Vitamin D là loại vitamin thuộc nhóm các vitamin tan trong dầu. Từ lâu, nó đã được biết đến với vai trò quan trọng trong duy trì sự vững chắc của cấu trúc mô xương. Ngoài ra, vitamin D còn có nhiều tác dụng quan trọng khác đối với cơ thể, giúp ngăn chặn nhiều tình trạng bệnh lý như bệnh lý tự miễn, đái tháo đường type 2, bệnh tim,...
Từ những năm 1982, các nghiên cứu khoa học đã ủng hộ mạnh mẽ quan điểm về sự liên hệ mật thiết giữa bức xạ mặt trời và sự tổng hợp vitamin D của cơ thể. Cho rằng bức xạ cực tím trong ánh sáng mặt trời là xúc tác quan trọng hàng đầu để chuyển tiền chất của vitamin D thành vitamin D. Có đến khoảng 80% lượng vitamin D trong cơ thể được hình thành là nhờ tác dụng của bức xạ cực tím.
Tuy nhiên, trong thành phần của bức xạ cực tím mặt trời chỉ có tia cực tím B (UVB) tham gia vào sự tổng hợp vitamin D. Mà trong đó, UVB chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 5% trong thành phần của bức xạ mặt trời. Chiếm tỷ lệ đến 95% còn lại là tia cực tím A (UVA), loại tia cực tím này không có tác dụng tổng hợp vitamin D mà chỉ làm đen da, sạm da khi tiếp xúc.
Vì vậy, vẫn có không ít ý kiến trái chiều liên quan đến những hướng dẫn cũ về tác dụng của tia cực tím trong tổng hợp vitamin D. Đưa ra những hướng dẫn cách tắm nắng mới là thực sự cần thiết để có thể hạn chế những nguy cơ của tắm nắng (cháy nắng, ung thư da) trong khi vẫn giúp đảm bảo giúp cơ thể tổng hợp vitamin D một cách tốt nhất.
Đọc thêm:
- Thường xuyên tắm nắng giúp mẹ bầu giảm nguy cơ sinh non, dị tật thai nhi
- Hướng dẫn mẹ tắm nắng cho trẻ sơ sinh đúng cách để bổ sung đủ vitamin D cho trẻ
Mới đây, một nhóm các nhà khoa học đến từ Đại học King (King's College London-KLC) đã thực hiện nghiên cứu về các hướng dẫn cách tắm nắng hiện nay. Nghiên cứu được thực hiện để đánh giá nồng độ của 25,OH-Vitamin D3 ở các tính nguyện viên khỏe mạnh sau khi tiếp xúc với bức xạ mặt trời.
Theo giáo sự Antony Young - tác giả chính của nghiên cứu cho biết, những hướng dẫn cách tắm nắng đang dùng hiện nay thiếu tính chính xác về tác dụng sinh vitamin D khi tiếp xúc với bức xạ mặt trời. Tuy nhiên, vấn đề này có thể được khắc phục nếu điều chỉnh phổ ánh sáng tiếp xúc giảm xuống 5nm.
Một nghiên cứu được thực hiện từ 2011-2014, với sự tham gia của 75 tình nguyện viên khỏe mạnh để đánh giá sự tổng hợp vitamin D dưới bức xạ mặt trời. Mùa đông và mùa xuân hằng năm - mùa có mức độ UVB trong tia bức xạ thấp là những thời điểm được lựa chọn để tiến hành thử nghiệm trên các tình nguyện viên.
Các tình nguyện viên sẽ được yêu cầu tiếp xúc một phần hoặc toàn bộ cơ thể với một nguồn bức xạ mặt trời nhân tạo. Sau đó, sẽ có 5 lần điều chỉnh tỷ lệ tia UVB trong nguồn bức xạ mặt trời nhân tạo được thực hiện, tần suất thay đổi khoảng 3-4 ngày/lần.
Nồng độ vitamin D trong máu của tình nguyện viên sẽ được ghi nhận vào các thời điểm trước, trong và sau mỗi lần thử nghiệm với tỷ lệ tia UVB khác nhau. Từ đó, mối liên hệ giữa liều lượng tia UVB và nồng độ vitamin D trong thí nghiệm sẽ được phân tích thông qua các phương pháp thống kê phù hợp. Kết quả này sử dụng để đối chiếu với các hướng dẫn về tắm nắng hiện nay.
Kết quả phân tích cho thấy, những hướng dẫn cách tắm nắng hiện nay chưa thể hiện chính xác mối liên hệ giữa liều tia UVB và lượng vitamin D được tạo ra.
Nguyên nhân để lý giải cho điều này có thể do sự khác biệt về phổ hoạt động của tiền vitamin D3 so với vitamin D trưởng thành. Dù tiền vitamin D3 có thể chuyển thành vitamin D nhờ tác dụng của bức xạ UVB, nhưng nó lại có thể bị phân hủy trước khi quá trình này được diễn ra. Do đó rất khó khăn để dự đoán chính xác hiệu suất của quá trình chuyển tiền vitamin D3 thành vitamin D.
Qua phân tích, lượng bức xạ mặt trời càng cao sẽ gây ra phản ứng quang hóa càng mạnh. Điều này dẫn đến sự khác biệt về kết quả giữa các lần thử nghiệm. Để kiểm tra lại tính chính xác của kết quả trên, các nhà nghiên cứu đã tiến hành giảm 1nm trên bước sóng sử dụng và ghi nhận lại thay đổi tương ứng.
Cuối cùng họ nhận ghi nhận rằng, hiệu suất chuyển tiền vitamin D thành vitamin D sẽ đạt cao nhất khi bước sóng bức xạ tác động được điều chỉnh giảm 5nm.
Từ kết quả thu được, các nhà nghiên cứu cho rằng đã đến lúc phải có sự thay đổi đối với những hướng dẫn cách tắm nắng hiện nay.
Nhưng lượng tia UVB trong bức xạ mặt trời thay đổi liên tục theo từng thời điểm trong ngày, theo mùa, và cả theo vĩ độ. Mỗi một bước sóng bức xạ khác nhau sẽ gây nên các đáp ứng sinh học khác nhau. Do vậy, việc điều chỉnh những hướng dẫn cách tắm nắng hiện hành không phải là một điều đơn giản.
Tuy nhiên có thể khẳng định, liều lượng bức xạ mặt trời thích hợp để tạo vitamin D là thấp hơn nhiều so với liều lượng cần để gây nên cháy nắng. Và chỉ cần tiếp xúc với bức xạ mặt trời trong một thời gian ngắn là đã đủ để có thể xúc tác quá trình tạo vitamin D diễn ra.
Dù nhóm nghiên cứu tin rằng, việc đánh giá tương quan giữa nồng độ vitamin D và liều lượng bức xạ sẽ cho thấy cái nhìn tinh tế và đầy đủ hơn về các rủi ro - lợi ích so với việc chỉ đánh giá thông qua hàm lượng của các tiền chất vitamin D. Nhưng không thể phủ nhận nghiên cứu vẫn còn có những hạn chế nhất định. Đặc biệt là sự khác biệt giữa các cá nhân tình nguyện viên tham gia vào nghiên cứu.
Trong tương lai, có thể sẽ cần thêm nhiều nghiên cứu khác để làm rõ sự đáp ứng của sắc tố da khi tương tác với bức xạ mặt trời. Điều này sẽ đóng góp vào việc đưa ra một hướng dẫn cách tắm nắng mới an toàn và hiệu quả hơn.