Dành cho người chăm sóc: Làm cách nào để người cao tuổi không còn suy nghĩ "bản thân vô dụng"?

Dành cho người chăm sóc: Làm cách nào để người cao tuổi không còn suy nghĩ "bản thân vô dụng"?
Khi về già, người cao tuổi trải qua nhiều thay đổi dễ dẫn đến sức khỏe tinh thần bất ổn, ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng cuộc sống.

Người cao tuổi rất dễ trải qua cảm giác "bản thân vô dụng" sau khi nghỉ hưu, nhất là đối với những người gặp vấn đề sức khỏe, không tự chủ được sinh hoạt như bị liệt,... Dưới đây là những lời khuyên dành cho người chăm sóc:

1. Thể hiện sự quan tâm

Điều đầu tiên để người già trong nhà xóa bỏ suy nghĩ "bản thân vô dụng" chính là thể hiện sự quan tâm, lắng nghe thực sự. Hãy phản ứng với những câu chuyện, những lời khuyên hay tin tức mà cha mẹ, ông bà bạn chia sẻ để họ cảm thấy rằng bạn đang trân trọng những gì mà người lớn tuổi đang nói.

Bên cạnh đó, đừng quên hỏi một ngày của người lớn tuổi trong gia đình như thế nào. Đơn giản chỉ là hỏi bố mẹ, ông bà đã làm gì trong ngày, có gì vui không hay ngày mai dự định làm gì,... Việc được quan tâm và lắng nghe giúp củng cố cảm xúc nói riêng cũng như tác động tích cực tới sức khỏe tinh thần của người cao tuổi.

Dành cho người chăm sóc: Làm cách nào để người cao tuổi không còn suy nghĩ "bản thân vô dụng"? - Ảnh 2.

Điều đầu tiên để người già trong nhà xóa bỏ suy nghĩ "bản thân vô dụng" chính là thể hiện sự quan tâm, lắng nghe thực sự (Ảnh: Internet)

Đọc thêm:

Trầm cảm ở người cao tuổi: Khủng hoảng khi sức khỏe tinh thần và thể lực đều sa sút

Khủng hoảng tuổi trung niên: Nguyên nhân, dấu hiệu và biện pháp khắc phục

Nhiều người lớn tuổi gặp trở ngại trong việc chia sẻ, cởi mở do mặc cảm, tự ti không còn cùng tiếng nói với thế hệ trẻ. Vì thế, người trẻ trong gia đình cần bỏ ngay những câu nói mang tính phân biệt thế hệ như: "Thời nay khác rồi", "Ông bà già rồi nên không hiểu",...

2. Thúc đẩy các hoạt động mang tính tư duy

Khi về già, các nơ-ron thần kinh lão hóa khiến trí tuệ, sự minh mẫn ở người cao tuổi bị giảm sút; đây là khởi nguồn của các bệnh như Alzheimer, sa sút trí tuệ, lẫn, sảng,... Người chăm sóc nên gợi mở các hoạt động cần dùng đến đầu óc như hội họa, cắm hoa, thủ công,... để người lớn tuổi tự thực hiện và cảm thấy mình "vẫn làm được nhiều thứ".

Dành cho người chăm sóc: Làm cách nào để người cao tuổi không còn suy nghĩ "bản thân vô dụng"? - Ảnh 3.

Người chăm sóc nên gợi mở các hoạt động cần dùng đến đầu óc (Ảnh: Internet)

Nếu người lớn tuổi gặp khó khăn trong các hoạt động mang tính chất phức tạp, người chăm sóc cần có sự giúp đỡ khéo léo bằng cách đặt ra những câu hỏi, chẳng hạn như: "Ông bà cảm thấy nếu cháu làm thế này có ổn không?",...

3. Khen ngợi

Không chỉ người trẻ, kể cả người già cũng đều thích được khen ngợi. Đừng vạch trần các lỗi mà người lớn tuổi vô tình mắc phải, điều này có thể làm tổn hại đến lòng tự trọng của họ. Thay vào đó, hãy đưa ra các gợi ý mang tính xây dựng, nhẹ nhàng và tích cực. Nguyên tắc luôn là, hãy mềm mỏng, thật mềm mỏng.

Dành cho người chăm sóc: Làm cách nào để người cao tuổi không còn suy nghĩ "bản thân vô dụng"? - Ảnh 4.

Không chỉ người trẻ, kể cả người già cũng đều thích được khen ngợi (Ảnh: Internet)

Với lời khen, đừng tiếc, bạn nên dành cho người lớn tuổi trong nhà những lời khen ngợi dù là nhỏ nhất chẳng hạn chỉ là ông bà giúp bạn sắp xếp lại đồ dùng trên bàn hay quét nhà,...Khích lệ kỹ năng là cách thể hiện việc bạn đang "đánh giá cao năng lực" của người lớn tuổi - điều này giúp loại bỏ suy nghĩ "bản thân vô dụng" thường thấy khi về già.

4. Hỏi về những lời khuyên

Nếu bạn đang có hoặc không những thắc mắc nhỏ nào đấy mà bạn cho rằng ông bà, cha mẹ có thể cho bạn lời khuyên? Đừng ngần ngại, hãy hỏi họ. Người lớn tuổi khi được con cháu hỏi về lời khuyên trong công việc, cuộc sống sẽ cảm thấy bản thân hữu ích hơn rất nhiều khi không biết làm cách nào để hòa nhập với cuộc sống thường ngày của các thành viên trong gia đình.

Hãy hỏi một cách tinh tế và đặt sự chú tâm của bản thân trong đó.

5. Nếu có bất kì một vấn đề gì liên quan tới người lớn tuổi, hãy để họ quyết định trước

Nhiều người chăm sóc thường tự mình quyết định các vấn đề liên quan tới sức khỏe, tài chính hay các hoạt động của người lớn tuổi trong nhà. Điều này sẽ chỉ khiến người cao tuổi cảm thấy bản thân vô dụng khi không được tự quyết định vấn đề của bản thân nữa.

Người chăm sóc cần khéo léo hơn để không làm tổn thương lòng tự trọng của ông bà hay cha mẹ. Khi có bất kì vấn đề gì, hãy để cha mẹ diễn đạt cách thức và thời điểm cần bạn giúp đỡ. Nói cách khác, giới hạn sự trợ giúp của bản thân là cách để bạn cho người lớn tuổi trong nhà có không gian riêng và giữ khả năng linh hoạt não bộ.

Lấy ví dụ về việc bạn muốn đưa ông bà, cha mẹ đi khám? Đừng chỉ cho rằng người lớn tuổi muốn bạn vào phòng khám cùng, hãy xin phép trước khi bạn muốn tham gia vào cuộc thảo luận với bác sĩ.

Tóm lại, ông bà, cha mẹ bạn vẫn là ông bà, cha mẹ bạn cho dù họ bao nhiêu tuổi và khả năng, sức khỏe của họ thay đổi như thế nào.

Nguồn: Better Health, AgingCare


Tác giả: Châu Anh