Cục máu đông ở chân: Dấu hiệu nhận biết và cách điều trị

Cục máu đông ở chân: Dấu hiệu nhận biết và cách điều trị
Cục máu đông hay còn gọi là huyết khối có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào. Trong đó, cục máu đông ở chân có thể hình thành trong các tĩnh mạch sâu (huyết khối tĩnh mạch sâu). Một khi cục máu đông ở tĩnh mạch tay chân di chuyển đến các vùng như phổi hoặc tim sẽ gây biến chứng nghiêm trọng, đe dọa tới tính mạng.

Một cục máu đông ở chân có thể gây ra nhiều hậu quả sức khỏe nghiêm trọng nếu không được chẩn đoán, chăm sóc và điều trị đúng cách nhưng không phải ai cũng có thể biết mình có cục máu đông ở chân, đặc biệt là trong nhiều trường hợp, các triệu chứng có thể quan sát bằng mắt thường dễ bị nhầm lẫn với lão hóa tự nhiên.

Cục máu đông là gì?

Cục máu đông là những khối thạch giống như máu; có thể xuất hiện ở động mạch hoặc tĩnh mạch từ tim, não, phổi, bụng, tay và chân. Theo Healthline, nhiều nghiên cứu cho thấy chân là một bộ phận dễ hình thành cục máu đông nhất.

CDC Hoa Kỳ đã liệt kê các yếu tố rủi ro được cho là có thể làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông bao gồm: Tuổi tác (người trên 65 tuổi), người bị thừa cân/béo phì, người có tiền sử gia đình từng bị huyết khối, gần đây bị chẩn đoán và điều trị bệnh ung thư, đang mang thai hoặc mới mang thai, mới chấn thương gần đây hoặc mới trải qua đại phẫu, dùng biện pháp tránh thai dựa trên estrogen hoặc liệu pháp hormone.

Đọc thêm:

+ Cục máu đông trong dạ dày: Triệu chứng và cách điều trị

+ Thực phẩm là "khắc tinh" của cục máu đông gây đau tim và đột quỵ

1. Dấu hiệu nhận biết cục máu đông ở chân

Một cục máu đông xuất hiện ở một trong những tĩnh mạch chính trong cơ thể được gọi là huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT), phổ biến là cục máu đông ở chân hoặc ở vùng hông. Dấu hiệu có cục máu đông ở chân bao gồm:

- Sưng tấy. Tình trạng sưng có thể xảy ra đột ngột ở một vùng hoặc dọc theo tĩnh mạch ở chân. Việc chườm đá hoặc nâng cao chân hơn tim không đem lại tác dụng giảm sưng.

- Các vùng da ở chân đỏ, vùng nâu sẫm màu, da xanh hoặc các mảng da đổi màu. Đây là biểu hiện của tình trạng viêm. Khi sờ vào có thể có cảm giác ấm nóng.

Hình ảnh cục máu đông ở chân (Ảnh: Healthline)

- Sự dày lên hoặc cứng lại của tĩnh mạch ở chân.

- Đau đớn ở một bên chân. Cơn đau được mô tả là đau nhói, thường tập trung ở một vùng bắp chân hoặc đùi khi đi bộ hoặc đứng dậy, tựa như bị chuột rút cơ. Cơn đau ở chân không thuyên giảm khi nghỉ ngơi. Ngược lại, bạn sẽ không cần lo lắng nếu như cơn đau chân trở nên tệ hơn nếu tập thể dục nhưng lại thuyên giảm khi nghỉ ngơi đầy đủ - nguyên nhân có thể là do lưu lượng máu qua động mạch kém hơn là nguyên nhân do huyết khối tĩnh mạch sâu ở chân.

Khi cục máu đông hình thành trong các tĩnh mạch sâu ở chân được gọi là huyết khối tĩnh mạch sâu. Tuy nhiên, do tĩnh mạch sâu ở chân khó có thể nhìn thấy nên nhiều người không gặp phải các triệu chứng cục máu đông ở chân đặc trưng nào ở chân cho tới khi bệnh phát triển nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như thuyên tắc phổi.

