Cỏ nhọ nồi hay còn được gọi là cỏ mực, hàn liên thảo. Cây có tên khoa học là Eclipta alba (L.) Hassk, thuộc họ Cúc (Asteraceae). Cỏ nhọ nồi được sử dụng trong nhiều bài thuốc dân gian, có thể dùng dưới dạng tươi và dạng khô. Dưới đây là những lợi ích nổi bật của cỏ nhọ nồi đối với sức khoẻ cũng như những lưu ý khi sử dụng loại cây này.
Theo Y học cổ truyền, cỏ nhọ nồi là cây thải dược không độc, có vị chua, ngọt, tính hàn, có tác dụng lương huyết, cầm máu, ích âm, bổ thận thường được dùng trong điều trị can thận âm hư, các chứng huyết nhiệt, sốt cao, mẩn ngứa, chảy máu cam, mề đay, ...
Ngoài ra, trong cỏ nhọ nồi có chứa các chất như: tinh dầu, chất đắng, tanin, carotene và alkaloid, wedelolactone, ... Các chất này đều có những lợi ích nhất định đối với sức khoẻ. Theo Health Benefits Times, một số lợi ích nổi bật của cỏ nhọ nồi có thể kể đến:
Gan là một trong những cơ quan lớn nhất trong cơ thể, thực hiện chức năng loại bỏ chất độc ra khỏi cơ thể. Cỏ nhọ nồi được cho là có thể bảo vệ gan khỏi các hóa chất độc hại có thể làm hỏng gan. Demethyl-wedelolactone và wedelolactone là một số hợp chất nhất định có trong cỏ nhọ nồi thực hiện các hoạt động chống độc góp phần tái tạo tế bào gan.
Đọc thêm:
- Quả bàng chín rộ sân trường hóa ra có muôn vàn công dụng đối với sức khỏe
- Mùa hè uống trà lạc tiên giúp chữa mất ngủ, thanh nhiệt và giải độc gan
Kiết lỵ là tình trạng nhiễm trùng ở ruột già do vi khuẩn shigella, E. coli, salmonella ,… và một số vi khuẩn khác gây ra. Một số triệu chứng của bệnh như tiêu chảy, co thắt dạ dày, nôn mửa và sốt.
Cây nhọ nồi có tác dụng chống lại vi khuẩn gây bệnh kiết lỵ. Để làm giảm các triệu chứng của bệnh kiết lỵ, bạn có thể uống nước sắc của cây nhọ nồi. Hoặc bạn cũng có thể ép lấy nước của lá của cỏ nhọ nồi với một chút mật ong. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là bạn vẫn cần tuân thủ các chỉ định của bác sĩ, nhất là các trường hợp nhiễm bệnh nặng.
Cỏ nhọ nồi có thể giúp đối phó với chứng loét dạ dày do uống aspirin và thuốc chống viêm thường xuyên. Chiết xuất từ cỏ nhọ nồi cũng có thể giúp giảm loét dạ dày do aspirin và rượu.
Ngoài ra, loại cây này đã được chứng minh là có tác dụng làm dịu mọi rối loạn trong dạ dày, cụ thể là chứng khó tiêu hoặc táo bón.
Chiết xuất tươi từ lá nhọ nồi là một phương thuốc phổ biến để giảm đau, sưng và viêm. Cây thuốc cũng được sử dụng như một phần của y học Cổ truyền Ayurveda của Ấn Độ vì đặc tính giảm đau của chúng.
Cỏ nhọ nồi giúp kiểm soát mức huyết áp và điều chỉnh cholesterol trong cơ thể. Huyết áp khỏe mạnh và mức cholesterol cân bằng dẫn đến một trái tim khỏe mạnh.
Hơn nữa, cỏ nhọ nồi cũng giúp giảm mức chất béo trung tính, đây là một yếu tố nguy cơ khác của bệnh tim. Các tình trạng như tim đập nhanh có thể được cải thiện nhờ chiết xuất của lá nhọ nồi và mật ong.
Cỏ nhọ nồi có các đặc tính tăng cường miễn dịch giúp bảo vệ khỏi vi trùng có hại trong môi trường mà chúng ta thường xuyên tiếp xúc.
Cỏ nhọ nồi giúp điều trị các rối loạn đường hô hấp như viêm phế quản và hen suyễn. Những rối loạn này là kết quả của tình trạng viêm ở đường dẫn khí chịu trách nhiệm vận chuyển không khí đến và đi từ phổi. Tình trạng viêm này gây ra các triệu chứng như thở khò khè, ho và khó thở. Các đặc tính chống viêm của cỏ nhọ nồi giúp giảm bớt các vấn đề về hô hấp này.
