Chuyên gia Nhi khoa chỉ ra 3 điều bố mẹ cần chú ý để trẻ khỏe mạnh bước vào năm học mới

Chuyên gia Nhi khoa chỉ ra 3 điều bố mẹ cần chú ý để trẻ khỏe mạnh bước vào năm học mới
“Để trẻ khỏe mạnh là cả một quá trình dài, và bố mẹ cần thực hiện thường xuyên để trẻ có được sức khỏe tốt nhất, sẵn sàng cho một năm học mới.”, BS. Phí Văn Công (Khoa Hồi sức Cấp cứu Nhi - BV Đa khoa Xanh Pôn, Hà Nội) khẳng định.

Bước vào năm học mới cũng là khoảng thời gian miền Bắc đang trong giai đoạn giao mùa, chuyển từ hạ sang thu, thời tiết cũng vì thế mà lạnh hơn còn miền Nam lại bước sang mùa mưa. Khoảng thời gian này trở thành nỗi sợ hãi cho các bố mẹ khi các bệnh về đường hô hấp, virus đường ruột, bệnh tay-chân-miệng hay sốt xuất huyết,… phát triển mạnh mẽ.

Cùng với đó, việc bước vào năm học mới sẽ khiến trẻ phải học tập nhiều hơn, nhiều thói quen phải thay đổi chuẩn bị về dinh dưỡng, thể chất và tăng cường sức khỏe trước những bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ. Tất cả những điều này là lý do khiến bố mẹ không ngừng lo lắng về tình trạng thể chất ở trẻ nhỏ.

Liên quan tới vấn đề này, BS Nhi khoa Phí Văn Công đã có lời giải đáp cho những băn khoăn này của các bố mẹ, để giúp trẻ có thể phát triển toàn diện và khỏe mạnh.

Chuyên gia Nhi khoa chỉ ra 3 điều bố mẹ cần chú ý để trẻ khỏe mạnh bước vào năm học mới - Ảnh 1.

Trước tiên, BS. Phí Văn Công đặc biệt nhấn mạnh: "Các bố mẹ cần phải hiểu rằng, để con khỏe mạnh là kết quả phối hợp của nhiều biện pháp. Từ vệ sinh tay chân sạch sẽ, ăn uống đầy đủ dinh dưỡng đến các hoạt động vận động thích hợp để làm quen với môi trường. Ngoài ra, bổ sung các sản phẩm tăng sức đề kháng cũng là một phần trong quá trình đó.

Do vậy, bố mẹ không nên quá trông đợi vào một sự chuyển biến rõ ràng về mặt thể chất của một đứa trẻ chỉ trong ngày 1, ngày 2."

Để trẻ khỏe mạnh bước vào năm học mới, bố mẹ cần chú ý 3 điều dưới đây:

Việc vệ sinh tay chân rất quan trọng, cần tạo thành thói quen cho trẻ

Theo BS. Phí Văn Công, các bệnh đường hô hấp thì lây qua các giọt bắn, qua tiếp xúc trực tiếp, nhưng nhiều bệnh lại lây qua đường tay – miệng.

Ví dụ như: Bệnh tay- chân - miệng lây qua đường phân – tay – miệng. Theo đó, nếu một trẻ bị Tay Chân Miệng khi đi đại tiện, virus sẽ lan ra ngoài môi trường, sau đó trẻ nhỏ bò trên sàn, cầm đồ chơi, rồi vô tình cho tay đó lên miệng, vậy là lây bệnh. Vì lý do này, bác sĩ Công đặc biệt nhấn mạnh việc cần thiết phải vệ sinh tay chân một cách thường xuyên và sạch sẽ để hạn chế tối đa sự lây truyền loại bệnh này.

Cho trẻ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng để con phát triển tốt theo đúng lứa tuổi

"Đối với trẻ em hay người lớn, không phải cứ ăn nhiều thịt, nhiều cá hay thậm chí là nhiều đồ ăn vặt (những món mình thích) là sẽ tốt." BS. Phí Văn Công nhấn mạnh.

Ở thời kỳ xã hội đang ngày càng phát triển văn minh và hiện đại như hiện nay, có lẽ việc cho con ăn uống đầy đủ dưỡng chất không phải là khó. Tuy nhiên, việc chắt lọc thông tin cũng vì thế mà trở nên khó khăn hơn. Bởi lẽ đó, các mẹ thường dễ mắc sai lầm trong việc bổ sung chất dinh dưỡng cho con.

