Gần đây, trên mạng xã hội rầm rộ truyền tay nhau phương pháp giảm cân có tên là Ketogenic Diet (ở Việt Nam thường gọi ngắn gọn là Keto) vừa có thể ăn thỏa thích lại vừa có thể… gầy đi.
Thậm chí một số cô gái còn nói rằng phương pháp giảm cân Keto có thể chữa khỏi bệnh tiểu đường và chống ung thư. Nhưng các chuyên gia dinh dưỡng và nội tiết học cho rằng đây là phương pháp không phải ai cũng thực hiện được.
Chị Trần Thúy Hà – Hà Đông, Hà Nội tự hào chia sẻ sau 8 năm lúc nào cũng ở cân nặng hơn 60 kg lần đầu tiên chị đã lấy lại vóc dáng tuổi thanh niên khi đạt 48 kg. Theo chị Hà để đạt được cân nặng như ý muốn chị áp dụng chế độ ăn Keto.
Chị Hà cho biết 8 năm sau sinh cháu đầu từ 49 kg, 50 kg lúc nào chị cũng béo có thời điểm cai sữa bé thứ hai chị vẫn còn 65 kg. Dù chị đã thực hiện nhiều chế độ ăn uống để giảm cân nhưng không có tác dụng.
Khi biết chế độ ăn Keto chị chưa tin tưởng thực hiện, sau một thời gian tham gia vào diễn đàn, các hội nhóm ăn giảm cân Keto chị càng tin hơn và bắt đầu áp dụng cho hai vợ chồng. Chồng chị Hà giảm được 8kg từ 76 kg còn 68 kg, chị Hà giảm từ 63 kg về 49 kg.
Ảnh minh hoạ
Chị Hà cho biết để thực hiện giảm cân, vợ chồng chị ăn theo thực đơn Keto và chưa khi nào chị thấy ăn uống giảm cân lại đơn giản như thế. Vợ chồng chị chỉ ăn thịt, cá, rau sống. Chị kể thời gian Keto giảm cân tuần nào vợ chồng chị cũng ăn thịt nướng thoải mái mà không lo tăng cân. Hơn nữa, chị Hà cũng không phải lo đi tập thể dục mà vẫn có thời gian chăm hai con nhỏ.
Chị còn chia sẻ cả chế độ ăn Keto giảm cân cho mẹ, chị gái của mình và tất cả đều thành công. Đến giờ, chế độ ăn này trở thành thực đơn cho cả đại gia đình.
Theo thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Huy Cường – Nguyên bác sĩ nội tiết, Bệnh viện Bạch Mai giảm cân theo chế độ ăn Keto giảm cân nặng và cũng làm giảm tuổi thọ nhưng mọi người đang nghĩ nó tốt và trở thành chế độ ăn sốt trên mạng xã hội được mọi người chia sẻ nhiều.
Với chế độ ăn bỏ tinh bột hiện nay nguy hiểm cho tim mạch và não bộ vì hoạt động của não bộ phụ thuộc hoàn toàn vào lượng glucozơ từ tinh bột cung cấp. Và chế độ Keto là ăn chất đạm và chất béo. Hai chất này là kẻ thù của tim mạch và giảm cân bằng Keto chính là tạo sức ép lên bệnh tim mạch.
Còn PGS Lê Bạch Mai – Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho rằng mỗi người theo độ tuổi, tình trạng và lao động khác nhau thì nhu cầu năng lượng khác nhau.
Với chế độ ăn kiểu Keto mà nhiều người áp dụng để giảm cân là bỏ hẳn chất bột đường (carbonhydrate) thay vào đó sử dụng chất đạm và chất béo sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe.
Theo PGS Mai năng lượng cho cơ thể đến từ chất béo, chất đạm, bột đường (trong đó chất bột đường chiếm trên 50%), nếu loại bỏ bột đường thay vào đó là chất béo và chất đạm thì khẩu phần ăn đấy lại bổ sung thêm nhiều thịt cá.
PGS Lê Bạch Mai
Mặt khác, khi dùng thêm chất béo làm tăng mỡ vào gan. Và lượng protein nhiều đòi hỏi chuyển hóa của gan và thận, nó gây mệt mỏi cho bộ máy tiêu hóa. Gan phải hoạt động nhiều hơn để chuyển hóa chất đạm và thải trừ chất độc ra ngoài. Chất béo muốn chuyển hóa được lại phải được bao quanh bởi mật từ gan tiết ra.
Chu trình chuyển hóa này khiến gan quá tải nên gan phải tiết mật mới chuyển hóa được chất béo và khi làm việc quá và chất béo không chuyển hóa hết sẽ đọng lại ở gan thành gan nhiễm mỡ.
Không những thế, loại bỏ tinh bột rất nguy hiểm vì theo PGS Mai cơ thể của chúng ta, bộ não rất quan trọng. Bộ não có cấu trúc 60% chất béo nhưng năng lượng lại đến từ chất bột đường, chất glucose. Não có minh mẫn hay không đến từ chất glucose.
Nếu không ăn chất bột đường thì việc chuyển hóa năng lượng từ chất béo, chất đạm cho não rất là nhọc nhằn, thậm chí cơ thể phải lấy glycogen từ trong gan, trong cơ ra để nuôi não lá gan lại phải thêm làm việc.
Chính vì thế, trong khẩu phần ăn dù áp dụng bất cứ chế độ gì, PGS Mai cho rằng cần ăn đủ 4 nhóm chất tinh bột, chất béo, chất đạm và vitamin, khoáng chất. Để các bộ phận trong cơ thể hài hòa cần ăn tổng năng lượng 50% chất bột đường.
Theo Thạc sĩ Cường mỗi tuần chúng ta nên để ra 2 tiếng rưỡi cho tập thể dục, thói quen tập thể dục khuyến khích cơ thể ta chuyển hóa thức ăn dễ dàng hơn.
Khi ta luyện tập, ta sử dụng một dạng đường (glycogen) dự trữ trong cơ bắp cũng như đường trong máu vậy.
Sau khi luyện tập, những cơ bắp đó sẽ tiếp tục lấy đường từ máu để bổ sung dự trữ glicogen. Thế nên không những hỗ trợ giảm cân, tập thể dục cũng giúp cố định đường máu không xuống thấp.