh đau đầu gối, đặc biệt là omega 3 có tác dụng kháng viêm rất tốt. Những loại thực phẩm giàu vitamin D và omega 3 mà người bệnh có thể tăng cường sử dụng như là các loại cá sống vùng biển sâu chẳng hạn là cá hồi, cá ngừ,...

- Hành tây: Hành tây được cho là một loại thực phẩm rất tốt cho người đau đầu gối bởi trong hành tây có chứa nhiều Quercetin - một hoạt chất kháng viêm. Sử dụng tăng cường hành tây trong bữa ăn hằng ngày sẽ giúp giảm nhẹ bớt tình trạng viêm và giảm đau đáng kể cho bệnh nhân đau đầu gối.

- Nghệ: Bên cạnh rau xanh, hoa quả, omega 3,... thì nghệ cũng là một loại thực phẩm nên dùng cho người bị đau đầu gối bởi nghệ là một loại thực phẩm có tính kháng viêm tốt.

7.2. Đau đầu gối không nên ăn gì?

- Thực phẩm giàu chất béo: Những loại thực phẩm giàu chất béo như thịt mỡ, đồ ăn chiên xào, nội tạng động vật,... được liệt vào danh sách những loại thực phẩm không tốt cho người đau đầu gối. Bởi những thực phẩm giàu chất béo làm nặng nền hơn tình trạng viêm ở khớp gối của bệnh nhân khiến bệnh nhân đau nhiều hơn, đồng thời thực phẩm giàu chất béo cũng khiến bệnh nhân khó kiểm soát cân nặng hơn.

- Rượu, bia: Tình trạng đau đầu gối của bệnh nhân có thể sẽ gia tăng thêm nếu bệnh nhân sử dụng rượu, bia hoặc các đồ uống có cồn. Ngoài ra, người bệnh có thể dễ bị té ngã hơn làm nặng hơn tình hình tổn thương đầu gối.

8. Dự phòng đau đầu gối như thế nào?

Không có biện pháp nào để phòng ngừa hoàn toàn đau đầu gối xảy ra. Nhưng một số dự phòng chủ động có thể giúp bạn giảm thiểu được nguy cơ mắc đau đầu gối.

- Kiểm soát cân nặng: Kiểm soát cân nặng ở mức phù hợp sẽ giúp giảm áp lực lên đầu gối làm giảm nguy cơ bị đau đầu gối.

- Tập thể dục thường xuyên: Tập thể dục thường xuyên sẽ giúp gia tăng sức khỏe hệ xương khớp, tăng sức chịu đựng của đầu gối để giúp đầu gối có khả năng chịu đựng tốt hơn trước các tổn thương.

- Thực hiện tốt các biện pháp an toàn: Thực hiện tốt các biện pháp an toàn trong lao động và khi tham gia giao thông để hạn chế nguy cơ xảy ra chấn thương tại đầu gối.

- Phát hiện bệnh và điều trị sớm: Người bệnh cần thăm khám và điều trị bệnh sớm ngay khi có các triệu chứng xảy ra để phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm.

9. Một số câu hỏi thường gặp về đau đầu gối

9.1. Đau đầu gối có thể tự khỏi không?

Rất nhiều người bệnh đau đầu gối thắc mắc rằng đau đầu gối có thể tự khỏi hay không.

Trong một số trường hợp, nếu đau đầu gối chỉ gây nên bởi các tổn thương nhẹ như va chạm nhẹ, chấn thương nhẹ,... thì tình trạng này hoàn toàn có thể tự biến mất mà không cần phải điều trị gì cả. Tuy nhiên người bệnh không nên vì vậy mà chủ quan đối với tình trạng của mình, hãy đi thăm khám ngay khi có các triệu chứng xảy ra, việc bạn có cần điều trị hay không sẽ được bác sĩ đưa ra dựa trên kết quả thăm khám.

9.2. Khi nào bệnh nhân cần gặp bác sĩ?

Nhìn chung, việc gặp bác sĩ là cần thiết nếu bệnh nhân đau đầu gối có các biểu hiện như đầu gối bị sưng, thời gian đau kéo dài, hoặc tình hình đau tiến triển nặng hơn,... để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

9.3. Đau đầu gối có thể tái phát không?

Tình trạng đau đầu gối, đặc biệt là đau đầu gối do các bệnh lý như viêm khớp dạng thấp, gout,... vẫn sẽ có nguy cơ bị tái phát trở lại. Việc điều trị đau đầu gối cho các trường hợp này chỉ nhằm mục đích giảm nhẹ biểu hiện chứ không thể chữa khỏi dứt điểm.


Tác giả: QN