Cục máu đông ở chân: Dấu hiệu nhận biết và cách điều trị - Ảnh 4.

Khi cục máu đông hình thành trong các tĩnh mạch sâu ở chân được gọi là huyết khối tĩnh mạch sâu (Ảnh: ST)

Theo CDC Hoa Kỳ, có khoảng 1/3 - 1/2 số người bị huyết khối tĩnh mạch sâu cũng phát triển một tình trạng gọi là hội chứng hậu huyết khối - xảy ra khi các van trong mạch máu bị tổn thương dẫn tới các triệu chứng gồm: Đau nhức và sưng tấy, cảm giác nặng nề, ngứa ran, chuột rút thậm chí là loét.

Ngoài ra, các cục máu đông cũng có thể hình thành trong các tĩnh mạch ở gần da hơn và được gọi là huyết khối tĩnh mạch nông, và gây ra tình trạng viêm tắc huyết khối tĩnh mạch nông với nguy cơ vỡ huyết khối và gây thuyên tắc mạch thấp.

Dù tình trạng viêm tắc huyết khối tĩnh mạch nông có thể gây đau nhưng các loại cục máu đông này thường không di chuyển tới phổi. Thường liên quan bởi các chấn thương trên da, bao gồm cả việc đặt đường truyền tĩnh mạch hoặc các yếu tố nguy cơ khác tương tự như các yếu tố nguy cơ gây ra huyết khối tĩnh mạch sâu.

Cục máu đông ở chân: Dấu hiệu nhận biết và cách điều trị - Ảnh 5.

Các cục máu đông cũng có thể hình thành trong các tĩnh mạch ở gần da hơn và được gọi là huyết khối tĩnh mạch nông (Ảnh: ST)

Chẩn đoán cục máu đông ở chân

Nếu một người bị đau và sưng chân, bác sĩ có thể chỉ định một hoặc nhiều xét nghiệm dưới đây là chẩn đoán nguyên nhân có phải do cục máu đông ở chân không, bao gồm:

- Siêu âm Duplex: Đây là một dạng kết hợp giữa siêu âm bình thường và Doppler, rất hiệu quả trong chẩn đoán các bệnh lý tim mạch nói chung, cũng như bệnh tĩnh mạch nói riêng. Giúp quan sát dòng máu chảy trong tĩnh mạch và phát hiện cục máu đông hoặc tắc nghẽn.

- Xét nghiệm D-dimer: Là một xét nghiệm sinh hóa, được dùng để kiểm tra tình trạng huyết khối trong máu bằng cách đo nồng độ của một chất được giải phóng vào máu khi cục máu đông vỡ ra.

- Chụp CT tiêm thuốc cản quang: Xét nghiệm này sử dụng tia X và thuốc cản quang để quan sát các tĩnh mạch sâu ở chân và hông của bạn.

2. Điều trị cục máu đông ở chân

Giảm nguy cơ hình thành cục máu đông ở chân bao gồm việc giải quyết các yếu tố nguy cơ có thể thay đổi, thường bao gồm việc thay đổi lối sống để bù đắp cho các tác động của việc hạn chế vận động, phẫu thuật gần đây hoặc do tuổi tác. Bao gồm:

- Vận động nhiều nhất nếu có thể.

- Giảm cân nếu thừa cân.

- Không đứng hoặc ngồi lâu hơn 1 giờ đồng hồ. Nếu không thể di chuyển, khi ngồi lâu hãy duỗi chân và uốn cong ngón chân hoặc xoay cổ chân để máu lưu thông.

Cục máu đông ở chân: Dấu hiệu nhận biết và cách điều trị - Ảnh 6.

Điều trị cục máu đông ở chân như thế nào? Ảnh: ST

- Giảm lượng muối tiêu thụ hàng ngày.

- Nói chuyện với bác sĩ về nguy cơ đông máu nếu đang dùng liệu pháp hormone để tránh thai hoặc liệu pháp thay thế hoặc trong và ngay sau khi mang thai.

