Củ dong vào mùa: Ăn củ dong có tác dụng gì với sức khỏe?

Củ dong vào mùa: Ăn củ dong có tác dụng gì với sức khỏe?
Củ dong được thu hoạch từ tháng 10 - tháng 12 hàng năm. Củ dong là củ có giá trị dinh dưỡng cao, ăn củ dong có nhiều tác dụng đối với sức khỏe. Theo Đông y thì củ dong có vị nhạt, hơi ngọt, tính mát nên thích hợp để an thần, thanh nhiệt, giáng áp và lợi thấp.

Củ dong là củ gì? Củ dong là một loại củ dạng rễ của cây dong, được trồng rất phổ biến ở Việt Nam, từ vùng núi tới trung du hay đồng bằng. Củ dong có tên khoa học là Maranta Arundinacea. Củ dong có màu trắng ngà, đôi khi xen một chút màu xanh lá. Mọi người có thể ăn củ dong bằng cách luộc trực tiếp hoặc ăn các chế phẩm từ bột củ dong như miến dong,...

1. Giá trị dinh dưỡng của củ dong

Giống như nhiều loại củ giàu tinh bột như củ sắn, củ mài, khoai sọ,.. thì củ dong cũng giàu tinh bột. Theo USDA thì 120 gam củ dong sống chứa:

- Lượng calo: 78.

- Tinh bột: 16 gam.

- Chất xơ: 2 gam.

- Chất đạm: 5 gam.

- Chất béo: 0 gam.

- Axit folic: 102% nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị hàng ngày (DV).

- Phốt pho: 17% DV.

- Sắt: 15% DV.

- Kali: 11% DV.

Có thể thấy ăn củ dong rất giàu protein hơn các loại củ khác, chẳng hạn như khoai mỡ (120 gam khoai mỡ chứa 2,3 gam protein; trong khi ở củ dong là 5 gam).

Củ dong vào mùa: Ăn củ dong có tác dụng gì với sức khỏe? - Ảnh 2.

Ăn củ dong có tác dụng sức khỏe ở nhiều khía cạnh khác nhau như tiêu hóa, tim mạch,... (Ảnh: ST)

Đọc thêm:

Loại củ được mệnh danh là "vựa kali và vitamin C", cực tốt cho tim mạch và huyết áp

Thứ hạt cứ ăn là gây "mùi khó chịu" nhưng lại cực tốt cho sức khỏe

Bên cạnh các chất dinh dưỡng kể trên thì củ dong cũng cung cấp hơn 100% DV folate (vitamin B9), rất cần thiết cho sự phát triển của thai nhi, ngăn ngừa nguy cơ dị tật ống thần kinh, đặc biệt ở 3 tháng đầu thai kỳ. Vitamin B9 cũng được chứng minh là có liên quan tới giảm nguy cơ mắc các bệnh mãn tính như ung thư.

2. Ăn củ dong có tác dụng gì đối với sức khỏe?

Ăn củ dong có tốt không? Ăn củ dong có giảm cân không? Hay ăn củ dong có béo không,... là một vài thắc mắc phổ biến của mọi người khi tìm kiếm thông tin về củ dong. Theo Healthline, ăn củ dong có tác dụng đối với sức khỏe theo nhiều khía cạnh, từ hệ tiêu hóa tới miễn dịch, giảm cân,.. dựa trên hàm lượng tinh bột cũng như các thành phần dinh dưỡng trong nó.

Cụ thể, tác dụng của củ dong có thể kể đến như:

- Có thể hỗ trợ giảm cân

Bột củ dong chứa tới 32% tinh bột kháng. Tinh bột kháng là một loại carbohydrate không được tiêu hóa trong ruột non; thay vào đó, loại tinh bột này lên men trong ruột già và nuôi dưỡng vi khuẩn đường ruột có lợi như một loại chất xơ hòa tan.

Thực phẩm giàu chất xơ và tinh bột kháng có tác dụng giúp tốc độ tiêu hóa chậm lại, giúp người ăn cảm thấy no lâu hơn, từ đó giảm cảm giác thèm ăn và thúc đẩy giảm cân hiệu quả. Theo Healthline, một nghiên cứu trên 20 người trưởng thành sử dụng thực phẩm bổ sung có chứa 48 gam tinh bột kháng đã giảm đáng kể lượng calo tiêu thụ trong 24 giờ tiếp theo so với nhóm đối chứng.

