Đánh giá ưu - nhược điểm của việc tầm soát ung thư xương

Tham vấn chuyên môn: - Bác sĩ Chuyên khoa I Bệnh viện Quân Y 108
Đánh giá ưu - nhược điểm của việc tầm soát ung thư xương
Tầm soát ung thư xương bao gồm các phương pháp như chụp X-quang, MRI, mật động xương, sinh thiết xương,... Việc tầm soát hay chẩn đoán bệnh ở mỗi giai đoạn đều có những ưu điểm và nhược điểm nhất định.

1. Ưu điểm của tầm soát ung thư xương

- Mục đích của tầm soát ung thư xương là phát hiện dấu hiệu tiền ung thư. Đây cũng chính là ưu điểm lớn nhất. Việc tầm soát sẽ giúp ngăn chặn kịp thời sự hình thành và lây lan của các tế bào ung thư. 

- Tầm soát ung thư xương giúp phát hiện ra ung thư ở giai đoạn sớm, ngay cả khi bệnh nhân chưa nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào. Việc phát hiện bệnh ở giai đoạn đầu cũng giúp việc điều trị nhanh chóng và đơn giản hơn, giúp giảm bớt gánh nặng về kinh tế và tinh thần cho bệnh nhân. Phát hiện và điều trị sớm cũng nâng cao khả năng điều trị ung thư xương dứt điểm, khỏi bệnh hoàn toàn.

- Ưu điểm của tầm soát ung thư xương không chỉ dừng lại ở việc phát hiện và điều trị ung thư xương. Trong quá trình thăm hỏi, khám xét và thực hiện các xét nghiệm, bác sĩ có thể phát hiện ra nhiều nguy cơ bệnh tật khác. Đây là lý do mọi người nên đi khám và tầm soát định kỳ.

- Tầm soát ung thư xương được thực hiện theo quy trình rõ ràng và cụ thể. Dấu hiệu đến đâu, thực hiện xét nghiệm đến đó. Việc này giúp cho bệnh nhân tránh phải tham gia những xét nghiệm không cần thiết, tiết kiệm được thời gian và chi phí.

- Các xét nghiệm trong quá trình tầm soát ung thư xương không gây tổn thương, hạn chế mức xâm hại và thường không có tác dụng phụ. Vì thế, sức khỏe của người tham gia tầm soát sẽ không bị ảnh hưởng. Nếu có, chỉ là những cơn đau nhẹ, cảm giác khó chịu,... và chúng sẽ biến mất sau vài giờ, hoặc tối đa là vài ngày.

2. Nhược điểm của tầm soát ung thư xương

- Ung thư xương là căn bệnh rất khó để chẩn đoán, dễ nhầm lẫn với nhiều bệnh lý xương khớp khác. Khi có nghi ngờ, bệnh nhân cần thực hiện thêm nhiều xét nghiệm chuyên sâu để giúp bác sĩ đưa ra kết luận chính xác. 

- Tầm soát ung thư xương có chi phí khá cao. Nguy cơ ung thư càng lớn, càng cần thực hiện nhiều xét nghiệm, chi phí tầm soát càng tăng. Đây là lý do còn ít đối tượng tiếp cận được với tầm soát ung thư xương

- Cũng bởi chi phí cao, cùng với việc ung thư xương là căn bệnh tuy nguy hiểm nhưng hiếm gặp, nên để  thực hiện chiến dịch tầm soát ung thư xương quốc gia thì chi phí bỏ ra quá cao so với lợi ích thu lại. Nên hiện tại, mọi người chỉ có thể tự chủ động đi tầm soát.

- Nếu như đa số các bệnh ung thư thường phổ biến ở người trung tuổi và cao tuổi, thì ung thư xương lại không phân biệt tuổi tác. Thậm chí có phân loại Sarcoma xương chuyên xảy ra ở trẻ em. Chính vì vậy, rất khó để xác định tuổi bắt đầu tầm soát ung thư xương.

- Không có phương pháp xét nghiệm nào là hoàn hảo. Trong 1 số trường hợp, các xét nghiệm có thể cho kết quả dương tính giả. Điều này khiến bệnh nhân suy sụp về tinh thần, tốn kém thời gian và chi phí để thực hiện thêm nhiều xét nghiệm khác. Thậm chí còn làm ảnh hưởng đến bệnh nhân nếu bị chẩn đoán và điều trị sai.

- Song song với nhược điểm dương tính giả chính là kết quả âm tính giả. Tuy hiếm, nhưng khả năng bỏ sót chẩn đoán cũng không phải là không thể xảy ra. Người tham gia tầm soát có thể quá tin vào kết quả chẩn đoán mà lơ là bản thân, bỏ qua những thay đổi bất thường trong cơ thể mình. Cũng có đôi khi, vì tầm soát cho kết quả tốt mà mọi người buông lỏng bản thân, thoải mái ăn nhậu, ngủ nghỉ không khoa học. Những điều này ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe của người tham gia tầm soát.


Tác giả: Mai Nhung