Theo Bác sĩ Trương Hữu Khanh, trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh BV Nhi đồng 1 TP.HCM, bệnh tay chân miệng là căn bệnh do vi rút đường ruột gây nên. Đây là bệnh thường gặp ở bệnh nhi dưới 3 tuổi, tuổi càng nhỏ thì bệnh càng nặng hơn.
Có đến 95% các ca bệnh tay chân miệng đều khỏi mà không để lại biến chứng gì, tuy nhiên cũng nhiều trường hợp biến chứng nặng về tim mạch, thần kinh có thể gây tử vong.
Bác sĩ Khanh cho biết, bệnh được chia làm 4 giai đoạn bao gồm: ủ bệnh; khởi bệnh; toàn phát và lui bệnh. Việc theo dõi dấu hiệu toàn phát bệnh tay chân miệng ở trẻ em khá quan trọng, bởi nếu thấy trẻ có các biểu hiện diễn tiến xấu thì cần đưa đến bệnh viện ngay.
Giai đoạn ủ bệnh thường kéo dài tầm 3 đến 7 ngày. Giai đoạn này được xác định là trẻ vừa tiếp xúc với tác nhân chứa vi rút gây bệnh tay chân miệng. Thời gian ủ bệnh thường ít có các dấu hiệu rõ ràng; nếu có thì trẻ sẽ mệt mỏi hơn, sốt nhẹ, tăng tiết nước bọt, chán ăn.
Ở giai đoạn khởi phát tay chân miệng, bệnh nhi thường sốt cao (trên 39 độ C) và bắt đầu xuất hiện một số dấu hiệu điển hình ở bệnh tay chân miệng, bao gồm: kêu đau họng; sốt cao và khó hạ sốt; trẻ cáu kỉnh hơn; khóc nhiều và có thể bỏ ăn.
Dấu hiệu toàn phát bệnh tay chân miệng thường bắt đầu với các triệu chứng dưới đây:
- Loét miệng: Trẻ nhỏ sẽ tăng tiết nước bọt, kiểm tra thấy các vết loét đỏ trong miệng, nướu và lưỡi. Trẻ lớn sẽ kêu đau miệng, họng.
- Phát ban dạng bỏng nước: Phát ban dạng bỏng nước sẽ xuất hiện nhiều ở các vị trí bàn tay, cánh tay, bàn chân, đầu gối, vùng sinh dục và thường tồn tại dưới 7 ngày. Các phát ban dạng bỏng nước này thường lành tính và tự khỏi, hiếm khi gây loét sâu hoặc bội nhiễm. Sau 1 tuần, mụn nước khô sẽ tự bong tróc và để lại vết thâm trên da.
- Sốt cao: Dấu hiệu toàn phát bệnh tay chân miệng rõ rệt nhất chính là trẻ sẽ sốt cao; thường trên 39 độ C và khó hạ khi dùng thuốc hạ sốt. Tuy nhiên, nếu sốt cao kèm với nôn ói nhiều có thể gây biến chứng về hô hấp, tim mạch, thần kinh vô cùng nguy hiểm.
Các dấu hiệu toàn phát bệnh tay chân miệng rất thường bị nhầm lẫn với một số loại bệnh có triệu chứng sốt đi kèm với phát ban trên da như: viêm da mủ, sốt phát ban, dị ứng, sốt xuất huyết, nhiễm khuẩn do viêm não mô cầu, thủy đậu. Do đó, cha mẹ cần hết sức lưu ý. Tốt nhất nên đưa trẻ đi khám để các bác sĩ chẩn đoán chính xác và hướng dẫn phương an chăm sóc trẻ hợp lý.
Nếu sau 3 đến 5 ngày có những dấu hiệu toàn phát bệnh tay chân miệng, trẻ hồi phục hẳn mà không để lại biến chứng nào thì giai đoạn lui bệnh bắt đầu.
=>> Đọc thêm bài viết những dấu hiệu bệnh tay chân miệng ở trẻ em tại ĐÂY!
Theo bác sĩ Khanh, tay chân miệng là căn bệnh rất dễ lây lan, nhất là ở độ tuổi mầm non. Bệnh khá nguy hiểm khi gặp biến chứng, nặng nhất là gây tử vong ở trẻ. Do đó, nếu phát hiện trẻ mắc bệnh thì cần được cách ly với các bé ở trường học để tránh bùng phát dịch.
Dấu hiệu toàn phát bệnh tay chân miệng đặc trưng là sốt, tổn thương niêm mạc miệng, gây phát ban ở các vùng tay, chân và mông. Ở giai đoạn toàn phát bệnh tay chân miệng này, cha mẹ cần đặc biệt theo dõi các dấu hiệu dưới đây:
- Trẻ sốt cao trên 2 ngày, dùng thuốc khó hạ sốt
- Trẻ run, tay chân yếu
- Trẻ có biểu hiện giật mình chới với khi vừa thiu thiu ngủ
- Mạch nhanh, sờ không thấy mạch
- Trẻ li bì, mê man, méo miệng.
Nếu thấy trẻ có bất kỳ dấu hiệu nào kể trên, cha mẹ ngay lập tức đưa trẻ đến bệnh viện để được bác sĩ theo dõi và can thiệp kịp thời nếu có biến chứng.
Bác sĩ Khanh chia sẻ thêm, không có giai đoạn nào được gọi là đáng lo mà cần phải theo dõi trẻ xem trẻ có dấu hiệu chuyển sang cấp độ nặng hơn hay không. Nếu tay chân miệng cấp độ 4 thì rất nặng, nguy cơ biến chứng khó hồi phục rất cao.
(Tham khảo ý kiến Bác sĩ Trương Hữu Khanh, trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh BV Nhi đồng 1 TP.HCM)