Thực tế, tình trạng bệnh bong võng mạc tiểu đường vô cùng nguy hiểm. Căn bệnh này nếu không được điều trị kịp thời sẽ là nguyên nhân phổ biến nhất gây mất thị lực cho những người mắc bệnh tiểu đường.
Người mắc bệnh võng mạc tiểu đường có thể không cảm nhận được bất kỳ triệu chứng sớm nào của bệnh, nhưng việc khám mắt toàn diện ít nhất mỗi năm một lần có thể giúp bác sĩ sớm nắm bắt tình trạng bệnh, từ đó có thể ngăn ngừa biến chứng.
Kiểm soát bệnh tiểu đường và quản lý các triệu chứng sớm là cách hiệu quả nhất để ngăn ngừa bệnh võng mạc tiểu đường. Bài viết này sẽ mang đến một cái nhìn tổng quan về bệnh võng mạc tiểu đường, bao gồm triệu chứng, các biến chứng có thể xảy ra và phương pháp điều trị căn bệnh này.
Bệnh võng mạc tiểu đường là một căn bệnh về mắt xảy ra do bệnh tiểu đường. Căn bệnh này có thể phát sinh do lượng đường trong máu cao do bệnh tiểu đường gây ra. Theo thời gian, tình trạng nhiều đường trong máu có thể làm hỏng các mạch máu khắp cơ thể người bệnh, bao gồm cả võng mạc.
Võng mạc là lớp màng bao phủ mặt sau của mắt, bộ phận này giúp phát hiện ánh sáng và gửi tín hiệu đến não thông qua dây thần kinh thị giác. Nếu đường chặn các mạch máu nhỏ đi vào võng mạc, tình trạng đó có thể khiến các mạch máu bị chảy máu. Sau đó, mắt sẽ phát triển các mạch máu mới yếu hơn và dễ bị xuất huyết hơn.
Nếu mắt bắt đầu hình thành các mạch máu mới, đây được gọi là bệnh võng mạc tiểu đường tăng sinh, một tình trạng mà các chuyên gia coi là giai đoạn nặng hơn. Giai đoạn đầu, giới chuyên môn gọi đó là bệnh võng mạc tiểu đường không tăng sinh.
Mắt người mắc bệnh tiểu đường có thể tích tụ chất lỏng trong thời gian dài khi mà lượng đường trong máu cao. Sự tích tụ chất lỏng này làm thay đổi hình dạng và đường cong của thủy tinh thể, từ đó gây ra những thay đổi về thị lực. Khi người bệnh kiểm soát được lượng đường trong máu, thủy tinh thể cũng sẽ trở lại hình dạng ban đầu và thị lực sẽ được cải thiện đáng kể.
Có 2 trong 5 người mắc bệnh tiểu đường ở Hoa Kỳ có một số dấu hiệu của bệnh võng mạc tiểu đường. Bệnh tiểu đường cũng làm tăng nguy cơ phát triển các vấn đề về mắt khác, chẳng hạn như đục thủy tinh thể và bệnh tăng nhãn áp góc mở.
Đọc thêm:
Điểm danh 5 bệnh về mắt mùa hè thường gặp
Cận thị thoái hóa là gì? Những nguy hiểm khi mắc bệnh về mắt này
Bệnh võng mạc tiểu đường thường không có các triệu chứng rõ ràng trong giai đoạn đầu. Các triệu chứng thường dễ nhận biết hơn khi tình trạng bệnh tiến triển nặng hơn. Căn bệnh này có xu hướng bị ở cả hai bên mắt. Các dấu hiệu và triệu chứng của căn bệnh này có thể bao gồm:
- Mờ mắt
- Suy giảm thị lực, nhất là việc phân biệt màu sắc
- Có các mảng hoặc vệt cản trở tầm nhìn
- Nhìn kém hơn vào ban đêm
- Xuất hiện đốm đen ở trung tâm tầm nhìn
- Mất thị lực đột ngột
Nếu không điều trị, bệnh võng mạc tiểu đường có thể dẫn đến các biến chứng khác nhau, chẳng hạn như xuất huyết thể thủy tinh hoặc mất thị lực.
Trong một số trường hợp, bệnh võng mạc tiểu đường có thể dẫn đến tình trạng bong võng mạc. Người bệnh có thể gặp phải biến chừng này nếu mô sẹo kéo võng mạc ra khỏi mặt sau của mắt. Biến chứng này có thể gây ra hiện tượng xuất hiện đốm đen trong tầm nhìn của người bệnh; gây ra tình trạng ánh sáng nhấp nháy và mất thị lực nghiêm trọng.
Bong võng mạc có nguy cơ gây mất thị lực toàn bộ nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách.
Dòng chảy bình thường của các chất lỏng trong mắt có nguy cỡ bị tắc nghẽn khi các mạch máu mới hình thành, cuối cùng dẫn đến bệnh tăng nhãn áp. Sự tắc nghẽn này gây ra sự tích tụ áp lực trong mắt, làm tăng nguy cơ tổn thương dây thần kinh thị giác và gây giảm thị lực.
