Co giật mí mắt liên tục là do đâu? Nên làm gì khi gặp tình trạng này?

Co giật mí mắt liên tục là do đâu? Nên làm gì khi gặp tình trạng này?
Co giật mí mắt liên tục là hiện tượng phổ biến và thường không nguy hiểm. Nhưng nếu tình trạng này kéo dài thì có thể đây là dấu hiệu cảnh báo một số bệnh lý đáng lo ngại.

Co giật mí mắt liên tục là sự co thắt lặp đi lặp lại và không tự chủ của cơ mí mắt. Co giật thường xảy ra ở mí mắt trên nhưng cũng có thể ảnh hưởng đến cả mí mắt trên và dưới. Hầu hết các cơn co giật đều không gây đau đớn, vô hại và sẽ tự khỏi mà không cần điều trị. Tuy nhiên, một số trường hợp bị co giật nghiêm trọng cần đến bệnh viện thăm khám và điều trị.

1. Co giật mí mắt liên tục là do đâu?

Theo Healthline, nguyên nhân phổ biến gây co giật mí mắt liên tục bao gồm:

- Mệt mỏi hoặc thiếu ngủ: hóa chất nội sinh trong não được gọi là chất dẫn truyền thần kinh gửi thông tin từ não đến dây thần kinh điều khiển chuyển động của cơ. Mệt mỏi do thiếu ngủ có thể ảnh hưởng đến hoạt động của các chất dẫn truyền thần kinh. Điều này có thể dẫn đến co giật cơ, đặc biệt là quanh mắt.

- Căng thẳng hoặc lo lắng: tình trạng này có thể dẫn đến căng cơ và co giật cơ, trong đó có cả cơ mí mắt.

- Tiêu thụ caffeine: caffeine là một chất kích thích, khi bạn tiêu thụ quá nhiều sẽ kích thích sự chuyển động cơ bắp không tự chủ hoặc co giật. Co giật có thể xảy ra ở bất cứ đâu, kể cả mí mắt.

Mỏi mắt: tập trung trong thời gian dài có thể làm căng cơ mắt, dẫn đến co thắt mí mắt.

- Sử dụng rượu: uống rượu sẽ cản trở khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng của cơ thể. Sử dụng rượu quá mức có thể dẫn đến thiếu hụt vitamin và từ đó gây co thắt cơ khắp cơ thể, bao gồm cả mắt.

Dị ứng: tình trạng này khiến cơ thể giải phóng một chất hóa học gọi là histamine. Histamine ảnh hưởng đến cơ trơn và mạch máu, có thể khiến cơ co thắt.

Co giật mí mắt liên tục là do đâu? Nên làm gì khi gặp tình trạng này? - Ảnh 1.

Co giật mí mắt xảy ra thường do lối sống hoặc thói quen không lành mạnh (Ảnh: Internet)

Đọc thêm:

10 nguyên nhân gây đỏ mắt và cách điều trị

Trẻ bị chớp mắt liên tục do đâu? Khi nào cần thăm khám bác sĩ?

Ngoài những nguyên nhân trên, co giật mắt nghiêm trọng hơn thường là do vấn đề về thần kinh. Những nguyên nhân này hiếm gặp hơn những nguyên nhân được liệt kê ở trên và có thể cần điều trị y tế. Chúng bao gồm:

- Bệnh đa xơ cứng: đây là một bệnh tự miễn, trong đó hệ thống miễn dịch tấn công các mô khỏe mạnh trong não và tủy sống.

- Bệnh Parkinson: bệnh lý này là một chứng rối loạn não gây ra các cử động không kiểm soát được, bao gồm run và cứng cơ.

- Tổn thương não: có thể do viêm ở một số khu vực nhất định của não, chẳng hạn như đồi thị, hạch nền hoặc thân não. Đột quỵ cũng có thể gây ra tổn thương dẫn đến co giật ở mắt.

- Dystonia: đây là tình trạng các cơn co thắt cơ không tự chủ gây ra các chuyển động lặp đi lặp lại hoặc tư thế không tự nhiên.

- Hội chứng Tourette: hội chứng này là một rối loạn thần kinh gây ra các chuyển động hoặc âm thanh đột ngột, không tự chủ, lặp đi lặp lại.

