Chuyên gia tư vấn cách điều trị viêm da cơ địa

Chuyên gia tư vấn cách điều trị viêm da cơ địa
Điều trị viêm da cơ địa thế nào cho hiệu quả trong khi có 60% trẻ bị viêm da cơ địa bị phát bệnh trong năm đầu, có 30% trong 5 năm đầu và chỉ có 10% phát bệnh từ lúc 6-20 tuổi. Có thể nói đây là căn bệnh mang nhiều phiền toái cho trẻ nhỏ.

1. Cảnh báo không được bỏ qua của bệnh viêm da cơ địa

Theo Tiến sĩ Nguyễn Duy Hưng - Bệnh viện Da liễu Trung ương cho hay rằng, bệnh viêm da cơ địa (hay còn được gọi là eczema, bệnh chàm thể tạng, sẩn ngứa Besnier, hay Liken đơn dạng mãn tính) - đây là bệnh lý có biểu hiện cấp tính, bán cấp hoặc mãn tính. Bệnh có đặc điểm là hay bị tái phát.

Với đa số trường hợp thì bệnh bắt đầu ở thời kỳ sơ sinh, thường rơi vào hai tháng đầu. Theo như thống kê cho thấy rằng, có 60% trẻ viêm da cơ địa phát bệnh trong năm đầu, có 30% trong 5 năm đầu và chỉ có 10% phát bệnh từ khi 6-20 tuổi. Rất hiếm gặp bệnh viêm da cơ địa bị phát khi người bệnh đến tuổi trưởng thành.

TS. Duy Hưng cho biết, bệnh này có yếu tố di truyền, tức là 60% người bị viêm da cơ địa thì cũng sẽ có con cũng bị bệnh này. Nếu cả bố mẹ đều mắc viêm da cơ địa, tới 80% con sẽ bị bệnh. Ngoài ra, bệnh này còn hay xuất hiện ở những người có bệnh dị ứng khác như: Hen và viêm mũi dị ứng, 35% trẻ bị mắc bệnh viêm da cơ địa thường có biểu hiện của hen trong cuộc đời.  

Triệu chứng điển hình của bệnh viêm da cơ địa thường là các thương tổn da khô kèm theo là ngứa ngáy một cách khó chịu. Do bị ngứa nên gãi nhiều khiến cho da bị dày, bệnh nhân càng ngứa sẽ càng gãi, càng làm cho bệnh nặng hơn và có nguy cơ, khả năng bị bội nhiễm vi trùng.

Bệnh viêm da cơ địa thường phát triển vào mùa thu đông. Các yếu tố làm cho bệnh khởi phát và nặng lên bao gồm: Các dị nguyên có trong không khí như các chất thải của rệp nhà hay len dạ; Ngoại độc tố của tụ cầu trùng vàng; Bị dị ứng nguyên nội sinh hoặc một số thức ăn cũng có thể làm bệnh phát triển, như: Trứng, sữa và lạc, đậu tương, cá hay bột mỳ…

Chuyên gia tư vấn cách điều trị viêm da cơ địa - Ảnh 2.

Triệu chứng điển hình của bệnh viêm da cơ địa thường là các thương tổn da khô kèm theo là ngứa ngáy một cách khó chịu. (Ảnh: Internet)

2. Tiến triển của bệnh viêm da cơ địa

Vẫn theo Tiến sỹ Hưng, bệnh eczema có triệu chứng chung là: Khô da, ban đỏ, hay ngứa sẽ tạo thành vòng xoắn bệnh lý là: Ngứa - gãi - ban đỏ - ngứa... Vị trí hay bắt gặp của bệnh là ở trên mặt, trán, mặt gấp các chi, gáy, hay là ở mi mắt, cổ tay, mu tay, mu chân và trường hợp nặng có thể lan toàn thân. Thêm vào đó, người bệnh còn có các triệu chứng khác như: Viêm mũi dị ứng, hay viêm kết mạc mắt và viêm ngứa họng, hen.

Ở vào giai đoạn cấp tính, bệnh còn có biểu hiện là xuất hiện các đám da đỏ có ranh giới không rõ, các sẩn - đám sẩn, mụn nước tiết dịch và không có vẩy da. Da bị phù nề, chảy dịch với đóng vảy tiết. Các vết xước do gãi tạo ra vết chợt, bội nhiễm tụ cầu tạo các mụn mủ và vảy tiết vàng. Bệnh thường khư trú ở khu trán, má, cằm, nặng hơn có thể lan ra tay và thân mình.

Còn ở trường hợp mãn tính, da bị dày thâm, ranh giới rõ, liken hoá, có các vết nứt đau. Đây chính là hậu quả của việc bệnh nhân bị ngứa và gãi nhiều. Thương tổn hay gặp ở trên các nếp gấp lớn, lòng bàn tay, bàn chân, các ngón, cổ, gáy và cổ tay, hay là cẳng chân.

3. Điều trị viêm da cơ địa ra sao?

Với những tiến triển của bệnh như trên thì làm sao để có thể điều trị viêm da cơ địa? Vẫn theo như Ts.Hưng, cũng như các bệnh khác, bệnh viêm da cơ địa nếu không được điều trị sẽ tiến triển trong nhiều tháng, hay thậm chí là nhiều năm. Có khoảng gần 50% bệnh khỏi khi ở tuổi thiếu niên, song với nhiều trường hợp bệnh sẽ tồn tại lâu trong nhiều năm cho đến độ tuổi trưởng thành. Nhiều bệnh nhân còn bị hen hoặc các bệnh dị ứng khác.

Chuyên gia tư vấn cách điều trị viêm da cơ địa - Ảnh 3.

Muốn đẩy lùi bệnh viêm da cơ địa thì phải thực hiện điều trị đúng cách. (Ảnh: Internet)

Về phương pháp điều trị căn bệnh viêm da cơ địa, chuyên gia cho biết rằng còn tùy theo giai đoạn của bệnh thì sẽ có các hướng điều trị thích hợp. Tuy nhiên, người bệnh cần lưu ý là tránh chà xát và không gãi. Đồng thời bác sĩ còn cho bệnh nhân các loại thuốc bôi, thuốc uống giúp chống ngứa.

Bên cạnh đó, kem dưỡng ẩm còn rất cần thiết vì nó vừa có tác dụng chống khô da lại vừa có tác dụng tránh ngứa, hạn chế tái phát. Kem dưỡng ẩm cần phải được sử dụng hàng ngày và dùng lâu dài kể cả sau khi triệu chứng bệnh đã được cải thiện. Ngoài ra, người bệnh cần được loại trừ và tránh tiếp xúc với các chất gây dị ứng, chống nhiễm tụ cầu bằng thuốc kháng sinh bôi hoặc thuốc uống, hay kháng histamin chống ngứa...

Trên đây chính là một vài những thông tin quan trọng cũng như cách điều trị viêm da cơ địa, rất mong sẽ giúp ích cho bạn trong quá trình điều trị để đẩy lùi căn bệnh khó chịu này.

Tác giả: Thanh Hà