Có những phương pháp điều trị ung thư tuyến tiền liệt nào?

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Có những phương pháp điều trị ung thư tuyến tiền liệt nào?
Với sự tiến bộ của khoa học y tế thì điều trị ung thư tuyến tiền liệt hiện nay đã có nhiều lựa chọn hơn cho bệnh nhân.

Ung thư tuyến tiền liệt là bệnh lý có khả năng chữa khỏi nếu như được phát hiện ở giai đoạn sớm. Có nhiều phương pháp điều trị ung thư tuyến tiền liệt khác nhau và bệnh nhân được chỉ định điều trị bằng phương pháp nào phụ thuộc vào giai đoạn bệnh cũng như thể trạng của bệnh nhân.

Tuy nhiên thì dù áp dụng phương pháp nào bạn cũng cần ghi nhớ 3 nguyên tắc vàng trong điều trị ung thư như sau:

- Tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ

- Chế độ ăn uống và luyện tập bổ trợ phù hợp

- Giữ tinh thần lạc quan để chiến đấu với bệnh tật.

5 phương pháp điều trị ung thư tuyến tiền liệt:

1. Phương pháp theo dõi kiểm soát

Ung thư tuyến tiền liệt phát triển chậm nên trong quá trình điều trị thì đôi khi việc theo dõi đơn thuần có thể mang lại lợi ích khá tích cực.

Ưu điểm của phương pháp theo dõi kiểm soát:

- Tránh được những tác dụng phụ không mong muốn của các biện pháp điều trị thông thường

- Chi phí điều trị thấp

- Cuộc sống sinh hoạt của bệnh nhân không bị ảnh hưởng nhiều.

Phương pháp điều trị ung thư tuyến tiền liệt này được chỉ định áp dụng cho những bệnh nhân có nguy cơ mắc bệnh trung bình hoặc thấp; hoặc nhóm bệnh nhân có tiên lượng sống dưới 10 năm hay đang ở giai đoạn muộn của bệnh và lúc này cần phải cân nhắc giữa việc chịu đựng tác dụng phụ của thuốc hay chất lượng cuộc sống bình thường.

2. Phương pháp phẫu thuật

Trong điều trị ung thư tuyến tiền liệt thì phẫu thuật có hai dạng sau:

2.1.  Phẫu thuật cắt tuyến tiền liệt triệt căn

Phương pháp này được áp dụng với bệnh nhân ung thư tuyến tiền liệt đáp ứng các yêu cầu sau:

- Khối u ở dạng khu trú và có khả năng thực hiện phẫu thuật để lấy được toàn bộ tuyến tiền liệt

- Ước tính thời gian sống trên 10 năm

- Không có các bệnh nặng khác phối hợp

Ngoài ra thì phẫu thuật cắt tuyến tiền liệt triệt căn còn áp dụng với khối u tái phát sau khi xạ trị ngoài, trị xạ áp sát và không có tế bào ung thư di căn xa nhưng lại có tỷ lệ gặp biến chứng bệnh sau phẫu thuật cao.

Có những phương pháp điều trị ung thư tuyến tiền liệt nào? - Ảnh 2.

Điều trị ung thư tuyến tiền liệt bằng phẫu thuật (Ảnh: Internet)

Nhược điểm của phương pháp này: dây thần kinh hang bị tổn thương nên có thể gây ra tình trạng rối loạn cương dương, hẹp miệng nối niệu đạo và không tự chủ trong việc tiểu tiện.

2.2. Vét hạch chậu

Phẫu thuật vêt hạch chậu bao gồm việc vét các hạch cùng với việc tổ chức có liên quan đến động mạch hạ vị trên, đến dây chằng cooper, đến sàn chậu sau và thành bên chậu, đến thành bàng quang, đến tĩnh mạch chậu ngoài.

Việc lấy hạch trước và bên thuộc tĩnh mạch chậu ngoài là phẫu thuật không được khuyến khích do làm tăng nguy cơ biến chứng phù bạch huyết.

