Có nên nhổ răng khôn hay không?

Có nên nhổ răng khôn hay không?
Mọc răng khôn đối với nhiều người là một quá trình đau đớn và gây ra không ít vấn đề sức khỏe răng miệng. Vậy có nên nhổ răng khôn hay không?

Răng khôn là tên thường gọi của răng số 8 hay răng cối lớn thứ ba. Nó thường xuất hiện trên cung hàm của teen khi các ấy bước sang tuổi 16 và khiến không ít bạn phải dở khóc dở cười khi bé răng có cái tên rất kêu này xuất hiện.

Đối với các răng khôn mọc lệch hoặc ngầm thì chúng mình bắt buộc phải nhổ nó đi rồi. Nhưng còn với các răng khôn mọc thẳng thì hầu hết chúng mình khó có thể biết trước được liệu răng này khi mọc có gây biến chứng hay không? Mặc dù có các quan điểm khác nhau, song các ấy cũng cần hiểu rõ những lợi và hại có thể xảy ra khi giữ lại chiếc răng "khôn lỏi" này nha!

Có nên nhổ răng khôn hay không?

- Có thể không nên nhổ vì:

Trước hết, điều đáng để chúng mình suy nghĩ nhất khi quyết định nhổ răng khôn chính là… đau. Không như lúc nhổ răng ngày nhỏ, chiếc răng khôn thường rất cứng đầu. Để nhổ bỏ nó, chúng mình phải chịu rạch nướu, thậm chí nếu chân răng quá sâu, nhiều bạn còn bị khoan xương nữa cơ. Chỉ nghe thôi đã thấy đau rồi. Chưa hết, giai đoạn hậu phẫu sau khi nhổ răng khôn cũng dễ xảy ra nhiều biến chứng như viêm ổ răng; nhiễm trùng; sưng mặt; tổn thương dây thần kinh gây tê môi, tê lưỡi tạm thời… Vì thế, việc "tránh đau đớn" rất đáng để chúng mình suy nghĩ phải không các ấy?

Ngoài ra, khi chiếc răng lại mọc đúng vị trí chức năng của mình, nó sẽ giúp chúng mình sở hữu một bộ răng khỏe và hoàn thiện hơn. Trong trường hợp bạn nào bị mất răng số 7 và nếu răng khôn mọc thẳng thì chiếc răng này có thể được dùng làm trụ cho một phục hình cầu răng, đảm bảo tính thẩm mĩ cho hàm răng của chúng mình đấy!

Có nên nhổ răng khôn không? Trường hợp nào nên nhổ?

Nếu em răng khôn chịu "yên lành" thì không sao nhưng một khi em ấy đã "trở chứng" thì chúng mình sẽ gặp phải nhiều nguy hiểm lắm luôn.

Đầu tiên là nguy cơ viêm lợi trùm răng khôn rất hay gặp trong quá trình mọc răng. Bệnh biểu hiện bởi hiện tượng viêm tấy nướu quanh bề mặt răng khôn, đôi khi có kèm theo sốt và đau vùng góc hàm. Nó khiến các ấy không há được miệng nữa cơ. Vài trường hợp nặng hơn có thể dẫn đến viêm các tổ chức liên kết gây sưng mặt.

Bệnh viêm nha chu cũng rất thường xảy ra trên các chiếc răng khôn. Lý do vì so với các chiếc răng khác, xương ổ răng và nướu vùng răng khôn rất dễ bị ảnh hưởng. Thế nên, nguy cơ teen bị sâu răng khôn cũng cao hơn rất nhiều nếu chúng mình không biết cách giữ gìn vệ sinh răng miệng cẩn thận đó!

Ảnh 1.

Bên cạnh đó, khi các bé răng khôn mọc, nó sẽ kẹt đẩy các răng nằm phía trước. Chỉ một răng khôn nằm thấp hơn (mọc kẹt) cũng có thể xô đẩy 2 răng cối lớn, 2 răng cối nhỏ và 1 răng nanh gây nên sự chen chúc ở các răng cửa. Còn nếu chẳng may mà răng khôn sinh sau mọc muộn lại bị kẹt thì nó sẽ tạo điều kiện cho sự nhồi nhét thức ăn ở mặt xa răng số 7 và dẫn đến sâu răng vùng này.

Nguy hiểm nhất là bệnh viêm mô tế bào ở răng. Đây là biến chứng khá nặng với các biểu hiện như má bị phồng lên, da căng, màu nướu bình thường hay hơi đỏ, sờ vào bị đau. Teen sẽ đau nhức dữ dội, nhai khó, há miệng khó, có khi cứng hàm hoàn toàn kèm theo đó là các biểu hiện cơ thể nóng sốt, mệt mỏi, không ăn ngủ được.

Kết

Việc quyết định giữ hay nhổ răng khôn của chúng mình phải được thực hiện dưới sự chỉ định và giám sát của bác sĩ nha khoa. Do đó, ngay khi có biểu hiện đau của việc mọc răng, các ấy cần nhanh chóng đến gặp các nha sĩ để được thăm khám trực tiếp. Nếu cần nhổ, việc thực hiện sớm sẽ giảm thiểu tối đa sự đau đớn cho chúng mình hơn đó! Ngay khi có thể giữ lại răng, teen cũng cần ghé thăm phòng khám 6 tháng/lần để kiểm tra tình trạng răng nghen!


Tác giả: Linh Ji - Theo PLXH