Có nên điều trị gout bằng lá tía tô không?

Tham vấn chuyên môn:
Có nên điều trị gout bằng lá tía tô không?
Tía tô từ lâu đã có mặt trong các bài thuốc điều trị cảm mạo, viêm họng, trướng bụng đầy hơi. Bên cạnh đó, tía tô còn là một vị thuốc điều trị gout mang lại hiệu quả bất ngờ.

Điều trị bệnh gout bằng các loại thảo dược tự nhiên, gần gũi với đời sống hàng ngày vẫn được xem là sự lựa chọn hàng đầu của nhiều người mắc bệnh gout bởi sự an toàn, thân thiện, tiết kiệm, đơn giản mà lại hiệu quả. Trong đó, việc điều trị bệnh gout bằng lá tía tô có thể đem lại hiệu quả bất ngờ.

1. Công dụng của lá tía tô trong điều trị gout

Tía tô có tên khoa học là Perilla frutescens L, tên tiếng Hán là tử tô, xích tô. Tía tô có tính ấm, vị cay, vào 3 kinh phế - tâm - tỳ, không độc. Theo Đông y, tía tô là vị thuốc được xếp vào loại giải biểu thuộc nhóm phát tán phong hàn, có công dụng giải cảm, trị cảm mạo, cảm lạnh, thương hàn, viêm họng… hiệu quả.

Lá tía tô chứa 0,3 – 1,3% lượng tinh dầu. Loại tinh dầu này chứa thành phần chủ yếu là  perilla aldehyde, phenylpropanoid và β-caryophyllene có tác dụng ức chế các loại vi khuẩn gây ngộ độc thực phẩm. 

Nhiều nghiên cứu cho thấy, tinh dầu trong lá tía tô mang lại hiệu quả giảm đau, chống viêm, ngăn chặn quá trình nhiễm miễn khuẩn.

Bên cạnh đó, một số nghiên cứu của Nhật Bản đã tìm thấy có 4 chất khác nhau trong lá tía tô có thể ức chế các enzym xanthine oxidase – loại enzyme thúc đẩy sự hình thành acid uric. Bằng cơ chế này, nồng độ acid uric có thể được giữ ở mức thấp.

2. Sử dụng lá tía tô để điều trị gout như thế nào?

Nếu bạn bị bệnh gout, đừng quên sử dụng lá tía tô theo những phương pháp sau để hỗ trợ điều trị gout mang lại hiệu quả cao:

Uống nước lá tía tô: 

- Lấy một nắm lá tía tô rửa sạch, cho vào nồi đun sôi thật kỹ rồi chắt lấy nước uống hàng ngày.

- Khi gout phát tác, rửa thật sạch 6-12g lá tía tô rồi cho vào nồi đun sôi, gạn lấy nước uống. Không sắc nước lá tía tô quá 15 phút sẽ làm mất tinh dầu trong lá. Sau 30 phút là cơn đau đã thuyên giảm.

- Cách sử dụng đơn giản này sẽ giúp giảm sưng, chống viêm và tăng cường khả năng đào thải lượng acid uric ra khỏi cơ thể. Chính vì thế, bệnh gout sẽ dần thuyên giảm và tránh được hiện tượng bệnh chuyển biến sang giai đoạn mạn tính.

Đắp lá tía tô: 

- Dùng lá và cành tía tô rửa sạch, đem giã nát rồi đắp vào chỗ khớp bị sưng viêm, sẽ giảm cơn đau do bệnh gout hiệu quả.

Ăn lá tía tô cũng có công dụng hỗ trợ điều trị gout: 

- Bạn cũng có thể bổ sung lá tía tô vào bữa ăn hàng ngày bằng cách ăn như rau sống hoặc làm gia vị trong các món ăn vừa giúp tăng khẩu vị, tăng khả hấp thụ dưỡng chất cho cơ thể vừa ngăn ngừa bệnh gout hữu hiệu.

- Mỗi khi thấy khớp xương có dấu hiệu sắp sưng tấy lên, hãy lấy ngay tía tô nhai và nuốt để chặn cơn đau lại.

3. Một số bài thuốc khác dùng lá tía tô để điều trị 

- Ngộ độc thức ăn do cua cá: giã lấy nước cốt lá tía tô uống.

- Nổi mẩn ngứa do dị ứng: lấy bã đã sắc hoặc lá tươi xoa xát trực tiếp lên nơi ngứa.

- Chữa đau bụng, đầy chướng: Giã lá tía tô lấy một bát nước, hòa một chút muối để uống.

- Chữa cảm mạo: uống nước tía tô có tác dụng chữa cảm mạo rất hiệu quả , đặc biệt dùng cho trẻ em và người già.

Mặc dù lá tía tô có chứa nhiều vi chất có lợi cho sức khỏe người bị bệnh gout nhưng hàm lượng các chất này trong lá tía tô rất thấp, không đủ tác động đến căn nguyên bệnh nên bài thuốc này chỉ mang tính chất khắc phục tạm thời. 

Điều trị bệnh gout bằng lá tía tô không thể điều trị tận gốc mầm bệnh, chỉ có thể làm giảm triệu chứng khó chịu ngay lúc đó. Bởi vậy, người bệnh cần phải lựa chọn cho mình một phương án điều trị triệt để, tận gốc và ngăn ngừa bệnh tái phát.


Tác giả: LPA