- Bệnh bại liệt của Bell: đây là một tình trạng đặc trưng bởi sự yếu hoặc tê liệt cơ mặt. Hầu hết các trường hợp đều liên quan đến nhiễm virus.

- Hội chứng Meige: đây là một rối loạn vận động thần kinh đặc trưng bởi sự co cơ mạnh. Các nhóm cơ bị ảnh hưởng là cơ hàm, lưỡi và mắt.

Nhìn chung, có rất nhiều nguyên nhân gây co giật mắt. Nếu tình trạng không thuyên giảm, bạn nên đến bệnh viện để được kiểm tra và tìm chính xác nguyên nhân gây bệnh.

2. Các loại co giật mí mắt

Co giật mí mắt có thể được phân thành ba loại dựa trên tần suất, mức độ nghiêm trọng và nguyên nhân cơ bản.

2.1. Myokymia

Myokymia đề cập đến các cơn co giật mí mắt lẻ tẻ thường ảnh hưởng đến mí mắt dưới. Tình trạng này khá phổ biến và hiếm khi là dấu hiệu của một vấn đề nghiêm trọng.

Khi bị co giật mí mắt Myokymia, mọi người thường có cảm giác như những cú kéo nhẹ nhàng nhưng cũng có thể thỉnh thoảng bị co thắt khiến cả mi trên và mi dưới đều đóng lại.

Kiểu giật mí mắt này xảy ra do một số yếu tố môi trường và thường biến mất khi nghỉ ngơi.

2.2. Co giật mí lành tính

Co giật mí mắt mãn tính và kéo dài có thể là dấu hiệu của chứng co giật mí lành tính, một loại rối loạn vận động (loạn trương lực cơ) có thể ảnh hưởng đến cả hai mắt.

Nữ giới có nguy cơ bị ảnh hưởng cao hơn nam giới gấp 2,3 lần. Tình trạng này thường đạt đỉnh điểm ở độ tuổi 50-70, có thể tiến triển nặng hơn theo thời gian và gây ra một số vấn đề như: mờ mắt, tăng độ nhạy cảm với ánh sáng và co thắt mặt.

Co giật mí mắt liên tục là do đâu? Nên làm gì khi gặp tình trạng này? - Ảnh 2.

Co giật mí lành tính là một loại rối loạn vận động có thể ảnh hưởng đến cả hai mắt (Ảnh: Internet)

2.3. Co giật nửa mặt

Co giật mí mắt chỉ ảnh hưởng đến một mắt có thể là dấu hiệu của co giật nửa mặt. Đây là một chứng rối loạn thần kinh cơ thường do mạch máu gây áp lực quá mức lên một trong các dây thần kinh mặt.

Tình trạng này thường bắt đầu bằng sự co giật từng đợt của một mí mắt. Dần dần, các cơn co thắt có thể dẫn đến nhắm một mắt và miệng bị kéo sang một bên. Đặc biệt, co thắt nửa mặt có thể ảnh hưởng đến tất cả các cơ ở một bên mặt.

Theo Viện Rối loạn Thần kinh và Đột quỵ Quốc gia, chứng co thắt nửa mặt phổ biến ở nữ giới hơn nam giới. Tình trạng này cũng phổ biến hơn ở người châu Á.

3. Khi nào cần gặp bác sĩ?

Co giật mí mắt là tình trạng phổ biến và hiếm khi nguy hiểm. Nhưng co thắt mí mắt mãn tính có thể là triệu chứng của rối loạn não hoặc hệ thần kinh nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như:

- Bệnh bại liệt Bell (liệt mặt)

- Loạn trương lực cơ

- Vẹo cổ co thắt

- Bệnh đa xơ cứng

- Bệnh Parkinson

- Hội chứng Tourette

Nếu gặp các triệu chứng bất thường nào dưới đây, bạn nên đến bệnh viện để được điều trị kịp thời:

- Mắt đỏ, sưng hoặc có dịch tiết bất thường

- Mí mắt trên có dấu hiệu sụp xuống

- Co giật mí kéo dài trong vài tuần liền

- Sự co giật ảnh hưởng đến các bộ phận khác trên khuôn mặt

Co giật mí mắt liên tục là do đâu? Nên làm gì khi gặp tình trạng này? - Ảnh 3.

