Có nên sử dụng thuốc kháng sinh để điều trị hen phế quản?

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Có nên sử dụng thuốc kháng sinh để điều trị hen phế quản?
Thuốc kháng sinh là loại thuốc có tác dụng diệt khuẩn hoặc kiềm khuẩn, không có tác dụng điều trị hen phế quản. Thuốc kháng sinh chỉ được dùng để điều trị hen phế quản khi có biểu hiện bội nhiễm xảy ra.

Hen phế quản là bệnh lý đường hô hấp, đặc trưng bởi tình trạng viêm mãn tính niêm mạc phế quản nên từ đó làm tăng sự phản của phế quản với các tác nhân kích thích, gây ra sự co thắt lan tỏa phế quản.

Một cơn hen phế quản điển hình có thể khởi phát với các dấu hiệu đặc trưng bao gồm có các triệu chứng tiền triệu (hắt hơi, sổ mũi, ngứa mắt, ho khan,...) và cơn khó thở sau đó (người bệnh khó thở, thở khò khè, tức ngực, vã mồ hôi, khó nói, thậm chí có thể có suy hô hấp).

Chưa có phương pháp điều trị nào được ghi nhận có thể điều trị hen phế quản khỏi hoàn toàn. Việc điều trị hen phế quản vẫn giới hạn ở mức độ điều trị triệu chứng, ngăn ngừa bệnh tiến triển và tái phát. Trong các phương pháp điều trị hen phế quản bao gồm sử dụng thuốc, phẫu thuật,... thì phương pháp sử dụng các loại thuốc điều trị hen được sử dụng phổ biến nhất.

1. Thuốc kháng sinh có chữa được hen không?

Hiện nay, hai nhóm thuốc chính để điều trị hen phế quản được sử dụng trên lâm sàng là các thuốc kháng viêm và các thuốc giãn phế quản. Tuy nhiên bên cạnh đó, vẫn có rất nhiều người bệnh tin rằng thuốc kháng sinh có thể được sử dụng để điều trị hen phế quản. Vậy thực tế như thế nào?

Như chúng ta đã biết, thuốc kháng sinh là các thuốc dùng để điều trị các bệnh lý của cơ thể do tác nhân vi khuẩn gây nên bởi thuốc kháng sinh có tác dụng diệt khuẩn hoặc kiềm khuẩn. Trong khi đó, hen phế quản là bệnh lý xảy ra do sự tăng đáp ứng với tác nhân kích thích dẫn đến sự co thắt lan tỏa của phế quản dẫn đến cản trở hô hấp.

Vì vậy với bệnh hen phế quản, do không phải là một bệnh lý gây ra do nhiễm khuẩn nên việc sử dụng kháng sinh sẽ không có tác dụng điều trị. Sử dụng kháng sinh bừa bãi trong điều trị hen phế quản không chỉ không có tác dụng mà còn gây nên nguy cơ về tác dụng phụ, dị ứng thuốc, và tình trạng kháng kháng sinh.

2. Sử dụng thuốc kháng sinh ở bệnh nhân hen phế quản trong trường hợp nào?

Thuốc kháng sinh chỉ được sử dụng phối hợp trong điều trị hen phế quản cho bệnh nhân khi có tình trạng bội nhiễm sảy ra, thường biểu hiện bằng sự thay đổi màu sắc của đờm, tăng khạc đờm hoặc có sốt.

Đối với bệnh nhân hen phế quản ở mức độ nhẹ hoặc trung bình, nếu có bội nhiễm xảy ra khi điều trị hen phế quản thì có thể dùng các loại kháng sinh như amoxicilin uống 3g/ngày chia làm 3 lần, hoặc hoặc cefuroxim 1,5g/ngày, hoặc amoxicilin/acid clavulanic 3g/ngày.

Đối với các bệnh nhân ở mức độ nặng, khi có bội nhiễm xảy ra có thể sử dụng các loại kháng sinh như cefotaxim với liều lượng 3g/ngày chia làm 3 lần, ceftazidim 3g/ngày chia 3 lần, aminoglicosid 15mg/kg/ngày, fluoroquinolon,... để điều trị.

Tuy nhiên việc sử dụng kháng sinh ở bệnh nhân hen cần được theo dõi chặt chẽ bởi các loại thuốc kháng sinh là những thuốc có khả năng xảy ra dị ứng cao, dễ làm cho bệnh chuyển biến bất ngờ. Để hạn chế nguy cơ kháng thuốc trên bệnh nhân hen phế quản do sử dụng kháng sinh, tốt nhất nên điều trị kháng sinh theo kết quả của kháng sinh đồ.

Có thể thấy rằng, việc sử dụng kháng sinh không có tác dụng điều trị hen phế quản mà chỉ có tác dụng điều trị cho bệnh nhân hen khi có các biểu hiện của sự bội nhiễm xảy ra. Do đó, người bệnh hen phế quản không được tự ý sử dụng thuốc kháng sinh để điều trị hen, tránh gặp phải dị ứng thuốc, tác dụng phụ và ngăn ngừa tình trạng kháng kháng sinh sảy ra.


Tác giả: QN