Đau cổ là gì? Những điều cần biết về chứng đau cổ

Đau cổ là gì? Những điều cần biết về chứng đau cổ
Đau cổ là gì? Đây là tình trạng rất thường xảy ra trên thực tế. Đau cổ có thể xuất hiện do nhiều nguyên nhân khác nhau như căng cơ, chấn thương, bệnh lý,... Người bệnh đau cổ nên được phát hiện sớm và điều trị bằng phương pháp thích hợp để bệnh không ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống bình thường.

1. Đau cổ là gì?

Cổ là bộ phận nối tiếp giữa đầu và thân mình, được cấu trúc từ nhiều thành phần khác nhau bao gồm cột sống cổ, cơ, da, khí quản, thực quản, mạch máu, thần kinh, bạch huyết, các tuyến nội tiết,...

Đau cổ là tình trạng rất thường xảy ra trên lâm sàng, đây có thể là hậu quả của một rối loạn bệnh tật, hoặc một tổn thương nào đó ở cổ hoặc khu vực lân cận với nó. Trong một số trường hợp đau cổ chỉ là vấn đề thoáng qua sẽ tự khỏi mà không cần điều trị, nhưng đôi khi đây cũng là dấu hiệu của một bệnh lý nghiêm trọng cần được can thiệp điều trị sớm.

2. Nguyên nhân gây đau cổ là gì?

Có khá nhiều nguyên nhân khác nhau được biết là có thể gây nên đau cổ. Những nguyên nhân đau cổ thường gặp trên lâm sàng bao gồm:

- Căng cơ: Nếu các cơ ở cổ bị sử dụng kéo dài trong một thời gian nhiều giờ liên tục mà không được nghỉ ngơi chẳng hạn như khi làm việc với máy tính, sử dụng điện thoại thông minh,... Chúng có thể rơi vào trạng thái căng thẳng bất thường và gây đau cho bạn. Một số hoạt động nhỏ khác chẳng hạn gối đầu không cân đối, gối quá cao, đọc sách khi nằm,... cũng có thể sẽ gây nên căng cơ tại cổ.

đau-cổ

Đau cổ do thói quen ngồi làm việc với máy tính liên tục (Ảnh: Internet)

- Bệnh về khớp: Một số bệnh lý về khớp chẳng hạn như thoái hóa khớp, viêm khớp,... khi xảy ra tại các khớp liên đốt sống ở cổ cũng có thể gây nên tình trạng đau ở cổ cho bệnh nhân.

- Sự chèn ép: Sự chèn ép thần kinh, tủy sống do hậu quả thứ phát của một bệnh lý xương khớp ở cổ (thoát vị đĩa đệm, thoái hóa cột sống cổ,...) có thể khiến cấu trúc thần kinh bị tác động và gây đau đớn cho bệnh nhân.

- Chấn thương: Sau một chấn thương tại vùng cổ, các cấu trúc ở khu vực này kể cả các phần cứng (xương, khớp) và các mô mềm (thần kinh, cơ, dây chằng,...) đều có thể bị tổn thương. Những tổn thương này thường biểu hiện bằng nhiều triệu chứng khác nhau, trong đó nổi bật hàng đầu là đau cổ.

- Một số nguyên nhân khác: Bên cạnh các nguyên nhân gây đau cổ thường thấy như đã kể trên thì còn có một số các nguyên nhân đau cổ khác như viêm màng não, đau tim, ung thư,...

* Những đối tượng có nguy cơ cao bị đau cổ:

Đau cổ có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi khác nhau, nhưng những đối tượng có nguy cơ cao mắc đau cổ có thể kể đến như:

- Người cao tuổi hay gặp đau cổ hơn người trẻ do sự thoái hóa tự nhiên của xương khớp,..

- Người thường xuyên phải làm việc với máy tính, hay sử dụng điện thoại thông minh.

- Người lao động trong các môi trường dễ gặp chấn thương ở cổ như công nhân xây dựng,...

- Người có thói quen sinh hoạt xấu như gối đầu quá cao, ngủ sai tư thế, đọc sách khi nằm,...

Ảnh 3.

Thói quen gối đầu quá cao gây đau cổ (Ảnh: Internet)

- Người mắc các bệnh lý tại cột sống cổ như thoái hóa cột sống, thoát vị đĩa đệm, u cột sống,...

3. Triệu chứng biểu hiện đau cổ như thế nào?

Tùy thuộc vào nguyên nhân gây nên đau cổ là gì mà nó có thể biểu hiện khá đa dạng bằng nhiều triệu chứng khác nhau. Những triệu chứng thường gặp nhất khi bệnh nhân bị đau cổ là:

- Đau: Tùy theo nguyên nhân gây đau cổ mà tính chất của đau có thể thay đổi. Nếu đau do căng cơ, chấn thương hay vì một nguyên nhân cấp tính nào đó thì đau thường khởi phát đột ngột, đua nhiều. 

