Có thể chẩn đoán bệnh sởi bằng những phương pháp nào?

Có thể chẩn đoán bệnh sởi bằng những phương pháp nào?
Sởi là một căn bệnh thường gặp ở trẻ em và có thể gây nguy hiểm đến tính mạng nếu không được điều trị đúng cách. Việc thực hiện các biện pháp chẩn đoán bệnh sởi sớm sẽ giúp giảm các nguy cơ biến chứng nghiêm trọng xảy ra.

Trong những năm gần đây, bệnh sởi xuất hiện ngày càng nhiều không chỉ ở trẻ em mà còn cả ở người lớn. Bệnh có thể gây nguy hiểm đến tính mạng nếu không được phát hiện kịp thời.

Vì vậy, việc phát hiện sớm các dấu hiệu và xác định đúng bệnh là vô cùng cần thiết. Tìm hiểu một số các phương pháp chẩn đoán bệnh sởi đang được sử dụng hiện nay.

1. Chẩn đoán lâm sàng

Việc chẩn đoán lâm sàng bệnh sởi có sự khác nhau nhất định với mỗi thể bệnh. Với những thể không điển hình có thể gây khó khăn cho cán bộ y tế do các triệu chứng có thể rất khác và không xuất hiện theo đúng thứ tự.

1.1. Chẩn đoán lâm sàng bệnh sởi ở thể điển hình

Ở thể điển hình, thời gian ủ bệnh của bệnh sởi có thể kéo dài từ 10 đến 14 ngày và sẽ khởi phát bệnh trong vòng từ 2 đến 4 ngày. Những triệu chứng điển hình có thể kể đến như sốt cao, viêm kết mạc, viêm đường hô hấp, thậm chí là viêm thanh quản cấp ở một số trường hợp. Ngoài ra, ở giai đoạn khởi phát, người bệnh có thể xuất hiện những hạt Koplik màu trắng có quầng ban đỏ, kích thước từ 0,5 - 1 mm xuất hiện ở khu vực niêm mạc miệng

Các hạt Koplik có giá trị cao trong việc chẩn đoán bệnh sởi qua dấu hiệu lâm sàng (Ảnh: Internet)

Các hạt Koplik có giá trị cao trong việc chẩn đoán bệnh sởi qua dấu hiệu lâm sàng (Ảnh: Internet)

Giai đoạn tiếp theo là toàn phát với thời gian kéo dai từ 2 đến 5 ngày. Trong giai đoạn này, người bệnh sẽ sốt rất cao và phát ban toàn thân. Các ban có đặc điểm như có màu hồng, dát sẩn và khi căng da thì ban biến mất. Sau khi phát ban toàn thân thì nhiệt độ sẽ giảm dần.

Giai đoạn hồi phục là giai đoạn sau cùng. Ở thời điểm này các nốt ban nhạt màu dần và bong tróc phần vảy. Nếu không có biến chứng gì xảy ra thì bệnh nhân sẽ khỏi hẳn sau vài ngày. Bệnh nhân đôi khi cũng có thể ho từ 1 đến 2 tuần sau khi các nốt ban biến mất.

1.2. Chẩn đoán lâm sàng ở thể không điển hình

Ở thể bệnh này, người mắc bệnh thường không gặp những biểu hiện đặc trưng thông thường. Do đó có thể dẫn đến chủ quan khiến biến chứng nguy hiểm xảy ra.

Do đây là thể bệnh đặc biệt, không tuân theo các giai đoạn như thông thường nên các chẩn đoán lâm sàng có thể dễ bị bỏ qua khiến bệnh trở nên nghiêm trọng hơn. Tiêu biểu là các dấu hiệu như sốt nhẹ, phát ban ít, viêm họng nhẹ... gây nhầm lẫn với viêm đường hô hấp cấp.

Trong một số trường hợp đặc biệt, bệnh nhân mắc bệnh sởi thể không điển hình có thể gặp các triệu chứng như sốt cao liên tục, các vết phát ban không rõ ràng, đau nhức mỏi toàn thân và kèm theo viêm phổi.

2. Chẩn đoán bệnh sởi bằng các xét nghiệm

Bên cạnh các biểu hiện lâm sàng, bác sĩ sẽ yêu cầu thực hiện các xét nghiệm như xét Measles IgM, Measles IgG và Measles PCR. để có thể chẩn đoán xác định bệnh sởi một cách chắc chắn.

2.1. Xét nghiệm Measles IgM

Phương pháp này có độ nhạy 96% và độ đặc hiệu là 99%. Để hực hiện, các cán bộ y tế sẽ lấy mẫu xét nghiệm từ huyết thanh hoặc huyết tương của bệnh nhân. Chúng được đựng trong một ống nghiệm có chứa chất chống đông Heparin.

Có thể chẩn đoán bệnh sởi bằng những phương pháp nào? - Ảnh 3.

