Công dụng của củ kiệu - món ăn không thể thiếu trong ngày Tết

Công dụng của củ kiệu - món ăn không thể thiếu trong ngày Tết
Củ kiệu là món ăn quen thuộc trong ngày Tết Nguyên Đán. Theo Đông y, củ kiệu có vị cay, tính ấm; vào 3 kinh phế, vị và đại tràng. Loại củ này không chỉ có hương vị đặc trưng mà còn rất tốt cho sức khoẻ.

Củ kiệu có tên thuốc là giới bạch, là loại cây thảo, tên khoa học là Allium chinense. Củ kiệu có họ hàng gần với hành tây, tỏi tây, hẹ và tỏi. Cây kiệu thường bị nhầm lẫn với hành lá. Tuy nhiên, dựa vào các đặc điểm sau mọi người có thể dễ dàng nhận biết cây kiệu:

- Cây kiệu có thân hành màu trắng, hình trái xoan thuôn, lá mọc ở gốc và dài 15 - 60cm, rộng 1,5 - 4mm.

- Cụm hoa hình tán kép trên một cuống hoa dài 15 - 60cm, mang 6 - 30 tán hoa màu hồng hay màu tím).

- Củ kiệu có màu trắng, hình tròn hoặc tròn dài giống củ hành nhưng thường nhỏ hơn, củ có nhiều vảy mỏng bọc bên ngoài.

1. Giá trị dinh dưỡng của củ kiệu

Về giá trị dinh dưỡng của củ kiệu, loại củ này chứa nhiều dưỡng chất, cụ thể:

- Nước

- Carbohydrate

- Protein

- Cellulose

- Khoáng chất như canxi, magie, phốt pho, sắt, đồng, mangan, stronti và kẽm

- Carotene

- Vitamin C và 16 loại axit amin (Lysine, alanine, methionine, arginine, glutamate, axit γ-aminobutyric, axit B serine, axit aspartyl threonine, leucine isoleucine)

Ngoài ra, củ kiệu còn có chứa các hợp chất oregano-lưu huỳnh (sulfua, disulfua, trisulfua và tetrasulfua với các nhóm etyl, butyl và pentyl). Các chất này mang lại hương vị độc đáo của củ kiệu.

Các thành phần khác bao gồm saponin (saponin steroid, saponin furostanol như chinenosides II và III, steroid spirostanol), thành phần chứa nitơ, axit amin, polysacarit, lưu huỳnh, axit hữu cơ, nitơ và hợp chất flavonoid. Flavonol bao gồm quercetin và quercetin glycoside.

Công dụng của củ kiệu - món ăn không thể thiếu trong ngày Tết - Ảnh 2.

Củ kiệu có chứa đến 16 loại axit amin (Ảnh: Internet)

Đọc thêm:

Uống trà vỏ cam có thể phòng ngừa rối loạn tiêu hoá ngày Tết

Ăn măng khô ngày Tết như thế nào để an toàn cho sức khỏe?

2. Công dụng của củ kiệu

Theo Đông y, củ kiệu có vị cay, tính ấm; vào 3 kinh phế, vị và đại tràng, có tác dụng bổ khí, ôn ấm tỳ vị, thông dương tán kết chủ trị đau ngực, bứt rứt khó chịu, ho suyễn nhiều đờm, nôn khan, viêm phế quản mạn tính, viêm dạ dày mạn tính, kiết lỵ mót rặn, mụt nhọt sưng đau. Ăn kiệu chống rét, tốt cho đường tiêu hóa kiện vị, tiêu thực.

Trong y học cổ truyền Trung Quốc, củ kiệu được cho là có tác dụng chữa căng thẳng tinh thần, các vấn đề về tim và khối u, đặc biệt được kết hợp trong một số chế phẩm thuốc.

Theo y học hiện đại, củ kiệu được cho là có những công dụng tiềm năng như:

- Tác dụng chống oxy hóa

Chiết xuất và tinh dầu của củ kiệu có tác dụng chống oxy hóa và giúp loại bỏ các gốc tự do trong cơ thể. Gốc tự do có thể gây tổn thương tế bào và gây ra nhiều bệnh tật, chẳng hạn như ung thư, bệnh tim,...

- Hoạt tính kháng khuẩn

Chiết xuất từ lá và củ của củ kiệu có tác dụng ức chế các vi khuẩn như Staphylococcus vàng gram dương và vi khuẩn gram âm Pseudomonas aeruginosa. Chiết xuất từ lá có nhiều hoạt tính chống lại nấm Aspergillus niger.