Còn nếu đau cổ do các bệnh lý mãn tính như thoái hóa cột sống cổ, thoát vị đĩa đệm thì đau thường có tính chất tăng dần theo thời gian, đau âm ỉ, đau tăng khi vận động,...

neck-pain-doctor-stretching-therapist-Wavebreakmedia-iStock_000068946871_Medium

Vùng cổ bị căng cứng hơn bình thường ở một bên (Ảnh: Internet)

- Căng cơ ở cổ: Đôi khi người bệnh có thể cảm nhận thấy cơ ở vùng cổ của mình căng cứng hơn bình thường. Sẽ dễ dàng nhận biết hơn nếu sự căng cứng cơ chỉ diễn ra ở một bên trong khi bên còn lại bình thường.

- Giảm vận động cổ: Người bệnh bị thay đổi giới hạn vận động tại vùng cổ, vận động của cổ bị thu hẹp và thường trở nên khó khó khăn hơn. Đây thường là hậu quả thứ phát của đau và biểu hiện căng cứng cơ.

- Các dấu vết của chấn thương: Nếu người bệnh bị đau cổ sau một chấn thương, ta có thể sẽ tìm thấy được các dấu vết mà chấn thương để lại như vết rách da, chảy máu, tụ máu, sưng nề,... Những dấu vết của chấn thương này sẽ giúp ta xác định được vị trí tổn thương, đánh giá tính chất tổn thương cụ thể hơn để phục vụ điều trị.

- Các biểu hiện thần kinh: Bệnh nhân đau cổ có thể sẽ có một số biểu hiện thần kinh kèm theo như đau đầu, tê bì cánh tay, rối loạn vận động, rối loạn cơ vòng,... do các cấu trúc thần kinh (tủy sống, rễ thần kinh,..) bị chèn ép.

Bên canh đó, một số các triệu chứng khác cũng có thể xuất hiện kèm theo khi bệnh nhân gặp đau cổ trên thực tế như các u cục bất thường tại cổ, nôn, buồn nôn, khó thở,....

4. Những xét nghiệm dùng trong chẩn đoán đau cổ là gì?

Để tìm hiểu nguyên nhân gây đau cổ, lựa chọn phương pháp điều trị thích hợp, tiên lượng bệnh trong tương lai cho người bệnh,... thì bác sĩ có thể chỉ định cho bệnh nhân thực hiện một số xét nghiệm khác nhau.

- X-Quang: X-Quang là xét nghiệm hình ảnh học đơn giản và khá hữu ích trong chẩn đoán đau cổ cho bệnh nhân. Trên hình ảnh X-Quang, ta có thể thấy được một số các tổn thương như lún xẹp đốt sống, thoái hóa cột sống cổ, thoát vị đĩa đệm,...

- CT-Scan và MRI: CT-Scan và MRI là những xét nghiệm hình ảnh cao cấp hơn so với X-Quang. Chúng cho phép ta đánh giá không chỉ sự tổn thương xảy ra tại cột sống mà còn cả sự tổn thương xảy ra tại các mô mềm xung quanh nhờ vào hình ảnh các lát cắt rất nhỏ.

Cần lưu ý rằng, không phải lúc nào ta cũng có thể tìm được nguyên nhân, tổn thương đã gây nên đau cổ trên phi X-Quang, CT-Scan, MRI mặc dù bệnh nhân có đau cổ.

- Xét nghiệm máu: Các thông số trả về trong kết quả xét nghiệm máu như số lượng bạch cầu, CRP,... có thể cho thấy bệnh nhân đau cổ có nhiễm trùng, viêm đang xảy ra hay không.

- Thử nghiệm điện: Thử nghiệm điện có thể được thực hiện để đánh giá khả năng dẫn truyền điện của dây thần kinh, sự đáp ứng của cơ đối với kích thích điện khi bênh nhân bị đau cổ.

5. Điều trị đau cổ như thế nào?

5.1. Điều trị đau cổ không sử dụng thuốc

Người bệnh có thể được bác sĩ hướng dẫn thực hiện một số biện pháp hỗ trợ đau cổ mà không cần sử dụng thuốc như:

- Vật lý trị liệu: Các phương pháp vật lý trị liệu như chườm nóng, chườm lạnh, kéo dãn cột sống cổ, xoa bóp,... có thể được sử dụng để giảm đau cổ cho bệnh nhân. Tùy thuộc vào phương pháp bệnh nhân được hướng dẫn mà người bệnh có thể tự thực hiện nó tại nhà hoặc sẽ cần đi đến cơ sở y tế để thực hiện.