Xét nghiệm Measles IgM được thực hiện bằng cách lấy mẫu huyết thanh hoặc huyết tương của bệnh nhân (Ảnh: Internet)

Loại xét nghiệm Sởi Igm này có tác dụng phát hiện kháng thể IgM đáp ứng miễn dịch đặc hiệu với virus gây bệnh sởi. Kháng thể IgM này thông thường sẽ xuất hiện sau khoảng từ 4 đến 5 ngày khi bắt đầu phát ban. Chúng có thể mất dần từ tuần thứ 7 trở đi và biến mất hoàn toàn vào tuần thứ 8. Cấp độ của bệnh dựa trên kết quả xét nghiệm là dương tính hay âm tính.

2.2. Xét nghiệm Measles IgG

- Tương tự như xét nghiệm IgM. xét nghiệm Measles IgC cũng có độ nhạy là 96% và độ đặc hiệu là 99%. Mẫu xét nghiệm cũng là huyết thanh hoặc huyết tương của người bệnh. Kháng thể IgG xuất hiện cao nhất sau 4 tuần phát bệnh và tồn tại một thời gian dài sau nhiễm trùng.

Nếu kết quả xét nghiệm lần đầu tiên chưa rõ ràng thì người bệnh sẽ được tiến hành làm lại sau khoảng thời gian 2 tuần. Lần xét nghiệm thứ 2 sẽ kiểm tra sự tăng trưởng của hiệu giá kháng thể,. Điều này có nghĩa là nếu giá trị lần thứ 2 gấp 4 lần so với xét nghiệm lần đầu thì chúng có giá trị trong chẩn đoán bệnh sởi.

2.3. Xét nghiệm Measles PCR

RT-PCR (Real time PCR) là phương pháp kỹ thuật sinh học dùng để xác định các virus sởi. Bằng phương pháp này, bác sĩ có thể phát hiện các RNA của sởi ngay từ khi còn trong giai đoạn ủ bệnh.

Phương pháp này có giá trị chẩn đoán cao kể cả trong trường hợp các kháng thể IgG và IgM chưa xuất hiện.

Ngay từ khi có các dấu hiệu phát ban, bệnh nhân có thể thực hiện xét nghiệm Measles PCR bằng phương pháp lấy dịch phết hầu họng. Độ đặc hiệu của phương pháp này là 100% và độ nhạy tương ứng với định lượng sử dụng các gen cho xét nghiệm. Cụ thể như sau:

- Gene N (nucleoprotein): 100%

- Gene F (fusion): 93%

- Gene H (hemagglutinin): 82%

3. Các phương pháp xét nghiệm phân biệt chẩn đoán sởi

Bệnh sởi có thể dễ bị nhầm lẫn với các loại bệnh khác như Rubella, nhiễm Enterovirus type 71 (EV71), bệnh do Mycoplasma pneumoniae, nhiễm virus Epstein-Barr (EBV) và bệnh sốt do ấu trùng mò. Trong đó:

Phân biệt với Rubella:

Ở bệnh nhân Rubella, thứ tự phát ban sẽ lộn xộn, không tuần tự như ở bệnh nhân mắc bệnh sởi. Ngoài ra triệu chứng viêm họng cũng ít xảy ra hơn. Để chẩn đoán phân biệt, bác sĩ sẽ chỉ định các xét nghiệm định lượng kháng thể Rubella IgG hoặc IgM bằng 3 phương pháp như Abbott, Cobas, Elisa.

Phân biệt nhiễm Enterovirus type 71 (EV71):

Khi bị nhiễm Enterovirus type 71, người bệnh sẽ có các triệu chứng lâm sàng như rối loạn tiêu hóa kèm phát ban không theo trình tự. Phương pháp xét nghiệm để phân biệt với bệnh sởi sẽ bao gồm xét nghiệm nhanh EV71 và xét nghiệm RT-PCR EV71.

- Xét nghiệm nhanh EV71 là một biện pháp giúp xác định nhanh sự có mặt của kháng thể EV171 trong cơ thể. Tuy nhiên, phương pháp này có tỷ lệ dương tính giả khá cao.

- Xét nghiệm RT-PCR EV71 cho kết quả nhanh và chính xác hơn. Nó cũng được áp dụng rộng rãi ở hầu hết các phòng thí nghiệm chuyên sâu.

Bệnh do Mycoplasma pneumoniae

Người mắc bệnh này sẽ có dấu hiệu lâm sàng bao gồm sốt nhẹ, đau đầu, viêm phổi không điển hình. Các bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm test huyết thanh Mycoplasma pneumoniae IgG, IgM, IgA để chẩn đoán phân biệt với bệnh sởi.

Bệnh sốt do ấu trùng mò

Nếu bệnh nhân bị sốt do ấu trùng mò, trên da sẽ xuất hiện các vết loét do côn trùng cắn gây ra. Phương pháp xét nghiệm được chỉ định lúc này sẽ là test nhanh Riskettsia và xét nghiệm Riskettsia bằng phương pháp sinh học phân tử khuếch đại gen PCR.


Tác giả: Anh Dũng