Khi nạp quá nhiều natri, cơ thể sẽ giữ nước trong máu để pha loãng natri. Quá trình này làm cho thể tích máu tăng lên, gây áp lực lên các mạch máu, gây ra hiện tượng tăng huyết áp.
Huyết áp cao thường làm tăng nguy cơ bị đột quỵ, bệnh tim và bệnh thận. Do đó natri được gọi là kẻ giết người thầm lặng vì nhiều người không nhận ra họ bị huyết áp cao, dẫn đến các biến chứng nguy hiểm hơn.
Natri dư thừa làm tăng huyết áp vì nó giữ chất lỏng trong cơ thể và điều đó tạo thêm gánh nặng cho tim. Tình trạng huyết áp cao cũng là nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh tim mạch. Thông thường, huyết áp cao gây đau tim, rối loạn nhịp tim. Nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến suy tim.
Natri ngăn cơ thể hấp thu và sử dụng canxi. Việc thừa natri cũng khiến cho thận phải gia tăng hoạt động để đào thải natri dư thừa, từ đó dẫn đến thất thoát canxi cũng như các khoáng chất khác qua đường nước tiểu. Canxi lại là yếu tố chính giúp cho xương khỏe mạnh.
Do đó, không khó hiểu khi cơ thể thừa natri lâu dài có thể dẫn đến các tình trạng như đau nhức xương, xương yếu và dễ gãy hơn.
Thận là cơ quan lọc và đào thải độc tố. Tình trạng thừa natri sẽ làm thận hoạt động quá tải. Nếu không đào thải kịp các khoáng chất dư thừa khác, rất dễ hình thành sỏi thận.
Ngoài ra, thừa natri còn làm rối loạn chức năng thận. Bởi natri dư thừa khiến cho thận giữ lại nước để pha loãng chất điện phân này. Mặt khác, thận lại muốn bài tiết nhiều hơn để đào thải natri qua đường nước tiểu.
Quỹ Nghiên cứu Ung thư Thế giới và Viện Nghiên cứu Ung thư kết luận rằng, thực phẩm chứa nhiều muối là một trong những nguyên nhân làm tăng nguy cơ bị ung thư dạ dày. Các bác sĩ cũng nhận thấy rằng, chế độ ăn mặn cũng khiến cho việc điều trị ung thư kém hiệu quả hơn.
Natri là chất điện giải giúp điều chỉnh sự cân bằng axit - bazơ của máu và dịch lỏng cơ thể. Khi bị thừa natri, có thể gây ra các bệnh về đường tiêu hóa như trào ngược axit, tổn thương đường tiêu hóa trên. Thường xuyên ăn mặn cũng khiến cho dạ dày và tá tràng dễ bị viêm loét hơn.
Quá nhiều natri khiến cho sự dẫn truyền xung thần kinh bị cản trở, dẫn đến các dấu hiệu như chóng mặt, đau đầu, khó tập trung, trí nhớ kém.
Đối với hệ cơ bắp cũng tương tự. Thừa natri làm hệ cơ bị rối loạn, gây ra các triệu chứng như chuột rút, đau nhức cơ bắp, run rẩy,...
Natri dư thừa trong thời gian dài khiến cho thận "đề phòng", giữ lại nước đề pha loãng natri khi cần thiết, dẫn đến cơ thể bị phù nề. Thừa natri còn gây mất cân bằng điện giải, là nguyên nhân khác gây ra tình trạng phù nề.
Các nhà khoa học tin rằng, người có thói quen ăn mặn sẽ có nguy cơ bị béo phì cao hơn. Dù chưa biết chính xác nguyên nhân, nhưng họ dự đoán, natri dư thừa đã tác động làm thay đổi cách cơ thể hấp thu mỡ.
Thừa natri có thể gây ra các triệu chứng nhẹ như khát nước, tiểu nhiều, phù nề. Nhưng nếu không được khắc phụ kịp thời, việc thừa natri có thể gây suy tim, đột quỵ, rất nguy hiểm cho sức khỏe. Do vậy, mọi người cần kiểm soát chế độ ăn, lượng natri dung nạp vào cơ thể thật tốt. Nếu bạn đang lo lắng về nguy cơ thừa natri, hãy đi tới bệnh viện để được thăm khám và tư vấn chính xác hơn tình trạng của bạn.