Mắt đỏ, mí sụp, co giật mí mắt kéo dài là những dấu hiệu chứng tỏ bạn cần đến bệnh viện thăm khám (Ảnh: Internet)

4. Bị co giật mí mắt liên tục nên làm gì?

Hầu hết các cơn co giật mí mắt sẽ biến mất mà không cần điều trị trong vòng vài ngày. Nếu triệu chứng này không biến mất, trước tiên bạn hãy thử thay đổi một số lối sống và sinh hoạt như:

- Cắt giảm caffeine

- Ngủ đủ giấc, giữ tinh thần thoải mái

- Giữ ẩm cho mắt bằng cách nhỏ một số loại thuốc nhỏ mắt không kê đơn

- Chườm ấm lên mặt khi bị co giật

- Hạn chế sử dụng máy tính, điện thoại hoặc tivi

- Tránh dụi mắt vì không có tác dụng gì mà lại có thể gây tổn thương cho mắt

Khi áp dụng các biện pháp trên mà không cải thiện, bạn cần đến bệnh viện để điều trị, tuỳ vào nguyên nhân gây bệnh.

Co giật mí mắt liên tục là do đâu? Nên làm gì khi gặp tình trạng này? - Ảnh 4.

Co giật mí mắt thường tự hết mà không cần điều trị (Ảnh: Internet)

5. Cách chăm sóc giúp tăng cường sức khoẻ của mắt

Để bảo vệ mắt cũng như phòng ngừa các bệnh về mắt, các bạn nên thực hiện 12 điều dưới đây hàng ngày:

- Tránh dụi mắt vì bàn tay chứa rất nhiều vi khuẩn, virus hoặc bụi bẩn, khi tiếp xúc với mắt có thể gây bệnh.

- Rửa tay thường xuyên để ngăn ngừa vi khuẩn hoặc virus gây bệnh khi bạn đeo kính áp tròng hoặc khi tiếp xúc với mắt.

- Bảo vệ mắt trước tia UV bằng cách đeo kính râm khi ra ngoài

- Uống đủ nước để ngăn ngừa tình trạng khô hoặc cộm mắt

- Không hút thuốc vì hút thuốc có thể làm tổn thương các dây thần kinh thị giác, có thể gây ảnh hưởng xấu đến thị lực theo thời gian.

- Ăn uống cân bằng với nguồn thực phẩm giàu beta-carotene, Lutein, Omega-3, Lycopene và Vitamin C, A và E.

- Giữ khoảng cách giữa mắt với các thiết bị điện tử phù hợp, đặc biệt nên hạn chế tiếp xúc quá lâu.

- Tuân thủ quy tắc 20-20-20. Tức là cứ sau 20 phút, hãy rời mắt khỏi màn hình máy tính và tập trung nhìn vào một vật cách bạn khoảng 6m. Sau đó, hãy chớp mắt liên tục 20 lần để tránh bị khô mắt. Cứ sau 20 phút, hãy rời khỏi chỗ ngồi và bước 20 bước.

- Ngủ đủ giấc để đôi mắt được nghỉ ngơi và tăng cường sức khoẻ tổng thể.

- Giữ môi trường sống và làm việc sạch sẽ, ngăn ngừa bụi bẩn, vi khuẩn gây bệnh cho mắt

- Vệ sinh mắt thường xuyên với nước muối sinh lý

Đeo thiết bị bảo vệ mắt thích hợp cho các hoạt động khác nhau, chẳng hạn như đeo kính bảo hộ để tránh để mắt tiếp xúc với clo khi đi bơi, đeo kính khi làm vườn hoặc phát cỏ,...

Tóm lại, co giật mí mắt không quá nghiêm trọng nhưng mọi người cũng không nên chủ quan khi tình trạng này kéo dài, đặc biệt khi xuất hiện thêm các triệu chứng như đau mắt, đỏ mắt, có dịch mắt,...

Nguồn tham khảo:

1. Why Is My Eye Twitching? Here's How to Stop It

2. Eye twitch: Causes, types and treatments

3. 12 Ways to Take Care of Your Eyes Everyday


Tác giả: Vân Anh