Trong hầu hết các trường hợp, bệnh nhân bị đau mắt đỏ tương đối lành tính và thường đáp ứng tốt với điều trị. Phương pháp điều trị được sử dụng chủ yếu nhất hiện nay cho bệnh nhân là điều trị nội khoa bằng các loại thuốc điều trị đau mắt đỏ khác nhau.
Trong các loại thuốc điều trị đau mắt đỏ, dung dịch nước muối sinh lý rất thường xuyên được sử dụng cho người bệnh mặc dù nó không có tác dụng điều trị trực tiếp bệnh đau mắt đỏ. Các tác dụng chủ yếu của nó bao gồm rửa trôi bớt tác nhân gây đau mắt đỏ, làm sạch mắt, giữ ẩm cho mắt, làm dịu mắt,... từ đó làm giảm đi các triệu chứng cho bệnh nhân, giúp quá trình điều trị diễn ra thuận lợi hơn.
Kỹ thuật rửa mắt bằng nước muối sinh lý đúng cách cho bệnh nhân đau mắt đỏ:
- Người bệnh giữ đầu ở tư thế hơi ngửa mặt, đầu nghiêng sang một bên và mở mắt.
- Cầm lọ dung dịch nước muối sinh lý nhỏ liên tục khoảng 9-10 giọt vào mắt đồng thời chớp chớp mắt cho dung dịch tràn đều ra khắp mắt.
- Sử dụng gạc y tế hoặc khăn sạch thấm phần dung dịch chảy ra khỏi mắt và lau sạch gèn mắt còn bám lại.
- Mỗi ngày nên rửa mắt bằng nước muối sinh lý từ 5-6 lần để đảm bảo giữ cho mắt luôn luôn sạch sẽ.
Cũng giống như nước muối sinh lý, các loại dung dịch nước mắt nhân tạo cũng được sử dụng rất thường xuyên cho bệnh nhân đau mắt đỏ với mục đích làm ẩm, chống khô mắt và giảm bớt khó chịu cho bệnh nhân.
Tuy nhiên, nếu người bệnh lạm dụng nước mắt nhân tạo trong điều trị đau mắt đỏ thì nó có thể lại chính là nguyên nhân khiến người bệnh bị khô mắt. Điều này là do các hoạt chất có trong dung dịch nước mắt nhân tạo có thể phá vỡ các cấu trúc lipid, từ đó làm màng phim nước mắt trở nên dễ bị phá hủy hơn và gây khô mắt cho người bệnh.
Do đó, việc sử dụng nước mắt nhân tạo để làm thuốc điều trị đau mắt đỏ cần phải được diễn ra dưới sự hướng dẫn của bác sĩ, tuyệt đối không lạm dụng thuốc hoặc sử dụng thuốc trong thời gian kéo dài.
Nhờ vào đặc tính kháng viêm mạnh, các thuốc điều trị đau mắt đỏ chứa corticoid giúp người bệnh giảm nhanh các triệu chứng của đau mắt đỏ,... nên thuốc chứa corticoid được sử dụng rất phổ biến trong điều trị đau mắt đỏ hiện nay.
Để giảm bớt các tác dụng phụ do thuốc gây nên, thuốc corticoid được sử dụng để làm thuốc điều trị đau mắt đỏ đều được sử dụng dưới dạng tác dụng tại chỗ, thường là các dung dịch tra mắt.
Những tác dụng phụ nguy hiểm có thể gặp khi sử dụng thuốc điều trị đau mắt đỏ chứa corticoid liên tục và kéo dài kể đến như đục thủy tinh thể, loét giác mạc, glocom hoặc khiến cho tình trạng viêm kết mạc diễn tiến nặng nề hơn do nó ức chế phản ứng miễn dịch của cơ thể.
Mặc dù các thuốc kháng sinh là những thuốc chỉ có tác dụng tiêu diệt tác nhân gây bệnh là vi khuẩn. Nhưng trên thực tế thì ngoài được chỉ định sử dụng bắt buộc đối với viêm kết mạc do vi khuẩn thì nó cũng có thể được chỉ định cho các trường hợp bị viêm kết mạc do virus để dự phòng các bội nhiễm thứ phát.
Giống như các thuốc điều trị viêm kết mạc chứa corticoid, trong điều trị viêm kết mạc thì các thuốc kháng sinh cũng chủ yếu được sử dụng bằng các con đường tác dụng tại chỗ như thuốc tra mắt, thuốc mỡ bôi mắt,... để giảm nhẹ các tác dụng không mong muốn. Tuy nhiên, trong một số các trường hợp đau mắt đỏ do các nguyên nhân đặc biệt như do lậu cầu hay bạch hầu thì bác sĩ có thể chỉ định bệnh nhân sử dụng thuốc kháng sinh đường toàn thân để điều trị.
Do mỗi chủng vi khuẩn có rất nhiều các đặc điểm khác nhau, do đó việc sử dụng kháng sinh cần tuân thủ các chỉ định của bác sĩ về loại thuốc, số lần sử dụng, liều lượng sử dụng,...
Điều này sẽ khiến thuốc có thể phát huy tối đa tác dụng cũng như giảm nguy cơ kháng thuốc gây khó khăn cho điều trị. Ngày nay, để giảm số lần sử dụng thuốc cho bệnh nhân người ta thường hay sử dụng các chế phẩm phối hợp nhiều loại hoạt chất khác nhau.
Trong đó có chế phẩm phối hợp vừa chứa chất kháng sinh và vừa chứa corticoid, hay được sử dụng hàng đầu trên thực tế là thuốc Tobradex,...
Thuốc kháng histamin cũng là một trong các nhóm thuốc điều trị đau mắt đỏ, nhưng nó có tác dụng đối với các trường hợp đau mắt đỏ do nguyên nhân dị ứng. Các thuốc kháng histamin được sử dụng làm thuốc điều trị đau mắt đỏ do dị ứng là các thuốc kháng thụ thể histamin H1
Nhờ vào khả năng đối kháng với histamin tại thụ thể H1 mà thuốc có khả năng làm ức chế các tác dụng của histamin như giãn mạch, tăng tính thấm thành mạch, gây ngứa,... do đó làm giảm nhẹ các triệu chứng ở bệnh nhân đau mắt đỏ do dị ứng.
Tuy nhiên, trong các trường hợp đau mắt đỏ do dị ứng thì việc sử dụng thuốc kháng histamin chỉ có thể giải quyết được phần ngọn của vấn đề chứ không thể điều trị triệt để bệnh. Để có thể khỏi hẳn bệnh thì người bệnh cần phải tiếp xúc với các tác nhân dị nguyên là nguyên nhân của tình trạng đau mắt đỏ.
Có thể thấy rằng, có rất nhiều nhóm thuốc khác nhau có thể được sử dụng để làm thuốc điều trị đau mắt đỏ. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc như thế nào để phát huy hết hiệu quả của thuốc và làm giảm tối đa các tác dụng phụ thì lại là điều không hề dễ dàng.
Do đó, người bệnh không nên tự ý sử dụng thuốc mà nên tham khảo kỹ ý kiến của bác sĩ để được hướng dẫn cụ thể và chính xác nhất.