Bất kỳ người mắc bệnh tiểu đường nào cũng đều có nguy cơ phát triển bệnh võng mạc tiểu đường. Tuy nhiên, rủi ro sẽ cao hơn nếu người bệnh gặp phải những yếu tố khác như:
- Khó khăn trong việc kiểm soát được lượng đường trong máu
- Bị huyết áp cao
- Chỉ số cholesterol cao
- Phụ nữ mang thai
- Hút thuốc thường xuyên
- Mắc bệnh tiểu đường đã lâu
Bệnh võng mạc tiểu đường thường xuất hiện mà không có bất kỳ thay đổi đáng kể nào về thị lực. Tuy nhiên, một bác sĩ chuyên khoa mắt có thể phát hiện ra các dấu hiệu của căn bệnh này rất sớm. Điều quan trọng là những người mắc bệnh tiểu đường phải khám mắt ít nhất mỗi năm một lần hoặc theo lời hẹn của bác sĩ.
Dưới đây là các phương pháp có thể giúp bác sĩ nhãn khoa chẩn đoán bệnh võng mạc tiểu đường:
Để khám đồng tử, bác sĩ nhãn khoa sẽ nhỏ thuốc vào mắt người đó. Những loại thuốc nhỏ này sẽ làm giãn đồng tử và cho phép bác sĩ quan sát bên trong mắt. Bác sĩ sẽ chụp ảnh bên trong mắt để tìm kiếm sự hiện diện của:
- Sự bất thường trong mạch máu, dây thần kinh thị giác hoặc võng mạc
- Bệnh đục thủy tinh thể
- Sự thay đổi nhãn áp
- Mạch máu mới
- Bong võng mạc
- Mô sẹo
Những loại thuốc nhỏ mắt này và ánh sáng chói của ảnh chụp có thể gây ra cảm giác khó chịu cho người bệnh. Đối với những người có nguy cơ cao, loại thuốc nhỏ mắt này có thể làm tăng nhãn áp.
Đọc thêm:
Làm sao để mắt cận hết lồi? Những cách khiến mắt hết lồi khi bị cận thị
Phân biệt cận thị và loạn thị để chăm sóc và bảo vệ mắt đúng cách
Để thực hiện chụp mạch huỳnh quang, bác sĩ nhãn khoa sử dụng thuốc nhỏ để làm giãn đồng tử, và họ tiêm một loại thuốc nhuộm có tên là fluorescein vào tĩnh mạch tay của người bệnh. Sau đó, bác sĩ hoặc kỹ thuật viên sẽ chụp ảnh khi thuốc nhuộm lưu thông trong mắt. Thuốc nhuộm có thể chảy vào võng mạc hoặc làm ố mạch máu nếu mạch máu có sự bất thường.
Xét nghiệm này có thể giúp bác sĩ xác định được mạch máu nào đang bị rò rỉ chất lỏng, đã bị vỡ hoặc bị tắc nghẽn. Khi thuốc nhuộm đào thải ra khỏi cơ thể, người bệnh có thể nhận thấy da hơi vàng hoặc nước tiểu màu cam sẫm trong vòng một ngày hoặc lâu hơn.
Chụp cắt lớp kết hợp quang học (OCT) là phương pháp quét hình ảnh không xâm lấn; phương pháp này giúp cung cấp hình ảnh mặt cắt ngang có độ phân giải cao của võng mạc, tiết lộ độ dày của võng mạc và cho phép bác sĩ nhãn khoa tìm kiếm u nang hoặc sưng.
Các bác sĩ sẽ thực hiện quét hình ảnh trước và sau khi điều trị để kiểm tra mức độ hiệu quả của việc điều trị. Quá trình chụp cắt lớp kết hợp quang học xảy ra tương tự như kiểm tra siêu âm, nhưng kỹ thuật này sử dụng ánh sáng chứ không dùng âm thanh để tạo ra hình ảnh. Quét hình ảnh cũng có thể hỗ trợ các bác sĩ phát hiện các bệnh của dây thần kinh thị giác.
Điều trị bệnh võng mạc tiểu đường phụ thuộc vào một số yếu tố, bao gồm mức độ nghiêm trọng của bệnh và cách cơ thể người bệnh phản ứng với các phương pháp điều trị đã từng được chỉ định trước đó.
Trong giai đoạn đầu, bác sĩ có thể quyết định theo dõi mắt của người bệnh một cách chặt chẽ mà không cần can thiệp. Trong một số trường hợp, bác sĩ sẽ chỉ định cần khám mắt toàn diện thường xuyên, khoảng 2–4 tháng một lần.
Bệnh nhân sẽ cần trao đổi với bác sĩ để kiểm soát bệnh tiểu đường. Việc kiểm soát chặt chẽ lượng đường trong máu có thể làm chậm sự phát triển của bệnh võng mạc tiểu đường. Đối với hầu hết các trường hợp bệnh võng mạc tiểu đường tiến triển, người bệnh sẽ phải điều trị bằng phẫu thuật.
