Có thể tự chữa gai cột sống tại nhà hay không?

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Có thể tự chữa gai cột sống tại nhà hay không?
Tự chữa gai cột sống tại nhà chỉ áp dụng được trong trường hợp bệnh chưa đến giai đoạn nghiêm trọng. Việc tự điều trị cũng chỉ giúp kiểm soát tình trạng bệnh chứ không thể chữa khỏi hoàn toàn.

Có thể tự chữa gai cột sống tại nhà hay không là thắc mắc của không ít bệnh nhân. Việc tự chữa gai cột sống phải được cân nhắc kĩ bởi nó có thể gây ảnh hưởng đến sức khoẻ người bệnh. Cùng tìm hiểu về cách tự điều trị gai cột sống tại nhà thông qua bài viết dưới đây nhé!

1. Có thể tự chữa gai cột sống tại nhà hay không?

Gai cột sống là hiện tượng hình thành các phần xương (gai xương) ở phía ngoài và 2 bên của cột sống. Gai xương cũng chính là sự phát triển thêm của xương trên đốt sống, đĩa sụn, dây chằng quanh khớp. Viêm khớp cột sống, chấn thương hoặc sự lắng đọng canxi ở các dây chằng, gân tại đốt sống là nguyên nhân chủ yếu hình thành nên các gai xương này. 

Ở giai đoạn đầu của bệnh, người bệnh hoàn toàn có thể tự chữa gai cột sống tại nhà. Mục tiêu của việc điều trị tại nhà thường là giảm đau và hạn chế các triệu chứng của bệnh.

Tuy nhiên, khi bệnh đã đến giai đoạn nghiêm trọng, người bệnh không nên tiếp tục tự điều trị. Lúc này, việc thăm khám tại các bác sĩ chuyên khoa và điều trị theo phác đồ là điều bắt buộc. Do đó, nếu bệnh không thuyên giảm, người bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế để được điều trị đúng cách.

2. Chữa gai cột sống tại nhà bằng các loại thuốc

Điều trị bảo tồn bằng thuốc là phương pháp phổ biến trong điều trị gai cột sống. Do đó, thuốc giảm đau thường là lựa chọn hàng đầu cho bệnh nhân tự chữa gai cột sống, bởi chúng có tác dụng nhanh chóng trong kiểm soát tình trạng đau và viêm do bệnh mang lại. Các loại thuốc tây y kê đơn và không kê trong điều trị gai cột sống bao gồm:

- Thuốc giảm đau kê đơn: Nhóm thuốc giảm đau không steroid như aspirin, diclofenac, ibuprofen vẫn thường được sử dụng cho bệnh nhân gai cột sống.

Thuốc không chỉ có tác dụng giảm đau mà còn giúp kháng viêm hiệu quả. Do đó, thuốc sẽ được chỉ định khi gai tác động và có nguy cơ gây viêm cho các vùng khác. Thông thường, các bác sĩ sẽ kê đơn cho người bệnh tự sử dụng các loại thuốc này tại nhà.

- Thuốc giảm đau không kê đơn: Là nhóm thuốc mà người bệnh có thể tự mua để điều trị mà không cần đơn của bác sĩ. Paracetamol là loại thuốc giảm đau phổ biến nhất trong nhóm này khi người bệnh tự chữa gai cột sống.

Tuy nhiên, các loại thuốc tây y lại gây ra không ít tác dụng phụ nếu sử dụng kéo dài. Vì vậy, hiện nay người bệnh đang có xu hướng chuyển dần sang chữa gai cột sống bằng các bài thuốc nam.

Ưu điểm của các bài thuốc nam này là sử dụng các dược phẩm an toàn, dễ kiếm. Đồng thời, chúng cũng không gây ảnh hưởng đến sức khoẻ người bệnh như các loại thuốc tây. Một số bài thuốc hữu hiệu trong chữa gai cột sống gồm có:

- Ngải cứu: Có thể dùng giã lấy nước uống hoặc đắp dọc sống lưng.

- Hạt đu đủ:. Hạt đu đủ giã nát và đắp lên vùng bị gai xương giúp giảm đau rất hiệu quả. Ngoài ra nó còn có tác dụng "ăn mòn" gai cột sống nhờ thành phần papain bên trong hạt.

- Lá lốt: Giã nhuyễn lấy nước uống hoặc đắp lên vùng đau đều có công dụng tốt cho người mắc gai cột sống.

3. Chữa gai cột sống tại nhà bằng các bài tập yoga

Tập yoga là phương pháp được khuyến khích trong việc tự chữa gai cột sống tại nhà. Cụ thể, yoga sẽ mang đến những tác dụng tuyệt vời sau cho cột sống của người bệnh:

- Kéo căng và giãn cột sống giúp cơ hoành được mở rộng. Nhờ đó, các dây thần kinh bên trong cột sống sẽ tránh được tổn thương do đè nén gây ra.

- Dịch chuyển các đốt sống bị lệch về đúng vị trí của nó, thắt chặt cơ bắp giúp cột sống cố định.

- Giảm thiểu các cơn đau nhức tại cột sống người bệnh.

- Giảm áp lực cho cột sống.

- Giúp cột sống của người bệnh dẻo dai hơn, điều chỉnh các tư thế cột sống sai của người bệnh.

- Giúp dây chằng và dây gân bao quanh cột sống co giãn một cách tự nhiên.

Thuốc nam, thuốc tây y, tập yoga là những phương pháp chữa gai cột sống tại nhà phổ biến. Tuy nhiên, các phương pháp này chỉ mang tính chất tạm thời và chỉ áp dụng cho bệnh ở giai đoạn nhẹ. Vì vậy, người bệnh nên thăm khám tại các bác sĩ chuyên khoa để việc điều trị hiệu quả hơn.


Tác giả: Thùy Dung