Cơ thể thiếu nước là nguyên nhân gây ra các bệnh lý nguy hiểm này

Cơ thể thiếu nước là nguyên nhân gây ra các bệnh lý nguy hiểm này
Khoảng 75% trọng lượng cơ thể là nước, do vậy nước có vai trò rất quan trọng đối với hoạt động sống bình thường của cơ thể. Khi cơ thể thiếu nước không được bù đắp kịp thời có thể gây nên một số bệnh lý nguy hiểm.

Trong cơ thể, hầu hết các hoạt động sống bình thường đến có sự tham gia của nước. Nước đóng vai trò là dung môi hòa tan các chất, là thành phần trực tiếp tham gia vào các chuỗi chuyển hóa, điều tiết nhiệt độ cho cơ thể, là con đường bài tiết các chất độc hại ra khỏi cơ thể.

Do vậy, khi cơ thể thiếu nước sẽ để lại nhiều hệ lụy nghiêm trọng khác nhau, thậm chí là gây nên những căn bệnh nguy hiểm cho sức khỏe.

1. Các bệnh lý về thận

Thận đóng vai trò là cơ quan lọc máu của cơ thể, thận sẽ nhận máu từ các động mạch đi vào thận, lọc máu nhờ các đơn vị chức năng của thận (tạo nước tiểu) và trả lại máu đã lọc vào tuần hoàn.

Khi cơ thể thiếu nước, lưu lượng máu đến thận sẽ giảm, điều này làm giảm hiệu quả lọc của thận khiến các chất độc hại bị ứ đọng tại thận và trong máu, rất dễ gây nên các bệnh lý về thận.

Ngoài ra, khi cơ thể thiếu nước, thận sẽ tăng cường tái hấp thu nước trong nước tiểu, làm nước tiểu bị cô đặc. Đây là điều kiện lý tưởng để các chất có trong nước tiểu lắng đọng và tạo sỏi.

Ngoài ra, người ta cũng thấy rằng khi cơ thể thiếu nước nhiều,các cơ chế điều tiết của cơ thể sẽ tăng phân phối máu cho não và tim, giảm lượng máu đến thận và các cơ quan ngoại vi. Do đó, sẽ càng làm nặng nề hơn các tổn thương, bệnh lý về thận.

2. Bệnh lý tim mạch

Khi cơ thể thiếu nước, thể tích máu sẽ bị suy giảm, khi này máu đến thận sẽ giảm khiến thận bài tiết ra Renin. Chất này được thận bài tiết vào máu sau một chuỗi các phản ứng sẽ khiến cơ thể sinh ra các chất là anginotensin (gây co mạch) và aldosterol (gây tăng giữ nước) để làm tăng huyết áp, điều hòa huyết áp cho cơ thể.

Ngoài ra, cơ thể thiếu nước khiến máu bị cô đặc và tăng huyết áp cũng khiến tim phải hoạt động nhiều hơn để có thể bơm máu đến các cơ quan trong cơ thể. Nếu tình trạng kéo dài và nghiêm trọng khiến tim phải hoạt động quá sức có thể gây nên một số bệnh lý về tim.

3. Cơ thể thiếu nước gây đau khớp

Các mặt sụn tại khớp có thể trượt được lên nhau là nhờ và cấu trúc trơn láng của bề mặt sụn khớp (nước chiếm tỉ lệ lớn) và các dịch trong ổ khớp. Khi cơ thể đủ nước, cả sụn khớp và dịch khớp đều sẽ được đảm bảo ở trạng thái tốt nhất, do vậy có thể cử động khớp mà không hề gặp trở ngại nào.

Tuy nhiên khi cơ thể thiếu nước, cấu trúc của sụn khớp sẽ bị thay đổi khiến bề mặt sụn giảm sự trơn láng và các dịch khớp cũng được bài tiết ít hơn. Vì vậy khi hai bề mặt sụn trượt lên nhau sẽ làm tăng ma sát gây đau tại khớp.

4. Rối loạn điện giải

Nước là dung môi chính hòa tan các chất trong cơ thể, bình thường nồng độ các chất trong cơ thể luôn được giữ ở một mức độ cân bằng giúp cơ thể hoạt động bình thường.

Nhưng khi cơ thể thiếu nước, nồng độ các chất hòa tan trong nước, đặc biệt là các chất điện giải sẽ có những thay đổi (mất nước càng nặng, sự thay đổi càng lớn) gây nên tình trạng rối loạn điện giải cho cơ thể. Những rối loạn điện giải do mất nước cấp tính mức độ nặng có thể gây ảnh nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân nếu không điều trị kịp thời.

Ngoài những nhóm bệnh lý như đã kể trên, mất nước còn có thể gây nên rất nhiều bệnh lý khác chẳng hạn như đau nửa đầu, hay tăng đường huyết,...

Có thể thấy rằng, khi cơ thể thiếu nước mà không có sự bù đắp kịp thời sẽ gây nên rất nhiều hệ quả nguy hiểm, mức độ thiếu nước càng lớn và kéo dài càng lâu thì hậu quả để lại sẽ càng nguy hiểm. Do vậy, cần bổ sung nước thường xuyên và đầy đủ cho cơ thể để có thể phòng tránh mất nước và các hậu quả do mất nước gây nên.


Tác giả: QN