Cổ trướng là tình trạng thường gặp của căn bệnh xơ gan. Tuy nhiên, xơ gan không phải là nguyên nhân duy nhất gây ra tình trạng cổ trướng. Vậy cổ trướng thường được hình thành từ những nguyên nhân nào? Các dấu hiệu thường gặp của cổ trướng là gì? Tất cả sẽ được giải đáp trong bài viết sau.
Cổ trướng là dịch ổ bụng thường bao gồm huyết thanh, chất lỏng màu vàng và chất lỏng trong suốt. Chúng thường được tích tụ ở khoang bụng - phần nằm phía dưới khoang ngực và được ngăn cách với khoang ngực bằng một màng ngăn.
Tùy nguyên nhân gây tụ dịch mà triệu chứng của cổ trướng có thể xuất hiện chậm hoặc đột ngột. Cổ trướng thường được đặc trưng bởi các triệu chứng sau:
- Trọng lượng tăng nhanh một cách bất thường.
- Bụng có dấu hiệu phình to.
- Thường xuyên có cảm giác khó thở, đặc biệt khi nằm.
- Đau bụng.
- Đầy hơi.
- Buồn nôn hoặc nôn khan.
- Triệu chứng ợ nóng
Cổ trướng có thể xuất phát từ rất nhiều nguyên nhân. Trong đó có các nguyên nhân liên quan đến gan, chẳng hạn như:
- Bệnh xơ gan: Bệnh xơ gan có thể khiến cho các mô gan bình thường bị thay thế bằng các mô sẹo. Khi mô sẹo chiếm số lượng lớn, chức năng gan của bệnh nhân sẽ bị suy giảm nghiêm trọng. Giai đoạn xuất hiện cổ trướng thường được gọi là xơ gan mất bù hoặc xơ gan cổ trướng. Rượu, vi rút viêm gan B, C và gan nhiễm mỡ là những nguyên nhân gây ra căn bệnh này.
- Bệnh suy gan cấp tính: Suy gan cấp tính cũng là một trong những nguyên nhân gây ra cổ trướng. Cổ trướng do suy gan thường xuất hiện khi các tế bào gan bị tổn thương cấp tính. Tác nhân gây suy gan có thể là do bệnh nhân có các phản ứng bất lợi với thuốc hoặc lạm dụng các loại thuốc như acetaminophen.
- Hội chứng Budd - Chiari: Hội chứng thường bắt nguồn từ sự tắc nghẽn của các tĩnh mạch gan. Các triệu chứng thường gặp của hội chứng Budd - Chiari là cổ trướng, đau bụng và gan lách to.
- Các căn bệnh ung thư đã di căn đến gan.
Ngoài các vấn đề về gan, cổ trướng cũng có thể xuất phát từ những nguyên nhân sau:
- Suy tim: Suy tim là hiện tượng bất lực của cơ tim khi bơm chất lỏng vào trong các mạch máu. Suy tim có thể gây ra rất nhiều vấn đề nguy hiểm cho sức khỏe. Trong đó, đáng chú ý nhất là hiện tượng chất lỏng chảy ngược vào phổi và các cơ quan khác. Khi quá tải, lượng chất lỏng này có thể bị rò rỉ vào khoang phúc mạc, gây ra cổ trướng.
- Hội chứng thận hư: Thận hư có thể khiến thận bị tổn thương và làm protein bị rò rỉ vào nước tiểu. Điều này sẽ khiến áp suất thể tích giảm và dẫn đến hiện tượng cổ trướng.
- Rối loạn tuyến tụy: Tuyến tụy rối loạn có thể dẫn đến cổ trướng theo nhiều cách khác nhau. Viêm tụy cấp (viêm tuyến tụy) sẽ gây tích tụ chất lỏng và phản ứng viêm. Viêm tụy mãn tính có thể dẫn đến suy dinh dưỡng, làm giảm tổng lượng protein cơ thể, gây mất áp suất thể tích và cổ trướng. Trong khi đó, ung thư tuyến tụy lại gây ra tình trạng mất chất lỏng trực tiếp.
- Kích thích phúc mạc: Phúc mạc bị kích thích có thể khiến chất lỏng bị rò rỉ và gây ra viêm. Kích ứng này thường bắt nguồn từ ung thư ác tính hoặc tình trạng nhiễm trùng.
- Các căn bệnh liên quan đến buồng trứng: Ung thư buồng trứng thường không có triệu chứng ban đầu rõ rệt. Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân nữ được phát hiện có cổ trướng khi chẩn đoán ung thư buồng trứng. Ngoài ung thư buồng trứng thì hội chứng Meigs cũng là một vấn đề gây ra cổ trướng. Meigs là một khối u lành tính của buồng trứng và được gọi là u xơ. Khối u này thường được tìm thấy cùng cổ trướng và dịch tràn màng phổi. Bên cạnh đó, bề mặt của khối u cũng gây ra sự kích thích đáng kể với phúc mạc. Điều này chính là tác nhân khiên phúc mạc bị rò rỉ chất lỏng.
- Bệnh suy giáp: Dù không phổ biến nhưng cổ trướng cũng được tìm thấy trong bệnh suy giáp. Cổ trướng trong bệnh suy giáp thường xuất hiện khi bệnh không được điều trị trong thời gian kéo dài. Trong trường hợp này, cổ trướng sẽ được xử lý khi mức độ tuyến giáp trở lại bình thường.
Cổ trướng có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng chất lượng cuộc sống của người bệnh. Do đó, bệnh nhân nên kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện và điều trị sớm cổ trướng.