- Các bài tập thích hợp: Một số bài tập vận động thích hợp có thể khiến bệnh nhân giảm nhẹ đáng kể tình trạng đau cổ của bản thân. Tuy nhiên, người bệnh cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi luyện tập để được hướng dẫn đúng kỹ thuật, tránh các chấn thương không mong muốn xảy ra.

- Châm cứu: Châm cứu là một phương pháp y học cổ truyền rất có hiệu quả đối với điều trị các bệnh lý xương khớp, trong đó có đau cổ. Người bệnh sẽ được sử dụng châm hoặc nhiệt (cứu) để tác động vào vị trí các huyệt (theo lý luận y học cổ truyền) để giảm đau và chữa bệnh.

Một số các biện pháp khác như matxa, giảm các tư thế gây tác động xấu đến cổ như sử dụng máy tính kéo dài, ngủ đầu cao,... cũng có hiệu quả rất tích cực trong điều trị đau cổ.

5.2. Sử dụng thuốc

- Thuốc giảm đau kháng viêm không Steroid: Các loại thuốc giảm đau kháng viêm không Steroid khác nhau có thể được lựa chọn sử dụng để điều trị đau cổ tùy thuộc vào mức độ đau của bệnh nhân. Các thuốc hay sử dụng trên thực tế bao gồm ibuprofen, naproxen, meloxicam,...

Khi sử dụng các thuốc giảm đau kháng viêm không Steroid để điều trị đau cổ cần chú ý đến các tác dụng phụ của thuốc, đặc biệt là những tác dụng phụ trên đường tiêu hóa như viêm loét dạ dày, xuất huyết tiêu hóa,...

- Thuốc Steroid: Nếu các thuốc kháng viêm giảm đau không Steroid đã được sử dụng nhưng không đạt hiệu quả mong muốn, tình hình bệnh nhân không cải thiện,... thì bệnh nhân có thể được cho sử dụng các thuốc Steroid.

Các thuốc Steroid được sử dụng trong điều trị giảm đau, kháng viêm rất tốt nhưng lại gây nên nhiều tác dụng phụ, nên chúng chỉ thường được dùng bằng đường tiêm tại chỗ mà không sử dụng thông qua đường toàn thân.

Bên cạnh đó, trong một số trường hợp bệnh nhân cũng có thể được sử dụng một số loại thuốc khác như thuốc tê lidocain, hay thuốc kháng sinh ( nếu có tình trạng nhiễm trùng), thuốc chống thoái hóa,... để điều trị đau cổ.

5.3. Điều trị đau cổ bằng phẫu thuật

Trong những trường hợp bệnh nhân đau cổ đã được điều trị tích cực bằng các phương pháp điều trị bảo tồn không sử dụng thuốc và sử dụng thuốc mà vẫn không cải thiện tình trạng bệnh, hoặc các tổn thương do bệnh gây nên nghiêm trọng (chèn ép thần kinh nặng, chấn thương làm tổn thương cột sống cổ,...) thì bệnh nhân có thể sẽ cần được phẫu thuật để điều trị.

6. Chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân đau cổ

6.1. Thực phẩm tốt cho bệnh nhân đau cổ là gì?

Một số loại thực phẩm cho thấy hiệu quả tích cực khi được sử dụng tăng cường trên bệnh nhân đau cổ, chẳng hạn như:

- Omega 3: Omega 3 là một loại chất béo có khả năng kháng viêm rất tốt, nó thường được tìm thấy trong các loại cá sống tại vùng biển sâu (cá ngừ, cá hồi), quả óc chó, một số loại rau xanh,... Người đau cổ được khuyến cáo nên sử dụng nhiều hơn Omega 3 trong bữa ăn để giảm nhẹ các biểu hiện của bệnh.

- Vitamin D và Calci: Để giúp hệ xương khớp (trong đó có cột sống cổ) trở nên mạnh khỏe hơn thì việc bổ sung thêm Calci vào chế độ ăn là thực sự cần thiết.

Ảnh 5.

Bổ sung vitamin D tăng cường chức năng xương khớp (Ảnh: Internet)

- Rau xanh và trái cây: Trong rau xanh và trái cây có chứa nhiều hoạt chất có khả năng chống lại quá trình oxy hóa và chống viêm. Vì vậy chúng có tác dụng rất tốt đối với bệnh nhân bị đau cổ. Theo các nghiên cứu đã chỉ ra, sử dụng nhiều rau xanh và trái cây có thể khiến chỉ số viêm trong cơ thể bệnh nhân giảm xuống 1/3 so với trước đó.