Củ dong vào mùa: Ăn củ dong có tác dụng gì với sức khỏe? - Ảnh 3.

Củ dong giàu chất xơ, tinh bột kháng tốt cho hệ tiêu hóa (Ảnh: ST)

Ngoài tinh bột kháng, củ dong cũng giàu protein. Tiêu thụ protein lành mạnh cũng giúp tăng cảm giác no hơn. Củ dong cũng không chứa chất béo nên với câu hỏi ăn củ dong có béo không, câu trả lời là không, điều quan trọng là bạn cần kết hợp với chế độ ăn cân bằng, thâm hụt calo và luyện tập để giảm cân hiệu quả.

- Có thể điều trị tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa

Bột củ dong có thể giúp giảm tiêu chảy bằng cách giúp phân rắn lại và bù nước do tiêu chảy gây ra; đặc biệt mất nước có thể nghiêm trọng ở nhóm dễ bị tổn thương như trẻ em.

Trong một nghiên cứu kéo dài một tháng ở 11 người bị tiêu chảy được sử dụng 10 mg bột củ dong 3 lần mỗi ngày đã giảm tình trạng đau bụng và tiêu chảy. Điều này được giải thích là nhờ hàm lượng tinh bột cao trong củ dong có thể giúp tăng độ đặc và kích thước phân, từ đó giảm tần suất đi ngoài do tiêu chảy.

- Hỗ trợ hệ miễn dịch

Ăn củ dong giàu tinh bột kháng cũng có thể giúp thúc đẩy hệ miễn dịch nhờ hoạt động tương tự như chất xơ hòa tan, nuôi dưỡng vi khuẩn đường ruột, từ đó cải thiện hệ miễn dịch, giúp phòng ngừa bệnh tật. Vi khuẩn đường ruột thậm chí còn có thể ảnh hưởng tới cách cơ thể phản ứng với nhiều loại bệnh khác nhau.

Một nghiên cứu trên chuột kéo dài 14 ngày sử dụng bột củ dong, kết quả nghiên cứu cho thấy, ăn bột củ dong giúp tăng đáng kể nồng độ immunoglobulin G, A và M trong máu - những kháng thể này có tác dụng bảo vệ cơ thể khỏi các vi sinh vật có hại tấn công gây bệnh.

Củ dong vào mùa: Ăn củ dong có tác dụng gì với sức khỏe? - Ảnh 4.

Củ dong có thể được ăn trực tiếp hoặc làm miến, làm bánh hoặc các sản phẩm khác (Ảnh: ST)

Tuy nhiên, các nghiên cứu vẫn còn giới hạn trên ống nghiệm và động vật, vì thế cần nhiều nghiên cứu với quy mô rộng hơn trên người trước khi có thể kết luận chắc chắc về liều lượng củ dong hay bột củ dong cũng như cách sử dụng, tác dụng phụ có thể gặp để nâng cao hệ miễn dịch như thế nào.

- Phù hợp với chế độ ăn không chứa gluten

Dị ứng Gluten được hiểu là cơ thể người bệnh không dung nạp Gluten, lúc này khi ăn thực phẩm chứa Gluten thì hệ thống miễn dịch sẽ sản sinh ra chất tấn công vào ruột non để ngăn không cho cơ thể hấp thu các chất dinh dưỡng, tạo nên phản ứng dị ứng.

Giống như hầu hết các loại củ khác thì bột củ dong tự nhiên cũng không chứa gluten nên bột củ dong có thể được sử dụng để thay thế cho bột mì hay các sản phẩm từ lúa mạch, thích hợp với người bị dị ứng gluten.

Điều thú vị là tinh bột kháng của bột củ dong còn có thể sử dụng để cải thiện kết cấu, độ giòn cũng như hương vị của nhiều sản phẩm không chứa gluten khác.

- Củ dong có chỉ số đường huyết thực phẩm (GI) thấp có lợi với bệnh tiểu đường

Bột củ dong là thực phẩm có chỉ số GI thấp (củ dong luộc là 14) nên có lợi cho bệnh nhân tiểu đường cần ngăn ngừa sự gia tăng đột biến lượng đường trong máu sau bữa ăn. Hơn nữa, nồng độ kali của củ dong cũng góp phần kiểm soát đường huyết hiệu quả.

