Ho là cách cơ thể cố gắng loại bỏ chất nhầy, dị vật và vi khuẩn (mầm bệnh) - các tác nhân gây nhiễm trùng và bệnh tật, ra khỏi phổi. Ho cũng có thể là ho kích ứng do các chất kích thích trong môi trường khiến đường hô hấp bị nhạy cảm.
Một cơn ho dữ dội có thể kích hoạt "phản xạ nôn mửa". Theo Healthline, dưới đây là những lý do có thể gây ra tình trạng này:
Bệnh tật cấp tính, mãn tính hoặc dị ứng ở người trưởng thành có thể gây ho, thậm chí là những cơn ho kéo dài trong nhiều tuần, nhiều tháng hoặc thậm chí là nhiều năm:
- Hút thuốc lá
Người hút thuốc lá, đặc biệt là người hút thuốc thường xuyên có thể bị ho khan hoặc ho có đờm dai dẳng do viêm nhiễm lâu dài và tăng tiết dịch nhầy trong đường hô hấp do tác dụng của các chất hóa học trong thuốc lá. Đồng thời chức năng của lớp lông mao lót đường hô hấp cũng bị khói thuốc gây cản trở, dẫn tới tích tụ chất độc trong phổi và gây ho, khó thở.
Đọc thêm:
- Điều gì xảy ra với cơ thể khi bạn hút một điếu thuốc?
- Ho có đờm trắng là bị bệnh gì?
Ho do hút thuốc lá ban đầu chỉ xảy ra vào buổi sáng, sau đó sẽ chuyển sang ho cả trong ngày, tần suất ho tăng lên, lượng đờm cũng nhiều hơn và có thể kèm theo nhiều tình trạng hô hấp khác chẳng hạn như bệnh khí phế thũng, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, u ở phổi,... dẫn tới tức ngực, thở khò khè.
- Chảy dịch mũi sau
Chảy dịch mũi sau hay còn gọi là chảy nước mũi sau là một hội chứng khá phổ biến khiến dịch chảy ra từ hệ thống xoang qua mũi sau xuống tới thành sau họng. Chảy dịch mũi sau có thể gây ra nhiều triệu chứng như ho, ngứa họng, vướng ở họng và đau họng.
Đôi khi cơn ho có thể dữ dội tới mức gây nôn mửa do chất nhầy bám vào niêm mạc họng và kích thích vùng này. Dịch nhầy do chảy dịch mũi sau tùy từng tình trạng mà có thể đặc hoặc loãng; dịch nhiễm khuẩn sẽ có màu sẫm hơn.
- Ho do hen suyễn
Các triệu chứng của bệnh hen suyễn bao gồm ho, thở khò khè, khó thở và tăng tiết quá mức chất nhầy. Trong trường hợp ho dai dẳng và nghiêm trọng có thể gây nôn do chất nhầy tăng tiết không kiểm soát được.
Ho do hen suyễn thường gia tăng vào ban đêm hoặc khi vừa ngủ dậy.
- Trào ngược axit dạ dày - thực quản
Trào ngược axit dạ dày - thực quản gây kích ứng ở niêm mạc thực quản và cơ thắt thực quản dưới có thể gây ra các cơn ho và đau họng dẫn tới nôn mửa. Triệu chứng khác của trào ngược axit dạ dày - thực quản có thể gặp bao gồm ợ nóng, ợ trớ (đôi khi có lẫn có vụn thức ăn), đau tức vùng thượng vị, đắng miệng, hôi miệng, miệng tiết nhiều nước bọt, khó nuốt, khàn giọng.
- Viêm phế quản cấp tính
Viêm phế quản cấp tính có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân như virus, vi khuẩn, các bệnh lý như trào ngược hay dị ứng đường hô hấp trên, thay đổi thời tiết, khói thuốc lá,... Ho do viêm phế quản cấp thường kéo dài liên tục, ho có thể là kho khan hoặc ho có đờm. Đôi khi cơn ho có thể gây tức ngực, chảy nước mũi, đau họng và tăng tiết đờm dẫn tới buồn nôn và nôn mửa.
Ho khan, ho đờm có thể dữ dội tới mức gây nôn kéo dài trong nhiều tuần ngay cả khi tình trạng nhiễm trùng đã biến mất.
- Viêm phổi
Viêm phổi cũng có thể gây ra những cơn ho và nôn mửa nghiêm trọng do chất nhầy đang được cơ thể cố gắng đưa ra khỏi phổi hoặc do chảy dịch mũi sau nặng. Ho do viêm phổi thường xảy ra kèm theo sốt, chán ăn, tụt cân, tức ngực, thở khò khè nặng và nghiêm trọng hơn là gây khó thở.
