Nằm cho con bú thường được xem là tuyệt vời nhất trong mọi tư thế cho trẻ nhỏ bú, thế nhưng nó cũng không phải là tư thế dễ nhất đối với một số bà mẹ. Tuy nhiên, nhiều người vẫn muốn thử vì nó giúp các bà mẹ thoải mái hơn so với ngồi cho con bú. Điều quan trọng là có nên cho trẻ bú nằm hay không và làm như thế nào mới đúng?
Một số chuyên gia tư vấn về sữa mẹ và cho con bú đã đưa ra nhiều kiến thức hay về việc có nên cho trẻ bú nằm không và chia sẻ nhiều mẹo rất hay về vấn đề này.
Có một lợi ích không thể chối cãi đó là việc cho trẻ bú nằm giúp các bà mẹ mới sinh thiếu ngủ được nghỉ ngơi nhiều hơn bằng cách nằm nghỉ trong khi cho con bú.
Dallas Parsons, một chuyên gia tư vấn về việc cho con bú được hội đồng quản trị quốc tế chứng nhận tại South Surrey, BC cho biết: "Cho trẻ bú nằm thật sự thư giãn đối với bà mẹ mới sinh. Bà mẹ ít bị gián đoạn giấc ngủ hơn, bạn chỉ cần kéo trẻ vào cho bú thay vì phải ngồi dậy bế con và cho bú".
Đọc thêm:
Hướng dẫn mẹ cách cho trẻ sơ sinh bú đúng tư thế
Trẻ sơ sinh không chịu bú mẹ phải làm sao? Bật mí những tuyệt chiêu giúp bé bú mẹ tức thì
Ngoài ra, việc cho trẻ bú nằm còn có ích cho đáy chậu của các bà mẹ sau sinh, nhất là trường hợp đáy chậu bị tổn thương nhiều do quá trình sinh nở.
Taya Griffin, một chuyên gia tư vấn cho con bú có trụ sở tại Toronto chia sẻ rằng, một trong những khách hàng của cô đã không thể ngồi dậy vì bị nôn ói do đau đầu ngoài màng cứng. Những trường hợp như vậy thì cho trẻ bú nằm dược xem là một cứu cánh.
"Nếu em bé đã trải qua nhiều chấn thương khi sinh, bị tật vẹo cổ hoặc các vấn đề khác về cổ hoặc đã trải qua một cuộc sinh nở bằng kẹp, mẹ nên dành thời gian để học cách cho con bú với tư thế nằm vì nó không có bất cứ áp lực nào lên trẻ", chuyên gia Griffin giải thích.
Cơ quan Y tế Công cộng Canada và Hiệp hội Nhi khoa Canada (CPS) đều cho rằng việc em bé ngủ chung giường với cha mẹ không được khuyến khích. CPS liệt kê một số yếu tố nguy cơ đối với trẻ sơ sinh ngủ trên giường của người lớn, chẳng hạn như nguy cơ cao mắc hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS), ngã, ngạt thở và quá nóng.
Vậy có nên cho trẻ bú nằm không? Câu trả lời của chuyên gia Parsons là bạn nên tạo môi trường an toàn nhất cho trẻ nếu chẳng may bạn ngủ quên. Phải đảm bảo rằng bạn kiểm soát được không đè lên trẻ hoặc để em bé bị ngạt trong khi bú. Nếu có thể đảm bảo được những tiêu chí đó, bạn hoàn toàn có thể và nên cho bé bú nằm để phục hồi sức khỏe sau sinh.
Tuy nhiên, chuyên gia cho biết, việc cho con bú được chứng minh là làm giảm nguy cơ SIDS và khi trẻ sơ sinh được bú sữa mẹ hoàn toàn, người mẹ sẽ có xu hướng định vị mình theo cách để bảo vệ em bé khỏi bị ngạt thở một cách ngẫu nhiên. Đồng thời, em bé cũng sẽ có tư thế để gần vú mẹ an toàn và các nguy hiểm có thể xảy ra khác.