Củ dong vào mùa: Ăn củ dong có tác dụng gì với sức khỏe? - Ảnh 5.

Củ dong hầu như an toàn với với mọi người (Ảnh: ST)

- Có thể có lợi cho tim mạch

Nhờ hàm lượng kali mà ăn củ dong có thể đem lại một số lợi ích cho hệ tim mạch như giúp thư giãn mạch máu, giúp quá trình lưu thông máu được dễ dàng hơn, từ đó giảm áp lực lên tim, có lợi cho người bị cao huyết áp - một trong những yếu tố nguy cơ phổ biến gây bệnh tim mạch.

Hơn nữa, củ dong không chứa chất béo, ít muối nên góp phần giảm gánh nặng cho tim. Chất xơ tốt cho củ dong cũng góp phần giảm nồng độ cholesterol xấu trong máu, giảm nguy cơ xơ vữa động mạch và các biến cố tim mạch có liên quan như đột quỵ hoặc đau tim.

3. Phân biệt cây dong trắng và cây dong riềng đỏ

Khác với củ dong trắng thường được sử dụng làm miến hoặc luộc ăn trực tiếp có thân cây màu xanh, sống lá cũng màu xanh (có thể hơi xen màu tím), hoa mọc thành từng chùm với cánh hoa to.

Còn với cây dong riềng đỏ, thì cây cao khoảng từ 1- 1.5m, có thân và củ màu đỏ tía, lá đơn, chóp nhọn có màu xanh đậm, sống lá cũng có màu tím và gồ hẳn lên. Hoa của cây dong riềng đỏ mọc riêng lẻ với bông nhỏ và dài có màu đỏ.

Củ dong vào mùa: Ăn củ dong có tác dụng gì với sức khỏe? - Ảnh 6.

Phân biệt củ dong trắng và củ dong riềng đỏ (Ảnh: ST)

Cây dong riềng đỏ thường được sử dụng làm vị thuốc trong y học cổ truyền với rất nhiều tác dụng nổi bật, trong đó có giảm đau, kháng viêm, hỗ trợ tiêu hóa, hạ huyết áp, cải thiện tuần hoàn máu, thanh nhiệt và giải độc cơ thể.

Bài thuốc chữa bệnh từ cây dong riềng đỏ

- Dong riềng đỏ hỗ trợ chữa suy tim, hạ huyết áp, điều hòa nhịp tim... Vì vậy ở những bệnh nhân có nhịp tim chậm do suy tim hoặc không rõ nguyên nhân có thể sử dụng vị thuốc dong riềng đỏ hầm cùng tim lợn.

- Có thể dùng 30-50g dong riềng đỏ tươi cả lá cây, thân cây hoặc củ dong riềng đỏ cùng với 1 nửa quả tim lợn để nấu. Hầm đến khi nhừ là có thể ăn được. Nên uống nước hoặc ăn cả cái 3 lần/tuần để thấy được hiệu quả.

- Với những bệnh nhân bị gout hoặc mỡ máu cao, gan nhiễm mỡ có thể ăn 1 bữa 1 tuần để tránh tăng nặng tình trạng bệnh lý khác.

Lưu ý, trong dong riềng đỏ có tanin dễ gây táo bón cho một số người nhạy cảm khi ăn khoai riềng. Phụ nữ mang thai, cho con bú, và những người có tình trạng sức khỏe đặc biệt như người mắc bệnh gan hoặc bệnh thận, người bị huyết áp thấp cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.

Nhìn chung, ăn củ dong có thể đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe và hầu hết đều an toàn với mọi người. Củ dong trắng có thể được sử dụng để làm miến, bột củ dong có thể được thêm vào các sản phẩm như dầu gội khô, bột khử mùi, làm bánh,... Nếu có sẵn các bệnh lý mãn tính cần sử dụng thuốc theo đơn của bác sĩ, tốt nhất hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi muốn thêm củ dong vào chế độ ăn uống hàng ngày để tránh các tương tác thuốc không mong muốn, làm chậm khả năng phục hồi bệnh.

Nguồn dịch tham khảo:

1. What Is Arrowroot, and How Is It Used?

2. Health Benefits of Arrowroot

Tác giả: Allen