- Tác dụng chống ung thư

Chi hành (Allium) có đặc tính chống ung thư nhờ khả năng chống oxy hóa và ngăn ngừa sự tăng sinh, viêm nhiễm, các giai đoạn hình thành, tăng trưởng, biệt hóa và di căn khác nhau của tế bào ung thư.

Hơn nữa, củ kiệu có chứa các hợp chất chống ung thư như laxogenin và spirostanol steroid. Laxogenin có hoạt tính chống ung thư chống lại quá trình gây ung thư phổi giai đoạn hai. Các hợp chất chống ung thư khác bao gồm S-allyl mercaptocysterin, quercetin, flavonoid và ajoene.

Giảm mức cholesterol

Củ kiệu chứa các hợp chất lưu huỳnh và khi được bổ sung vào chế độ ăn uống một cách thường xuyên, chúng sẽ giúp giảm mức cholesterol trong máu, hoạt động như một loại thuốc bổ cho hệ tiêu hóa và cũng giúp tăng cường hệ tuần hoàn.

- Tốt cho tim mạch

Các hợp chất steroid từ củ kiệu có tác dụng bảo vệ chống lại các tổn thương tim do stress oxy hóa - một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim.

- Chống viêm

Saponin steroid trong củ kiệu có khả năng chống viêm và có thể hữu ích trong việc điều trị các bệnh liên quan đến viêm.

Công dụng của củ kiệu - món ăn không thể thiếu trong ngày Tết - Ảnh 3.

Củ kiệu là một vị thuốc trong Đông Y có nhiều công dụng đối với sức khoẻ (Ảnh: Internet)

3. Một số bài thuốc từ củ kiệu

Mặc dù là món ăn truyền thống trong ngày Tết nhưng củ kiệu cũng là một vị thuốc trong Đông Y. Dưới đây là một số bài thuốc từ củ kiệu mà mọi người có thể tham khảo:

- Chữa viêm mũi mạn tính: Sử dụng 9g củ kiệu, 6g tân di hoa và 9g mộc qua. Đem các nguyên liệu sắc uống 7-10 ngày. Nghỉ 1 tuần rồi tiếp tục 1 liệu trình mới.

- Chữa đau thắt ngực, đau sườn: Nguyên liệu cần có: 18g qua lâu cùng với 9g củ kiệu, đan sâm, khương hoàng, ngũ linh chi, đào nhân, hồng hoa, viễn chí; 6g quế chi, 3g trầm hương (hòa vào sau). Đem tất cả các nguyên liệu sắc uống.

- Chữa kiết lỵ, tiêu chảy: Đem các nguyên liệu bao gồm: củ kiệu 9g, sài hồ 9g, bạch thược 12g, chỉ thực 6g, cam thảo 4g sắc lên và uống. Hoặc dùng 20g củ kiệu thái nhỏ, sau đó đem nấu cùng cháo để ăn.

- Chữa lở ngứa: Dùng lá kiệu nấu lấy nước tắm hoặc thoa lên vùng da lở ngứa, hoặc giã nát đắp lên chỗ da bị bệnh.

- Chữa bỏng nhẹ (không trợt da): Đem củ kiệu lột bỏ vỏ ngoài và rửa sạch, giã nát, trộn mật ong đắp vào vết thương. Ngày đắp 3 lần.

- Bổ khí, điều hòa nội tạng tăng cường sức đề kháng: Kiệu muối ăn với cơm hàng ngày. Mỗi ngày ăn khoảng 15 đến 20g kiệu muối.

* Một số lưu ý khi áp dụng các bài thuốc từ củ kiệu:

- Các bài thuốc trên chỉ mang tính hỗ trợ điều trị và không thể thay thế các chỉ định của bác sĩ

- Không tự ý áp dụng các bài thuốc từ củ kiệu để trị bệnh mà không có sự tư vấn/chỉ định từ bác sĩ hoặc thầy thuốc.

4. Một số món ăn từ củ kiệu

Củ kiệu có thể được chế biến thành nhiều món ăn. Dưới đây là một số món ăn từ củ kiệu mà các bạn có thể tham khảo:

Củ kiệu muối

- Nguyên liệu: Củ kiệu, nước, muối, đường, ớt (nếu thích)

- Cách làm:

+ Sơ chế củ kiệu: Rửa sạch củ kiệu dưới vòi nước, ngâm trong nước muối loãng khoảng 2-3 giờ để củ kiệu ra hết đất và sát trùng, sau đó rửa lại với nước sạch.