Ưu điểm của phương pháp này:

- Kiểm soát tình trạng ung thư về lâu dài

- Có thể giúp lấy được hạch chậu

- PSA giảm rõ ràng sau khi làm phẫu thuật.

3. Phương pháp xạ trị

Xạ trị trong điều trị ung thư tuyến tiền liệt gồm 2 dạng là điều trị tia xạ ngoài và tia xạ áp sát. Cụ thể như sau:

3.1. Tia xạ ngoài

Điều trị tia xạ với liều cao (3D conformal) khoảng 70 – 80 Gy vào tuyến tiền liệt với nhóm ung thư tuyến tiền liệt có nguy cơ thấp, liều khoảng 75 – 80 Gy đối với ung thư có nguy cơ trung bình. Còn với ung thư nguy cơ cao thì tia thêm hệ hạch chậu và có thể phối hợp cùng phương pháp điều trị nội tiết.

Phương pháp này chống chỉ định với:

- Bệnh nhân có tiền sử tia xạ tiểu khung

- Bệnh nhân bị tiêu chảy mạn tính ở mức độ vừa và mức độ nặng

- Bệnh nhân bị viêm trực tràng

- Người bệnh có dung tích bàng quan nhỏ

Ưu điểm của phương pháp:

- Giảm đi nguy cơ khiến người bệnh bị mất tự chủ tiểu tiện

- Kiểm soát lâu dài sau điều trị

- Khi kết hợp với điều trị nội tiết sẽ cho ra kết quả tốt (nhóm ung thư nguy cơ cao)

- Giúp kiểm soát tốt tế bào ung thư tại vùng.

3.2. Tia xạ áp sát

Tia xạ áp sát là phương pháp thường được chỉ định khi bệnh nhân ung thư thuộc nhóm có nguy cơ thấp. Với nhóm có nguy cơ trung bình thì bác sĩ có thể áp dụng biện pháp này cùng với xạ trị ngoài và điều trị nội tiết để đạt kết quả khả quan hơn.

Phương pháp này chống chỉ định với:

- Bệnh nhân đã thực hiện phẫu thuật bóc u qua niệu đạo

- Bệnh nhân có tiền sử tia xạ tiểu khung

- Bệnh nhân bị tiêu chảy mạn tính ở mức độ vừa và mức độ nặng

- Bệnh nhân bị viêm trực tràng

- Người bệnh có nguy cơ tái phát bệnh cao.

Ưu điểm của tia xạ áp sát: 

- Quá trình điều trị nhanh chóng hơn so với điều trị đơn thuần (tia xạ ngoài)

- Giúp kiểm soát khối u tại chỗ

- Giảm thiểu nguy cơ người bệnh không tự chủ việc tiểu tiện trừ trường hợp bệnh nhân làm phẫu thuật cắt tuyến tiền liệt qua niệu đạo.

4. Phương pháp điều trị nội tiết

Điều trị nội tiết là phương pháp giúp loại bỏ androgen - đây là yếu tố kích thích sự phát triển của tế bào ung thư tuyến tiền liệt.

Các phương thức bao gồm:

- Phẫu thuật

- Dùng thuốc

- Nội tiết bậc hai

- Theo dõi

5. Phương pháp điều trị hóa chất

Đây là phương pháp điều trị ung thư tuyến tiền liệt được chỉ định với những ca không thể điều trị nội tiết được. Theo kết quả nghiên cứu SWOG 9916 khi so sánh điều trị docetaxel cùng với estramustine và phối hợp với mitoxantrone và prednisone cho thấy trung bình thời gian sống được thêm theo thứ tự là 18 tháng và 15 tháng.

Điều trị phác đồ có docetaxel là dạng phác đồ chuẩn còn điều trị biểu hiện bằng mitoxantrone và prednisone có tác dụng làm giảm đau xương do di căn. Nhìn chung thì điều trị hoá chất bước hai ít có hiệu quả.


Tác giả: Phương Thuận