Đối với bệnh viêm phổi cấp, người bệnh thường ho nhiều, đờm có màu vàng, cơn đau tức ngực nhiều hơn và có xu hướng tăng lên khi hít thở sâu hoặc ho. Trong trường hợp viêm phổi mạn tính thì diễn biến bệnh từ từ hơn.
- Một số loại thuốc
Thuốc ức chế men chuyển angiotensin (ACE) là một loại thuốc điều trị huyết áp, đôi khi có thể gây ra tình trạng ho mãn tính nghiêm trọng.
Một số tình trạng gây nôn liên quan tới ho ở người lớn có thể xảy ra tương tự ở trẻ em, chẳng hạn như viêm phổi, viêm phế quản, hen suyễn thể ho, chảy dịch mũi sau và trào ngược axit. Ngoài ra, thì một số nguyên nhân có thể gây ho dữ dội tới nôn mửa ở trẻ em có thể gặp khác như:
- Ho gà
Ho gà là một nhiễm trùng đường hô hấp gây ra những cơn ho dữ dội và tiến triển nhanh chóng do vi khuẩn ho gà tên khoa học là Bordetella pertussis gây ra. Bệnh có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biến hơn ở nhóm trẻ dưới 1 tuổi chưa tiêm phòng hoặc tiêm phòng thiếu mũi.
Ho do ho gà được mô tả là những cơn ho rũ từng cơn, mỗi cơn từ 15 - 20 tiếng liên tiếp, càng về sau thì tiếng ho yếu hơn và giảm dần. Cơn ho xuất hiện nhiều làm trẻ yếu dần như ngừng thở do thiếu oxy, mặt tím tái, mặt đỏ, tĩnh mạch cổ nổi, chảy nước mắt nước mũi. Sau mỗi cơn ho, trẻ mệt và có thể bị nôn mửa, có đờm trắng, màu trong và dính. Cuối mỗi cơn ho có thể kèm theo tiếng rít nghe như tiếng gà, phổ biến ở trẻ trên 6 tháng tuổi.
- Virus hợp bào hô hấp (RSV)
RSV là virus có thể gây bệnh đường hô hấp (viêm tiểu phế quản, viêm phổi) ở trẻ em. Với trường hợp nghiêm trọng gây biến chứng viêm tiểu phế quả hoặc viêm phổi có thể khiến trẻ khó thở, thở khò khè, ho nghiêm trọng gây nôn.
Nếu trẻ có biểu hiện bệnh chuyển biến nặng như khó thở, sốt cao hoặc môi và móng chuyển xanh tím, phụ huynh cần đưa trẻ đi cấp cứu ngay lập tức.
Nôn do ho thường không phải là trường hợp cần chăm sóc y tế khẩn cấp nhưng nếu cơn ho ra máu, kèm theo khó thở hoặc thở nhanh hay môi, mặt, lưỡi chuyển sang màu xanh tím hoặc xuất hiện các triệu chứng mất nước nghiêm trọng bao gồm: Khóc không có nước mắt, không đi tiểu suốt 6 giờ, mắt trũng, da nhăn nheo thì cần nhanh chóng di chuyển tới cơ sở y tế gần nhất để được chăm sóc kịp thời.
Tại bệnh viện, bác sĩ sẽ thăm khám tình trạng bệnh, tiền sử dị ứng nếu có để loại trừ và có thể chỉ định các xét nghiệm để hỗ trợ chẩn đoán như chụp X-quang ngực, chụp X-quang xoang, chụp CT, đánh giá kiểm tra chức năng phổi, nội soi phế quản,...
Để điều trị ho nghiêm trọng gây nôn cần dựa trên nguyên nhân gây ra là gì. Một số loại thuốc có thể được sử dụng để điều trị ho bao gồm: Thuốc thông mũi, glucocorticoid, thuốc giãn phế quản hoặc thuốc hít, thuốc kháng histamin, thuốc giảm ho, thuốc kháng sinh, thuốc chặn axit,... Lưu ý không được tự ý dùng thuốc mà không có chỉ dẫn của bác sĩ, tránh cho tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn.
Hầu hết các nguyên nhân khi nghỉ ngơi và uống nước đầy đủ đều có tác dụng tích cực đối với cơn ho. Nếu triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn hoặc không cải thiện trong vài ngày, hãy sớm nói chuyện với bác sĩ. Các biện pháp khắc phục cơn ho tại nhà cũng có thể giúp ích như dùng gừng, bạc hà, trà mật ong, ... nhưng điều quan trọng là thăm khám bác sĩ khi cơn ho nặng lên và không đáp ứng với các biện pháp chữa ho tại nhà.
Nguồn dịch tham khảo:
1. Why might you cough so hard that you vomit?
2. Can You Cough So Hard That You Vomit?