Không phải mọi hơi thở có mùi khó chịu đều đến từ tỏi hay hành tây. Các nhà khoa học cho biết cứ 1.000 người thì có 5-30 người "hôi miệng" nhưng vấn đề không xuất phát từ miệng. Mùi khó chịu của họ có nguồn gốc từ những nơi như xoang, thực quản, phổi, thậm chí là máu.
Từ trước đến nay, hôi miệng do những nguyên nhân này vẫn chưa được hiểu một cách cặn kẽ. Nhưng mới đây, một nhóm các nhà nghiên cứu từ Đại học California Davis đã phát hiện ra tác nhân tiềm ẩn gây ra những hơi thở hôi này.
Hóa ra, di truyền cũng có thể gây hôi miệng. Cụ thể, đột biến trên gen hướng dẫn sản xuất protein "SELENBP1", là tác nhân của những phân tử khiến hơi thở có mùi. Ngoài ra, gen này còn có thể đóng vai trò trong việc ngăn chặn ung thư.
Giả thuyết là liệu hôi miệng có liên quan đến những khối u hay không? Và chúng có liên quan gì đến chuyện những chú chó có thể ngửi thấy người bị ung thư?
Hôi miệng có mối quan hệ chặt chẽ với dấu hiệu ung thư sớm (Ảnh: GenK)
Trong bài báo khoa học đăng trên tạp chí Nature Genetics, các nhà nghiên cứu đã công bố phát hiện của họ trên 5 người có hơi thở hôi dai dẳng. Họ đã loại trừ các nguồn tiềm năng khác như các loại thực phẩm từ chế độ ăn.
Cả 5 người được yêu cầu thở vào một máy sắc ký khí. Cỗ máy đã phân tích hơi thở của họ và phát hiện ra các phân tử có chứa lưu huỳnh như methanethiol và dimethylsulfide.
Ngoài ra, các bệnh nhân này có điểm gì chung? Các nhà khoa học nhận thấy có họ cùng có một đột biến trong gen SELENBP1 và dự đoán đây chính là nguyên nhân gây ra hơi thở có mùi.
Để kiểm tra lại giả thuyết này, các nhà khoa học đã thực hiện thí nghiệm trên chuột. Họ đã loại bỏ gen SELENBP1 khỏi một số con chuột trong phòng thí nghiệm. Kết quả là huyết tương của tất cả những con chuột này đều có nồng độ hợp chất lưu huỳnh cao hơn. Khi đó, máu của chúng có thể giải phóng mùi hôi vào phổi và thoát ra ngoài qua hơi thở.
Điều này bước đầu chứng minh rằng đột biến trong gen SELENBP1 có thể là thủ phạm gây ra hơi thở có mùi. Giả thuyết tiếp theo là SELENBP1 có thể sản sinh ra một enzyme chịu trách nhiệm phân giải các phân tử gây mùi khó chịu
"Chức năng của SELENBP1 là giữ methanethiol trong hơi thở ở nồng độ thấp", các nhà khoa học viết trong bài báo. "Điều này cho phép mũi người phát hiện mùi hôi từ các hợp chất lưu huỳnh dễ bay hơi môi trường".
Nhưng theo các nghiên cứu về SELENBP1, gen này không chỉ liên quan đến chuyện hôi miệng – nó còn đóng vai trò trong việc ức chế khối u.
Trước đây, đã từng có nghiên cứu chỉ ra chó có thể ngửi thấy một số loại ung thư, có lẽ bởi chúng bị kích thích bởi mùi của các hợp chất không bị SELENBP1 phân giải. Tuy nhiên, một lần nữa, đó chỉ mới là giả thuyết nên sẽ cần nhiều thí nghiệm để kiểm tra lại.
Sau cùng thì cơ thể con người cũng phức tạp hơn chuột. Và cũng chưa có bằng chứng nào về mối liên quan giữa chứng hôi miệng và dấu hiệu ung thư sớm. Mặc dù vậy, nếu sắp sửa hôn ai mà hơi thở của họ có mùi, bạn có thể hỏi liệu gen SELENBP1 của họ có ổn không? Chỉ là một chút quan tâm nho nhỏ mà thôi.