"Điều quan trọng trong dinh dưỡng nằm ở cân bằng. Một bữa ăn bình thường cần đảm bảo đủ 3 thành phần chính: Protein (thịt), Lipid (mỡ), Cacbohydrat (tinh bột). Ngoài ra cần thêm rau, củ, hoa quả để bổ sung thêm vitamin và uống nhiều nước. Một số thực phẩm hiện nay, các nhà sản xuất cũng cố gắng tìm hiểu các chất giúp tăng đề kháng tự nhên để bổ sung vào.", BS. Phí Văn Công chia sẻ.

Chuyên gia Nhi khoa chỉ ra 3 điều bố mẹ cần chú ý để trẻ khỏe mạnh bước vào năm học mới - Ảnh 2.

Điều quan trọng trong dinh dưỡng nằm ở sự cân bằng giữa các bữa ăn và các loại chất khác nhau.

Trong vấn đề này, BS Công cũng nhấn mạnh một điều đáng ngại trong cuộc sống hiện nay chính là ăn vặt. Nhiều người đang cho con mình ăn vặt quá nhiều với các loại đồ ăn, đồ uống khác nhua như bim bim, nước ngọt, kẹo, bánh… Thật không may, những thứ đồ ăn uống rất được trẻ yêu thích này đều là đồ không tốt cho sức khỏe. Bởi khi nạp những loại đồ ăn, đồ uống này vào cơ thể cũng là lúc dạ dày phải hoạt động liên tục.

Không chỉ thế, đây cũng chính là nguyên nhân khiến con trẻ không có cảm giác đói, từ đó cảm giác thèm ăn cũng dần biến mất và đương nhiên cũng không thấy thèm ăn vào mỗi bữa chính.

Từ đó có thể thấy việc cân đối các bữa ăn với đủ chất đạm, béo, tinh bột, vitamin, khoáng chất, trái cây tươi, sạch… cũng chính là góp phần vào việc tăng cường sức đề kháng.

Quá trình học tập đòi hỏi trẻ phải vận dụng nhiều đến trí óc và giai đoạn này cũng là giai đoạn vàng để trẻ phát triển chiều cao, thể chất. Do vậy, phụ huynh cần bổ sung dinh dưỡng giúp bổ não, tăng cường trí nhớ bằng thực phẩm hữu ích, tăng cường trí não cho trẻ là cá, trứng, thịt, tôm, uống 2 ly sữa không đường, ăn rau xanh, quả chín, uống đủ nước, không nên ăn quả quá ngọt, không uống nước ngọt có ga, không ăn bim bim...

Vận động thường xuyên, đúng cách

Không phải tự nhiên mà Tổ chức Y Tế Thế Giới có cả môt hướng dẫn, khuyên bố mẹ không nên để trẻ ngồi một chỗ nhiều, không nên tiếp xúc với màn hình điện tử nhiều, rằng tuổi này thì cần vận động ít nhất bao nhiêu phút (trẻ từ 2-5 tuổi cần ít nhất 180 phút vận động mỗi ngày), đồng thời luôn "đính kèm" thêm câu vận động càng nhiều càng tốt.

Bởi, việc vận động làm hệ tim mạch hoạt động nhiều hơn, hệ hô hấp hoạt động nhiều hơn, quá trình trao đổi chất và đào thải chất cũng mạnh hơn, não bộ phát triển tốt hơn… Cơ thể vì thế mà phát triển mạnh khỏe hơn. Tất nhiên, tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình. Trẻ nhỏ có thể chỉ cần hoạt động nhẹ nhàng, phù hợp với độ tuổi và sức lực của trẻ.

Cuối cùng, BS. Phí Văn Công khuyến cáo: "Để trả lời câu hỏi nên làm gì để con em đỡ ốm khi quay lại trường rất khó. Việc giữ vệ sinh sạch sẽ, cải thiện môi trường sống sạch sẽ hơn có thể làm sớm và thấy hiệu quả ngay. Dinh dưỡng đầy đủ và cân bằng, tích cực cho con vận động các hoạt động phù hợp lứa tuổi thì nên làm và hiệu quả thấy về lâu dài. Để cơ thể trẻ khỏe mạnh là cả một quá trình dài."


Tác giả: Hằng Trần