Có những phương pháp chẩn đoán sốt virus nào?

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Có những phương pháp chẩn đoán sốt virus nào?
Sốt virus là căn bệnh rất phổ biến. Cũng có rất nhiều chủng virus gây bệnh. Các phương pháp chẩn đoán sốt virus thường được lựa chọn dựa vào tình hình cụ thể của mỗi bệnh nhân bao gồm chẩn đoán thông qua dấu hiệu lâm sàng hay các xét nghiệm máu.

1. Chẩn đoán dựa trên triệu chứng lâm sàng

Thông thường bác sĩ sẽ chẩn đoán sốt virus dựa trên các triệu chứng lâm sàng. Bởi đây là căn bệnh đơn giản, thường tự khỏi sau 4 - 7 ngày, các xét nghiệm được cho là không cần thiết. Tuy nhiên việc chẩn đoán sốt virus dựa trên các triệu chứng cần được bác sĩ thăm hỏi và theo dõi khá tỉ mỉ, để tránh bỏ sót nguy cơ hoặc nhầm lẫn với bệnh khác. Bởi sốt virus có nhiều triệu chứng giống với các căn bệnh phổ biến khác như sốt xuất huyết, viêm đường hô hấp, thương hàn, viêm phổi,.... 

Đầu tiên, bác sĩ sẽ hỏi triệu chứng, sau đó qua thăm khám (gồm nhìn, sờ, nghe,..) để cố gắng tìm ra một ổ nhiễm trùng nếu có. Thông thường là sẽ kiểm tra viêm da, viêm thần kinh, viêm tai giữa, viêm amidan,... Nếu như không tìm thấy ổ nhiễm trùng, kết quả chẩn đoán sẽ thiên về sốt virus.

Thông thường bác sĩ sẽ dựa theo những triệu chứng đặc trưng sau để chẩn đoán sốt virus:

- Triệu chứng sốt điển hình đi kèm với đau cơ và đau khớp nghiêm trọng.

- Sốt cao và kéo dài, luôn duy trì ở 39 - 41 độ C. Bệnh nhân ít đáp ứng với các thuốc hạ sốt thông thường.

- Đặc biệt tìm kiếm các dấu hiệu phát ban da và sưng hạch bạch huyết.

- Các triệu chứng kèm theo có thể là ho, sổ mũi, đau rát họng, nôn nhiều, rối loạn tiêu hóa, đau đầu, cơ thể kiệt sức,....

Khi nhận thấy các triệu chứng sốt virus điển hình và không có nguy cơ tiềm ẩn, bác sĩ có thể đưa ra kết luận chẩn đoán sốt virus và tư vấn cho bệnh nhân cách theo dõi, kiểm soát và đối phó với bệnh.

2. Các xét nghiệm chẩn đoán sốt virus

Nếu sau khi thăm khám triệu chứng, bác sĩ còn có nhiều nghi ngờ thì bệnh nhân có thể được chỉ định thực hiện thêm một số các xét nghiệm để kết quả chẩn đoán sốt virus chính xác hơn.

Đa số các xét nghiệm được thực hiện là để loại trừ các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn khác, hoặc sốt do các bệnh lý khác. Một số xét nghiệm khác để xác nhận chủng virus mà bệnh nhân mắc phải giúp bác sĩ dễ dàng hơn khi đưa ra phương pháp điều trị.

2.1 Xét nghiệm loại trừ nguyên nhân gây sốt

- Thực hiện xét nghiệm công thức máu để xem sự tăng giảm của 3 dòng tế bào máu. Nếu như công thức máu bình thường, chỉ số bạch cầu không tăng, chứng tỏ cơ thể không bị nhiễm khuẩn. Bác sĩ có thể loại bỏ trường hợp sốt do nhiễm khuẩn.

- Xét nghiệm CRP, nếu CRP không tăng chứng tỏ cơ thể không có viêm do vi khuẩn. Bác sĩ có thể loại bỏ trường hợp sốt do nhiễm khuẩn.

- Thực hiện các phương pháp test nhanh sốt xuất huyết. Bởi sốt xuất huyết là căn bệnh nguy hiểm, nhưng dễ bị nhầm lẫn với sốt virus nhất. Nếu bệnh nhân đang sốt trong 3 ngày đầu thì làm test NS1Ag. Nếu bệnh nhân đã sốt trên 5 ngày thì làm test IgM/IgG. Đôi khi, bệnh nhân có thể phải thực hiện cả 2 phương pháp NS1 và Ig M/ IgG. Test sốt xuất huyết âm tính thì kết quả chẩn đoán sẽ nghiêng về sốt virus.

2.2 Xét nghiệm tìm virus

Sau khi đã xét nghiệm loại trừ các khả năng gây sốt khác, bác sĩ sẽ tiến hành xét nghiệm tìm virus. Xét nghiệm xác nhận chẩn đoán sốt virus thường được thực hiện bằng cách nuôi cấy virus từ các mẫu bệnh phẩm có liên quan, bao gồm: dịch mũi, dịch họng, đốm phát ban da,.... hoặc bằng cách  tăng nồng độ kháng thể trong các mẫu máu tiếp theo.

Trong hầu hết trường hợp, sốt virus có thể tự khỏi mà không cần can thiệp điều trị. Nếu như bạn không chắc chắn với tình trạng bệnh của bản thân, hoặc các triệu chứng quá nặng, sốt kéo dài,... thì bạn nên đến bệnh viện để được bác sĩ thực hiện chẩn đoán sốt virus chính xác hơn. 


Tác giả: Mai Nhung