Dưới đây là các lựa chọn trong điều trị bệnh võng mạc tiểu đường:
Phẫu thuật laser phân tán, hoặc quang đông vùng quanh ống diễn ra tại bệnh viện là một trong những phương án điều trị bệnh võng mạc tiểu đường. Bác sĩ sẽ sử dụng tia laser nhắm mục tiêu để thu nhỏ các mạch máu trong mắt và bịt kín các lỗ rò rỉ từ các mạch máu bất thường.
Phương pháp điều trị bằng laser có thể giúp ngăn chặn hoặc làm chậm hơn quá trình rỉ máu và tích tụ chất lỏng trong mắt người bệnh. Người bệnh có thể phải thực hiện điều trị nhiều hơn 1 lần.
Quy trình này sẽ bắt đầu bằng việc bác sĩ đặt thuốc tê vào mắt, tiếp sau đó hướng một chùm ánh sáng mạnh vào mắt người bệnh bằng một thấu kính đặc biệt. Ánh sáng chói có thể gây nhức hoặc khó chịu cho người bệnh. Các đốm nhỏ có thể xuất hiện trong thị giác người bệnh vài tuần sau khi làm thủ thuật.
Điều trị bằng laser có một số rủi ro nhất định, chẳng hạn như mất thị lực ngoại vi, nhìn màu sắc và nhìn ban đêm. Người bệnh nên trao đổi kĩ càng với bác sĩ để hiểu rõ hơn về những lợi ích và rủi ro tương đối của phương pháp điều trị này.
Một số loại thuốc có thể làm bớt sưng và giảm thiểu sự rò rỉ từ các mạch máu trong mắt. Thuốc tiêm cho bệnh nhân mắc bệnh võng mạc tiểu đường thường bao gồm thuốc chống VEGF và corticosteroid.
Việc tiêm thuốc vào mắt sẽ được bác sĩ thực hiện theo các bước sau:
- Đặt thuốc tê vào mắt
- Làm sạch mắt trước khi tiêm để giúp ngăn ngừa nhiễm trùng
- Tiêm thuốc vào mắt bằng kim rất nhỏ
Một vài trường hợp có thể cần tiêm thường xuyên, nhưng theo thời gian, các mũi tiêm sẽ giảm dần đi.
Bác sĩ phẫu thuật sẽ thực hiện thủ thuật này tại bệnh viện khi bệnh nhân được gây mê toàn thân. Mục đích của việc phẫu thuật là để thay thế dịch kính để cải thiện thị lực; ngoài ra, quá trình phẫu thuật cũng giúp bác sĩ tìm và điều trị bất kỳ điểm nào gây chảy máu võng mạc.
Sau khi loại bỏ dịch kính đục, bác sĩ phẫu thuật sẽ chèn một chất lỏng hoặc khí trong suốt vào vị trí đó. Cơ thể sẽ hấp thụ chất lỏng hoặc khí theo thời gian và tạo ra thủy tinh thể mới ở vị trí của dịch kính đục bị loại bỏ.
Sau khi phẫu thuật, người bệnh thường sẽ phải đeo miếng che mắt trong khoảng một ngày và sử dụng thuốc nhỏ mắt để giúp giảm sưng và ngăn ngừa nhiễm trùng.
Phẫu thuật có thể không giúp chữa khỏi bệnh võng mạc tiểu đường, nhưng nó có thể giúp làm chậm sự tiến triển của các triệu chứng. Bệnh võng mạc tiểu đường là bệnh kéo dài, tổn thương võng mạc và mất thị lực sau đó vẫn có thể xảy ra mặc dù đã được điều trị phẫu thuật.
Đầu tiên, người bệnh cần điều trị bệnh tiểu đường; việc quản lý thành công lượng đường trong máu sẽ giúp ngăn ngừa bệnh võng mạc tiểu đường.
Ngoài ra, việc phát hiện sớm các triệu chứng sẽ làm tăng hiệu quả của quá trình điều trị.
Huyết áp cao một yếu tố góp phần gây ra bệnh võng mạc tiểu đường. Do dó, những người mắc bệnh tiểu đường nên kiểm soát huyết áp bằng cách:
- Thiết lập riêng một chế độ ăn uống lành mạnh
- Tập thể dục thường xuyên
- Đảm bảo cân nặng cơ thể ở mức vừa phải
- Bỏ hút thuốc
- Hạn chế rượu và đồ uống có cồn
- Thực hiện triệt để các phương án giúp kiểm soát huyết áp
Tóm lại, bệnh võng mạc tiểu đường là một tình trạng về mắt thường gặp ở người mắc bệnh tiểu đường. Nếu không điều trị, căn bệnh có thể gây ra các biến chứng bao gồm mất thị lực.
Khám mắt ít nhất mỗi năm một lần có thể giúp người bệnh phát hiện sớm bệnh võng mạc tiểu đường, từ đó giúp ngăn ngừa các biến chứng có thể xảy ra.
Nguồn tham khảo: https://www.medicalnewstoday.com/articles/183417#summary