+ Pha nước muối: Đun sôi nước và để nguội. Pha muối vào nước với tỷ lệ phù hợp (khoảng 5-10% tỉ lệ muối so với nước). Bạn có thể thêm đường vào nước muối nếu thích, điều này sẽ giúp củ kiệu có vị ngọt nhẹ khi ăn.

+ Ngâm củ kiệu: Cho củ kiệu đã sơ chế vào bình hoặc hủ thủy tinh sạch, sau đó đổ nước muối đã pha vào ngập củ kiệu. Bạn có thể thêm ớt vào để tăng thêm hương vị cay nếu muốn.

+ Đậy kín và để muối: Đậy nắp kín và để củ kiệu tại nơi thoáng mát, tránh ánh nắng trực tiếp. Thời gian muối củ kiệu thường kéo dài từ 5-7 ngày.

+ Kiểm tra và thưởng thức: Sau khi củ kiệu đã muối đủ thời gian, bạn có thể mở ra kiểm tra. Nếu củ kiệu đã có độ chua và mặn vừa phải, bạn có thể bắt đầu sử dụng.

Lưu ý: Thời gian muối có thể linh hoạt tùy thuộc vào khẩu vị của bạn và điều kiện thời tiết. Đảm bảo rằng dụng cụ và bình đựng được rửa sạch và sát trùng trước khi sử dụng để tránh vi khuẩn và nấm mốc.

Củ kiệu muối bao nhiêu calo?

Trong 100 gram củ kiệu là 397 kcal. Củ kiệu muối chứa khá nhiều muối và đường. Do vậy, bạn nên ăn vừa phải món ăn này trong ngày Tết.

Công dụng của củ kiệu - món ăn không thể thiếu trong ngày Tết - Ảnh 4.

Củ kiệu muối là món ăn không thể thiếu trong những ngày Tết (Ảnh: Internet)

Củ kiệu xào thịt bò

- Nguyên liệu: 300g thịt bò (nên chọn thịt bò mềm), 200g củ kiệu, 1 củ hành tây nhỏ, 1 ít hành lá, 2 tép tỏi. Gia vị: dầu hào, xì dầu (nước tương), dầu ăn, tiêu, đường, bột ngọt (nếu thích).

- Cách làm:

+ Sơ chế nguyên liệu. Thịt bò: Rửa sạch, thái miếng mỏng. Ướp thịt bò với một ít xì dầu, đường, tiêu và bột ngọt. Để thịt bò ướp khoảng 15-20 phút. Củ kiệu: Rửa sạch, để ráo. Nếu củ kiệu quá to, bạn có thể cắt đôi. Hành tây: Bóc vỏ, thái miếng mỏng. Tỏi: Bóc vỏ, đập dập, băm nhỏ.

+ Làm nóng chảo với một ít dầu ăn, phi tỏi thơm. Cho thịt bò vào xào nhanh tay trên lửa lớn để thịt bò không bị ra nước và giữ được độ mềm.

+ Khi thịt bò gần chín thì thêm hành tây vào xào cùng. Xào đến khi hành tây vừa chín tới. Thêm củ kiệu vào, đảo đều và nhanh tay. Nêm thêm một ít dầu hào cho đậm đà.

+ Xào thêm khoảng 1-2 phút cho tất cả nguyên liệu ngấm đều gia vị. Trước khi tắt bếp, rắc một ít hành lá thái nhỏ lên trên cho món ăn thêm thơm và đẹp mắt.

Nhìn chung củ kiệu có rất nhiều lợi ích đối với sức khoẻ. Tuy nhiên, những người bị bệnh tim mạch, đau hoặc loét dạ dày không nên ăn quá nhiều củ kiệu muối. Bổ sung thêm các thực phẩm như rau củ, trái cây, trứng, cá vào chế độ ăn uống để đảm bảo cơ thể được bổ sung đầy đủ các dưỡng chất.

Nguồn tham khảo:

1. Traditional uses and benefits of Chinese Onion

2. Chinese Onion (Allium chinense): Health Benefits, Nutrition

3. Chinese Onion (Allium Chinense), an evergreen vegetable: A brief review


Tác giả: Vân Anh