- Magie: Để hệ xương chắc khỏe hơn thì ngoài việc bổ sung nhiều hơn Calci và Vitamin D thì việc cung cấp đầy đủ Magie trong khẩu phần ăn cũng rất quan trọng. Bệnh nhân có thể sử dụng các nguồn thực phẩm như trái cây, rau củ, đậu nành,... để bổ sung magie cho cơ thể.

6.2. Những loại thực phẩm nào không tốt cho bệnh nhân đau cổ?

- Thực phẩm giàu chất béo bão hòa: Trong khi chất béo Omega 3 làm giảm tình trạng viêm của người bệnh đau cổ, thì những chất béo bão hòa lại thúc đẩy quá trình này diễn ra mạnh hơn. Vì thế người bệnh nên hạn chế sử dụng chất béo bão hòa trong bữa ăn hàng ngày của mình. Những loại thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa như thịt mỡ, nội tạng động vật, trứng,...

- Rượu bia: Sử dụng rượu bia hoặc các đồ uống có cồn khác có thể làm giảm sự hấp thu của cơ thể bệnh nhân đối với các chất thiết yếu cho xương như calci và magie. Nên rượu bia và các loại đồ uống có cồn là những thực phẩm không tốt cho bệnh nhân đau cổ.

7. Dự phòng đau cổ như thế nào?

Một số thói quen nhỏ trong cuộc sống hằng ngày có thể sẽ giúp bạn giảm thiểu đáng kể nguy cơ xảy ra đau cổ, chẳng hạn như:

- Làm việc đúng tư thế: Làm việc, lao động đúng tư thế sẽ giúp hạn chế tối đa nguy cơ căng cơ, chấn thương, các bệnh lý về xương khớp xảy ra,... từ đó giúp hạn chế đáng kể nguy cơ bị đau cổ.

- Thường xuyên luyện tập thể dục thể thao: Thường xuyên luyện tập thể dục thể thao, đặc biệt là những bài tập cho vùng cổ sẽ khiến khu vực cổ của bạn dẻo dai hơn và khó bị tổn thương hơn.

- Ngủ đúng tư thế: Không chỉ có khi lao động và làm việc mà ngay cả khi ngủ bạn cũng nên giữ cho mình một tư thế đúng. Hãy nằm với một chiếc gối có độ dày vừa phải, đầu giữ ngay ngắn khi đi ngủ,... điều này sẽ giúp hạn chế nguy cơ đau cổ xảy ra.

- Không đeo các vật nặng lên cổ: Hạn chế đeo các vật nặng trên cổ, hoặc dùng cổ để mang vác các vật nặng,... để tránh làm tổn thương cột sống cổ, cân, cơ, dây chằng tại đây gây đau cổ.

8. Một số câu hỏi thường gặp về đau cổ

8.1. Đau cổ có thể tự khỏi được không?

Đau cổ có thể tự khỏi được không là câu hỏi mà nhiều người thắc mắc khi bị bệnh. Nếu bệnh nhân đau cổ do các nguyên nhân như đau cơ, va chạm nhẹ, căng cơ,... thì đau cổ hoàn toàn có thể khỏi tự nhiên mà không cần điều trị gì cả. Nhưng nếu đau cổ gây nên do các nguyên nhân bệnh lý như thoái hóa khớp, thoát vị đĩa đệm,... thì đau cổ sẽ không thể khỏi tự nhiên mà cần phải được điều trị bằng phương pháp thích hợp.

8.2. Khi nào nên gặp bác sĩ?

Nếu vấn đề đau cổ của bệnh nhân không quá nghiêm trọng, việc gặp bác sĩ có thể không thực sự cần thiết và bệnh có thể sẽ khỏi sau đó mà không cần điều trị. Nhưng nếu bệnh nhân có các dấu hiệu như đau kéo dài, đau liên tục, đau tăng dần về cường độ, đau có kèm theo tê bì chân tay hay sốt,... thì người bệnh nên được đưa đến cơ sở y tế ngay để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

8.3. Điều gì sẽ xảy ra nếu đau cổ không được điều trị?

Nếu đau cổ không được điều trị và quan tâm đúng mức thì có thể gây nên nhiều hậu quả khác nhau như gây ảnh hưởng đến tâm lý người bệnh, nhức đầu, mất ngủ, gây ảnh hưởng đến sinh hoạt và cuộc sống hằng ngày bởi sự đau đớn,...

Nguồn tham khảo:

1. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/neck-pain/symptoms-causes/syc-2037558

2. https://www.everydayhealth.com/neck-pain/neck-pain-prevention-diet.aspx


Tác giả: QN