Cốm là món ăn được làm từ lúa nếp non, phải qua nhiều công đoạn chế biến kỳ công, tỉ mỉ mới cho ra được mẻ cốm thơm ngon. Với mùi thơm của lúa non và hương thơm của lá sen (khi được gói trong lá sen), cốm xanh trở thành "đặc sản" không thể thiếu trong mỗi mùa Thu.
Nhiều người lựa chọn thưởng thức cốm xanh thường xuyên nhưng băn khoăn rằng: Cốm xanh bao nhiêu calo? Ăn cốm có béo không?
Cốm có hàm lượng giá trị dinh dưỡng khá cao, trong cốm có chứa nhiều dưỡng chất như protein thực vật, tinh bột, nước, lipid, gluxit, canxi, phốt pho, chất xơ, vitamin.
Thông thường, trong 100gr cốm tươi sẽ dao động từ 350 – 400 calo, tương tự với hàm lượng trong gạo nếp. Lượng calo trong cốm khô hay cốm sấy là 373 calo. 100g cốm dẹp sẽ cung cấp cho cơ thể khoảng 365 calo. 100g cốm rang đường sẽ tương đương khoảng 391 calo.
Đọc thêm:
+ Xôi chè bao nhiêu calo? Ăn xôi chè có béo không?
+ Ngô có bao nhiêu calo? Cách ăn ngô không gây tăng cân
Ngoài ra, cốm còn được chế biến thành nhiều món ăn nổi tiếng như xôi cốm, bánh cốm, chả cốm, chè cốm ... hàm lượng calo trong mỗi món ăn này lại khác nhau:
- Xôi cốm đang thu hút khá nhiều bạn trẻ với hương vị bùi bùi hoà quyện với mùi thơm của cốm và lá sen. Xôi cốm đậu xanh có hàm lượng calo khoảng 355.
- Bánh cốm là loại bánh có vỏ làm từ cốm, có nhân làm từ đậu xanh, dừa nạo và mứt bí hoặc mứt sen trần. Bánh vừa mềm dẻo, có hương thơm từ cốm, đậu xanh, dừa, ... nên được nhiều người ưa chuộng. Nhưng loại bánh này có hàm lượng calo khá cao, 560 calo.
- Chả cốm là món ăn từ cốm không thể bỏ qua, ngoài cốm, chả cốm còn được làm từ thịt heo kết hợp với các gia vị khác. Tuy vậy, trong 100gr chả cốm chỉ có khoảng 130 calo. Tuy nhiên, chả cốm thường được chiên với dầu mỡ nên có thể lượng calo sẽ tăng lên.
- Chè cốm được nấu với nhiều nguyên liệu cốm, đậu xanh, đường, nước cốt dừa, bột năng, ... Hàm lượng calo của chè cốm tương đối cao, khoảng 350 calo.
Theo hướng dẫn của chế độ ăn uống tại Hoa Kỳ, đối với người lớn từ 21 tuổi trở lên nên tiêu thụ từ 1.600 đến 3.000 calo/ngày, tuỳ vào giới tính, độ tuổi và hoạt động thể chất hàng ngày.
Như đã nói ở trên, cốm xanh có hàm lượng tương đối cao, 100g cốm xanh dao động từ 350 – 400 calo, ăn khoảng 200g cốm thì lượng calo có thể bằng gần một nửa lượng calo mà cơ thể cần trong ngày (nếu lượng calo cần thiết là 1.600-1.800/ngày). Đây là chưa tính đến các thực phẩm khác trong ngày mà chúng ta bổ sung.
Tuy nhiên, nếu bạn ăn nhiều cốm xanh nhưng vẫn tiêu hao hết từng đó calo nạp vào cơ thể thì việc bạn ăn cốm xanh sẽ không bị béo hay tăng cân. Ngược lại, nếu bạn nạp nhiều calo nhưng không tiêu hao hết lượng calo đó thì cơ thể sẽ tích trữ năng lượng và gây ra tình trạng thừa cân, béo phì.
Hơn nữa, thời điểm ăn cũng sẽ ảnh hưởng đến việc thực phẩm đó có khiến bạn béo hay không. Nếu ăn nhiều cốm xanh vào buổi chiều tối hoặc tối, khi này cơ thể không vận động nhiều nên lượng calo sẽ khó tiêu hao. Do đó, nếu ăn vào thời điểm này, bạn sẽ dễ tăng cân. Ăn cốm xanh vào buổi sáng hoặc các bữa phụ trước 6 giờ tối là thời điểm thích hợp.
Đặc biệt, mọi người không nên ăn cốm xanh quá thường xuyên, mỗi tuần chỉ nên ăn 1 đến 2 lần. Bổ sung đa dạng các thực phẩm khác để bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cho cơ thể.
Nhờ có giá trị dinh dưỡng đa dạng, cốm đem lại rất nhiều lợi ích đối với sức khoẻ:
- Tốt cho người cao huyết áp và mắc bệnh tim mạch: Trong cốm xanh có nhiều dưỡng chất có lợi cho người bị tăng huyết áp và mắc bệnh tim mạch. Đặc biệt là chất xơ là chất giúp làm giảm cholesterol bằng cách làm giảm chất béo LDL và tăng HDL, từ đó giảm thiểu nguy cơ các bệnh tim mạch như mỡ máu, bệnh mạch vành, xơ vữa động mạch.
- Tốt cho hệ tiêu hoá: Chất xơ không chỉ giúp giảm cholesterol "xấu" mà còn hỗ trợ quá trình tiêu hoá, phòng ngừa táo bón. Chất xơ còn giúp điều hoà hệ vi khuẩn đường ruột, giúp các vi khuẩn có lợi phát triển giúp tăng cường quá trình tiêu hóa hấp thu tại ruột.
- Tốt cho xương: Trong cốm xanh có chứa canxi, đây là dưỡng chất quan trọng giúp xương và răng chắc khỏe, hỗ trợ tăng trưởng chiều cao. Đặc biệt đối với trẻ nhỏ trong giai đoạn phát triển thì ăn cốm có rất nhiều lợi ích.
Cốm xanh vừa tốt cho sức khoẻ lại có hương vị thơm ngon. Tuy nhiên, khi lựa chọn cốm hoặc ăn cốm mọi người nên lưu ý:
- Nên ăn cốm vào buổi sáng vì lúc này cốm sẽ tươi và thơm ngon hơn, không bị cũ hay hư.
- Bảo quản cốm nơi khô ráo, thoáng mát, tránh ẩm để không ảnh hưởng đến mùi vị thơm ngon của cốm.
- Cốm để trong tủ lạnh có thể bị cứng, mất mùi thơm và dễ bị nhiễm khuẩn. Vì vậy, nếu bảo quản cốm trong tủ, mọi người nên cho cốm vào túi zip rồi kéo nắp túi cho khít, sau đó đặt vào ngăn mát của tủ lạnh, không để gần thực phẩm sống. Khi cần sử dụng thì lấy ra, để ngoài 5-10 phút rồi thưởng thức.
- Khi chọn cốm, nên chọn cốm có màu xanh vàng nhẹ hoặc hơi ngà vàng, tránh chọn cốm xanh mướt vì có nguy cơ đã được nhuộm màu. Chọn cốm có những hạt cốm được làm từ lúa nếp chắc, mỏng và dẻo. Khi ăn sẽ thấy cảm giác dai dai, vị bùi bùi và rất thơm.