Cây nhọ nồi có đặc tính có thể kích thích tiết insulin. Lá của cỏ nhọ nồi đã được sử dụng như một phần của y học cổ truyền. Khi kết hợp với các loại thực vật có lợi khác như cỏ cam thảo và cỏ Bermuda, cây nhọ nồi có thể giúp cân bằng lượng đường một cách hiệu quả - rất tốt cho những người mắc bệnh tiểu đường.
Hàm lượng carotene cao được tìm thấy trong lá cỏ nhọ nồi được coi là chất chống oxy hóa quan trọng cho sức khỏe của đôi mắt. Carotene giúp loại bỏ các gốc tự do gây thoái hóa điểm vàng và hình thành đục thủy tinh thể.
Do đó, sử dụng cỏ nhọ nồi đúng cách trong chế độ ăn uống hàng ngày sẽ giúp tăng cường sức khoẻ mắt của bạn.
Ngoài những lợi ích nổi bật trên, cỏ nhọ nồi còn có nhiều công dụng khác như:
- Tốt cho tóc, chẳng hạn như ngừa tóc bạc sớm và giúp đối phó với chứng rụng tóc
- Hỗ trợ điều trị một số bệnh lý về da như chàm và mụn nhọt
- Hỗ trợ điều trị đau răng nhờ chiết xuất Ethanolic và alkaloid có trong cỏ nhọ nồi.
Cây cỏ nhọ nồi được sử dụng nhiều trong các bài thuốc Đông Y. Tuy nhiên, các bạn nên tham khảo ý kiến của thầy thuốc trước khi sử dụng để đúng bệnh, đúng thuốc, tránh gặp các tác dụng phụ không mong muốn.
- Bài thuốc cầm máu: Sử dụng 12g nhọ nồi khô hoặc 30 – 50g tươi, sắc uống. Dùng riêng hoặc phối hợp với ngó sen, lá trắc bá, bách hợp.
- Bài thuốc hỗ trợ điều trị viêm dạ dày: Cỏ nhọ nồi 12g, táo tàu 10 quả. Sắc uống 1 thang/ngày, chia 2 lần sớm tối. Dùng cho người loét dạ dày, tá tràng, xuất huyết, ...
- Bài thuốc hỗ trợ điều trị đái tháo đường: Cỏ nhọ nồi 10g, nữ trinh tử 10g, lư căn tươi 30g, ô mai 5 quả, mạch môn đông 10g, nam sa sâm 10g, ngọc trúc 10g. Sắc uống ngày 1 thang.
- Bài thuốc chữa nhức đầu: Cỏ nhọ nồi 10g, thục địa 12g, đương qui 10g, thanh khao 6g, xuyên khung 10g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần sớm tối. Dùng cho bệnh huyết hư đầu váng.
- Bài thuốc bổ thận, điều kinh: Cỏ nhọ nồi 12g, sinh địa 15g - thanh khao 10g, nguyên sâm 10g, bạch thược 10g, đan sâm 10g. Sắc uống ngày 1 thang, dùng cho người huyết nhiệt vong hành, hành kinh trước kỳ hạn.
- Bài thuốc thanh nhiệt lương huyết: Cỏ nhọ nồi 12g, sinh địa 12g, hoả ma nhân 12g, đan bì 9g, trắc bách diệp 12g, tiên hạc thảo 12g, hoàng cầm 9g, rễ cỏ tranh 15g, tri mẫu 9g. Sắc uống ngày 1 thang. Chữa chảy máu cam, mũi khô, đại tiện táo.
Được biết có nhiều công dụng đối với sức khoẻ và được sử dụng trong nhiều bài thuốc Đông y. Tuy nhiên, khi sử dụng loại cây này, mọi người nên lưu ý:
- Theo Y học cổ truyền, cỏ nhọ nồi có tính hàn. Do đó, những người thường xuyên đi ngoài phân lỏng, hay sống phân; người cơ địa hư nhược; người mắc viêm đại tràng mãn tính; phụ nữ có thai và cho con bú không nên sử dụng loại cây này.
- Không nên sử dụng quá nhiều cây nhọ nồi vì có thể gây ra các triệu chứng kích ứng dạ dày như nôn hoặc buồn nôn.
Nhìn chung, cỏ nhọ nồi có nhiều tác dụng đối với sức khoẻ. Tuy nhiên, đây giống như một vị thuốc hỗ trợ tăng cường và điều trị một số vấn đề sức khoẻ, không thể thay thế được các chỉ định điều trị của bác sĩ. Do đó, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ, thầy thuốc trước khi sử dụng loại cây này.
Nguồn tham khảo:
1. False daisy (bhringraj) Health benefits and facts
2. 11 Amazing Health Benefits Of Bhringaraj You Shouldn't Miss