Mặc dù chuyên gia cho rằng bạn hoàn toàn có thể cho con bú nằm, tuy nhiên bạn cần hiểu rõ những nguy cơ có thể gặp phải như sau:
- Trẻ dễ bị nôn trớ: Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thường có hệ tiêu hóa non yếu nên rất dễ bị nôn trớ. Bú nằm có thể khiến trẻ gặp khó khăn hơn trong việc thở và nuốt nên dễ gây sặc sữa và trào ngược thực quản. Do đó, bú nằm đúng cách vô cùng quan trọng.
- Bú nằm dễ khiến trẻ đi vào giấc ngủ, khi trẻ ngủ quên sẽ rất dễ gặp phải tình trạng sặc sữa. Do đó, khi nằm cho con bú cần chú ý quan sát ngưng cho bú khi trẻ đã ngủ.
- Trẻ dễ bị méo đầu nếu nằm lâu ở một tư thế nhất định, nhất là đối với trẻ sơ sinh. Do đó, nên đổi bên cho trẻ bú và thay đổi tư thế nằm ngay sau khi trẻ ngừng bú.
Sau khi cân nhắc những nguy cơ và lợi ích trên, bạn chắc hẳn đã có đáp án cho việc có nên cho trẻ bú nằm hay không. Việc cho trẻ bú nằm sẽ có lợi khi bạn tìm hiểu kĩ tư thế đúng.
Đáp án là có, bạn hoàn toàn có thể cho trẻ sơ sinh bú nằm. Tuy nhiên, cả hai chuyên gia Griffin và Parsons cho rằng bạn cần phải luyện tập tư thế cho bú đúng.
Chuyên gia Parsons chia sẻ: "Bạn cần phải đảm bảo rằng em bé được nằm đúng cách và ngậm sâu quầng vú mẹ. Nếu cảm thấy bị đau đầu vú, hãy thử điều chỉnh cho đúng khớp ngậm của bé. Làm sao đảm bảo cả mẹ và bé đều cảm thấy thoải mái".
Dưới đây là cách mà chuyên gia Griffin và Parsons khuyên bạn nên thực hiện theo các bước sau để tìm ra những gì phù hợp nhất cho bạn và con bạn:
Bước 1: Hãy đảm bảo rằng không có vật gì như chăn, gối nằm cạnh em bé trên giường; ga trải giường cũng bám chắc trên nệm.
Bước 2: Đặt em bé nằm ngửa trên giường.
Bước 3: Mẹ nằm nghiêng cạnh bên bé.
Bước 4: Đặt một chiếc gối sau lưng để người mẹ dựa vào. Điều này sẽ giúp núm vú và bầu vú của bạn nâng cao hơn so với mặt giường để trẻ có thể ngậm sâu quầng vú trong miệng.
Bước 5: Hãy duỗi chân thẳng so với hông, không nên cuộn tròn chân quanh người em bé. Có thể đặt một chiếc gối giữa 2 chân ngay vị trí đầu gối của bạn để trung hòa cột sống và khiến bạn thoải mái hơn.
Bước 6: Khi bạn đã ổn định xong, hãy đặt em bé nằm nghiêng sao cho bạn và con bạn cùng nằm nghiêng. Mũi của em bé thẳng hàng với núm vú bên dưới bầu ngực của bạn, sao cho trẻ nhìn lên và há to miệng.
Bước 7: Khi trẻ sẵn sàng, hãy dùng tay của bạn đặt sau bả vai của trẻ và kéo em bé lại ngậm vào vú mẹ. Một số người dùng tay nâng bầu ngực của mình lên để đảm bảo không tác động nhiều tới em bé.
Tùy thuộc vào thói quen của bạn mà bạn có thể nghiêng về bên phải hoặc bên trái khi nằm cho con bú. Các chuyên gia cho rằng, chỉ cần cả mẹ và bé đều cảm thấy thoải mái là được, việc có cần đổi bên cho bú hay không dường như không quá quan trọng.
Nguồn dịch tham khảo: https://www.todaysparent.com/baby/breastfeeding/breastfeeding-lying-down/