Liên quan tới vấn đề này, trả lời PV báo Sức Khỏe Đời Sống, PGS.TS Nguyễn Văn Tuấn - Phó Viện trưởng Viện sức khỏe Tâm thần Quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai; Trưởng Bộ môn Tâm thần - Trường Đại học Y Hà Nội nhận định, dịch bệnh Covid-19 đã gây nhiều khó chịu, lo lắng cho con người – đó chính là stress.
Stress cũng có mức độ khác nhau, khi nhẹ con người có thể đối phó được nhưng trường hợp nặng là stress mạnh, sốc có thể gây hậu quả lớn.
Trong đợt dịch này rất nhiều người đang stress, thậm chí trầm cảm vì những kế hoạch, dự định trong công việc phút chốc dang dở vì dịch Covid-19. Việc giảm bớt căng thẳng không chỉ giúp xoa dịu tình hình hiện tại, mà còn giúp chúng ta khỏe mạnh và duy trì hệ miễn dịch tốt. Dưới đây là một số bí quyết của các chuyên gia tâm lý giúp giảm căng thẳng và stress trong mùa dịch Covid-19 này.
Tốc độ lây lan nhanh chóng của dịch Covid-19 cũng khiến tình trạng thông tin thất thiệt xoay quanh dịch bệnh này lan truyền một cách rộng rãi trên mạng xã hội. Việc tiếp nhận quá nhiều thông tin tiêu cực cũng khiến cho chúng ta trở nên lo âu và sợ hãi.
Vì vậy, hãy cố gắng cân bằng giữa lượng thông tin cần thiết để hiểu về dịch bệnh và loại bỏ những thông tin không cần thiết.
Thay vì, đọc tin giả (fake news) và những những tin đồn thất thiệt trên mạng xã hội, hãy chọn đọc những nguồn thông tin uy tín, ví dụ như thông tin từ Bộ Y Tế, Trung tâm Kiểm soát và phòng chống dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), Tổ chức y tế thế giới (WHO),… Đừng để những thông tin giả hay những thông tin thiếu tính khách quan khiến bạn hoang mang và căng thẳng hơn trong mùa dịch bệnh.
Mùa dịch là khoảng thời gian vô cùng giá trị để bạn có thể “sống chậm” và soi chiếu lại bản thân, điều chỉnh những thói quen sinh hoạt hằng ngày để có một cuộc sống khoa học hơn, khỏe mạnh hơn. Đây là cách hữu hiệu để hạn chế tình trạng stress trong mùa dịch Covid-19.
Mọi người sống ở khu vực đang thực hiện giãn cách xã hội, có thể bắt đầu với các công việc dang dở mà khi đi làm chúng ta không có thời gian để làm như: nấu ăn, làm bánh, sửa sang nhà cửa, tập thể thao với các bài tập trên Youtube, viết lách hay chuẩn bị một điều gì mới cho tương lai.
Thạc sĩ tâm lý học lâm sàng ĐH de Bretagne Occidentale (Pháp) Trần Thị Hồng Nhi - giám đốc ứng dụng hướng nghiệp Future Catch cũng gợi ý giải pháp giảm stress bằng cách: “Các bạn có thể học sống chậm vì giờ sẽ có nhiều thời gian hơn để ngẫm về những cái đẹp đời thường”, trích dẫn từ báo Tuổi Trẻ.
Hãy tự thưởng cho bản thân những bộ phim ưa thích, những bản nhạc hay, tập thêm yoga, hạn chế tin tức và thiền định. Cũng đừng quên dành thời gian cho gia đình, bạn có thể cùng chơi điện tử với anh chị em, ngồi trò chuyện với ông bà, nấu ăn cùng mẹ… Ngoài ra, trò chuyện với bạn bè cũng là cách tốt để giảm stress trong mùa dịch Covid-19 này.
Để cảm thấy thư thái, tránh gặp phải stress trong mùa dịch, bạn hãy nghĩ đến tương xa hơn. Nhà tâm lý học Ethan Kross cho biết, biện pháp hữu ích bạn có thể áp dụng là tuân theo một chiến lược tạm gọi là “nhìn về tương lai xa” - tập trung sự quan tâm của bạn tới những vấn đề dài hạn hơn. Ví dụ, thử tưởng tượng một năm sau, hoặc nhiều năm sau nhìn lại, bạn sẽ thấy những biến cố ngày hôm nay ra sao?
Ngoài việc nghĩ về tương lai xa để cảm thấy thư thái hơn, thời điểm này mỗi người ở mỗi vị trí khác nhau cũng cần có những hành động thiết thực để tạo bước đà cho tương lai.
Nghiên cứu sinh Quang Thục Hảo (khoa tâm lý học ĐH New South Wales, Úc) gợi ý người lao động có thể tận dụng thời gian rảnh trong giai đoạn này để hun đúc tinh thần và tạo đà phát triển trong tương lai bằng cách học các kỹ năng mới mà khi công việc bận rộn, chúng ta không có thời gian để cập nhật.
Chia sẻ với nỗi lòng của các nhà quản lý, doanh nghiệp trẻ, TS tâm lý Bùi Hồng Quân nhận định trên báo Tuổi Trẻ: "Trước tiên cần nhận thức được rằng đây là một giai đoạn vô cùng khó khăn của cả nhân loại. Trong đại dịch này ai cũng có thể trở thành nạn nhân. Nhưng hãy nhìn thoáng hơn, nếu mất đi tiền bạc bạn vẫn còn gia đình và sức khỏe, còn những cơ hội phục hồi khi dịch đi qua.
Sự thất bại này không phải là lỗi của bạn mà đó là một rủi ro không lường trước được. Hãy dành thời gian cho các mối quan hệ thân thiết, lên kế hoạch kinh doanh lại sau mùa dịch với những cải tiến về sản phẩm và nhân sự sẽ có thể giúp bạn tái xuất thương trường một cách mạnh mẽ".
Bên cạnh đó, hãy điều chỉnh các chiến lược kinh doanh phù hợp với thời cuộc như (chuyển sang giao hàng tận nơi, dịch vụ online...). Trong rủi ro luôn có thời cơ, quan trọng là bản lĩnh và tinh thần của người trong cuộc.