Có nên truyền dịch khi bị sốt virus không?

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Có nên truyền dịch khi bị sốt virus không?
Một thói quen thường gặp là khi thấy người thân bị sốt cao thường truyền dịch để nhanh dứt cơn sốt. Vậy liệu rằng việc truyền dịch khi bị sốt virus có nên hay không?

Sốt virus hay còn gọi là sốt siêu vi, sốt dịch thường xảy ra rải rác quanh năm, bệnh do nhiều loạI virus đường hô hấp, tiêu hóa gây nên.Những bệnh nhân sốt virus thường tự khỏi sau 1 – 3 ngày, nhưng cũng có trường hợp sốt đến hàng tuần. Người mắc bệnh thường sốt đột ngột, sốt rất cao từ 39 – 40 độ.

Một trong những cách xử lý thường gặp là truyền nước hoặc dịch cho những người đang sốt cao để cơn sốt nhanh dứt hơn. Vậy việc làm này là đúng hay sai và truyền dịch khi bị sốt virus có nên hay không?

1. Dấu hiệu nhận biết sốt virus

Sốt virus hay sốt siêu vi thường sốt theo từng cơn và ở nhiệt độ rất cao, từ 38 – 39 độ C, thậm chí có lúc lên tới 40 - 41 độ C. Khi bị sốt virus, bệnh nhân thường gặp những triệu chứng như:

- Đầu và cơ thể sẽ có cảm giác đau mỏi, nhất là ở các cơ.

- Xuất hiện các triệu chứng như chảy mũi, hắt hơi, viêm đường hô hấp, họng đỏ.

- Các hạch khu vực đầu, mặt, cổ thường sưng to, đau có thể nhìn hoặc sờ thấy.

- Kết mạc mắt đỏ, viêm, chảy nước mắt

- Nếu nguyên nhân gây sốt siêu vi thường là do virus đường tiêu hóa, có thể sớm xuất hiện tình trạng rối loạn tiêu hóa với đặc điểm là phân lỏng, không có máu, chất nhầy.

- Có thể nôn ói mỗi sau khi ăn.

2. Có nên truyền dịch khi bị sốt virus không?

Các chuyên gia đã khuyến cáo rằng, nếu bệnh nhân vẫn ăn uống tốt thì không nên truyền dịch khi bị sốt virus. Thay vào đó, hãy cố gắng hồi phục sức khỏe qua đường ăn uống bằng các thực phẩm giàu chất dinh dưỡng.

Chỉ nên truyền dịch hoặc nước trong trường hợp nghi sốt xuất huyết hoặc bị sốt xuất huyết. Tuy nhiên, cũng vẫn có những trường hợp được chỉ định truyền dịch khi bị sốt virus là đối với bệnh nhân bị nôn nhiều, không ăn uống được, sốt kèm theo đi ngoài, mất nước.

Đối với những người bệnh sốt virus mà vẫn ăn uống được thì nên bổ sung các chất dinh dưỡng theo đường ăn uống. Không nên truyền dịch khi bị sốt virus trong trường hợp này. Người thân nên cho bệnh nhân ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày với những thức ăn dễ tiêu như: sữa, thức ăn dạng lỏng như súp, cháo nghiền và không nên ăn quá no.

Đồng thời, thay vì truyền dịch khi bị sốt virus, bệnh nhân cần được uống nhiều nước, nước cam, nước chanh, sinh tố. và ăn nhiều trái cây và bổ sung vitamin C hoặc nước oresol nếu cần thiết. Nếu thân nhiệt của người bệnh từ 38,5 độ C trở lên cần cho uống thuốc hạ sốt. Có thể dùng paracetamol hạ sốt nhưng không được dùng quá 15mg/1kg/1lần và chỉ dùng tối đa 4 lần/ngày theo đường uống hoặc đặt hậu môn.

Tuy rằng đa phần các trường hợp đều không cần truyền dịch khi bị sốt virus, bệnh nhân vẫn cần được theo dõi chặt chẽ để phát hiện những dấu hiệu lạ xảy ra. Khi cần, phải nhanh chóng đưa bệnh nhân tới bệnh viện để điều trị kịp thời, tránh những biến chứng nguy hiểm.

3. Chăm sóc bệnh nhân sốt virus như thế nào?

Không nhất thiết phải truyền dịch khi bị sốt virus, dưới đây là những cách đúng để chăm sóc bệnh nhân sốt virus tại nhà:

- Chườm trán bằng khăn mát, lau khô mồ hôi và để người bệnh nằm nơi thoáng mát.

-Nếu nhiệt độ lớn hơn 38,5 độ C có thể dùng hạ sốt thông thường như: Paracetamol 500mg 1viên/lần.

- Đặc biệt lưu ý nên chăm sóc bệnh nhân thật tốt bằng cách bổ sung thêm các vitamin và khoáng chất, uống bù nước, ăn thức ăn lỏng có nhiều chất dinh dưỡng để nhanh hồi phục sức khỏe.

- Người bị sốt virus thường khỏi bệnh sau 7 ngày, tuy nhiên nếu không phát hiện và điều trị sớm rất dễ biến chứng trở thành bệnh viêm phế quản phổi.


Tác giả: Anh Dũng