- Không vắt chéo chân khi ngồi, tránh kê gối dưới đầu gối khi nằm.

Tuyệt đối không dùng aspirin để ngăn ngừa cục máu đông trừ khi có lời khuyên của bác sĩ.

Nhưng cần lưu ý rằng, cục máu đông ở chân hay vị trí nào đều cần được đánh giá và điều trị bởi các chuyên gia y tế. Không có cách điều trị tan cục máu đông tại nhà bằng các biện pháp tự nhiên. Thậm chí, điều trị không đúng cách có thể làm tăng nguy cơ mắc phải các tình trạng đe dọa sức khỏe.

Theo Healthline, điều trị cục máu đông ở chân bao gồm:

- Thuốc chống đông máu: Thuốc chống đông máu là phương pháp điều trị phổ biến nhất với tình trạng cục máu đông, giúp giảm khả năng hình thành cục máu đông mới và đồng thời giúp phá vỡ bất kỳ cục máu đông hiện có nào. Có thể kể đến như thuốc Warfarin, Enoxaparin, thuốc Heparin,...

- Sử dụng tất nén: Tạo áp lực lên bàn chân và cẳng chân nhằm mục đích giảm sưng và góp phần tăng lưu thông máu.

- Thuốc tiêu huyết khối (Thrombolytics): Là loại thuốc giúp hòa tan cục máu đông đã hình thành.

- Phẫu thuật loại bỏ huyết khối: Thường chỉ định khi cục máu đông đặc biệt lớn hoặc gây ra các triệu chứng đáng lo ngại.

- Loại bỏ cục máu đông bằng cách đặt filter lọc máu tĩnh mạch chủ dưới (Vena cava filters): Giúp ngăn chặn việc cục máu đông di chuyển qua tĩnh mạch chủ tới tim, thường chỉ định cho người có nguy cơ cao bị thuyên tắc phổi mà không thể dùng thuốc chống đông máu.

Có một số thực phẩm giúp giảm nguy cơ hình thành cục máu đông trong tương lai nhưng không thể thay thế cho các phương pháp điều trị thay thế, chẳng hạn như nghệ, gừng, quế, ớt cayenne, vitamin E. Nhưng trước khi thêm bất kì một thực phẩm hay thuốc bổ sung nào vào chế độ ăn, hãy trao đổi trước với bác sĩ để tránh gây ra các tương tác thuốc không mong muốn, ảnh hưởng tới việc điều trị bệnh.

Cục máu đông ở chân: Dấu hiệu nhận biết và cách điều trị - Ảnh 7.

Mất bao lâu để cục máu đông tan? Ảnh: ST

Mất bao lâu để cục máu đông tan? Theo Healthline, các cục máu đông có thể mất vài tuần với vài tháng để tan, tùy thuộc vào kích thước của huyết khối.

Nếu có cục máu đông ở chân và gặp phải bất kỳ triệu chứng nào dưới đây, hãy nhanh chóng tìm kiếm trợ giúp y tế ngay lập tức, đây có thể là các triệu chứng thuyên tắc phổi đe dọa tới tính mạng: Đột ngột khó thở mà không rõ nguyên nhân; đau thắt ngực, đau nặng hơn khi hít vào, cảm giác như đang bị đau tim; chóng mặt, chóng váng hoặc ngất xỉu; ho hoặc ho lẫn máu; đau và sưng ở chân; đổ mồ hôi quá mức; môi và móng tay chuyển sang màu tím xanh.

Nhìn chung, cục máu đông ở chân là một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Việc nắm rõ các dấu hiệu cảnh báo cục máu đông ở chân có thể giúp chẩn đoán kịp thời và bắt đầu điều trị sớm. Không nên bỏ qua các tình trạng đau và sưng ở chân, nhất là ở nhóm có yếu tố nguy cơ cao bị cục máu đông.

Nguồn dịch tham khảo:

1. What Does a Blood Clot Look and Feel Like? With Pictures

2. Signs and Symptoms of Blood Clot in Leg

3. Treating Blood Clots in Your Legs


Tác giả: Châu Anh