Chuyên gia lý giải các hiện tượng liên quan đến xét nghiệm COVID-19

Chuyên gia lý giải các hiện tượng liên quan đến xét nghiệm COVID-19
Một số xét nghiệm Covid-19 cho kết quả âm tính ban đầu, nhưng sau đó lại dương tính trở lại. Đặc biệt có một số trường hợp xét nghiệm âm tính nhưng lại có thể lây nhiễm virus cho người khác, trong khi đó một số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 lại không lây cho bất kỳ ai.

Xoay quanh vấn đề này, TS.DS. Phạm Đức Hùng (Bệnh viện Nhi Cincinnati, Ohio, Mỹ) và Vũ Phương (Nghiên cứu sinh Tiến Sĩ tại Mỹ) đã tìm hiểu, nghiên cứu, đồng thời dựa vào kiến thức Hóa Sinh đưa ra những phân tích như sau.

Kiến thức Hóa Sinh có thể giúp chúng ta trả lời được những câu hỏi và hiện tượng liên quan đến việc xét nghiệm Covid-19 sau:

- Tại sao bệnh nhân Covid-19 được xét nghiệm âm tính xong lại dương tính trở lại?

- Tại sao có người được xét nghiệm âm tính nhưng trên thực tế lại lây nhiễm Covid-19 cho người khác?

- Tại sao có những người được xét nghiệm dương tính nhưng thực chất lại không có khả năng lây lan bệnh Covid-19?

Chuyên gia lý giải các hiện tượng liên quan đến xét nghiệm COVID-19 - Ảnh 1.

Áp dụng lý thuyết Hóa Sinh vào dịch Covid-19 (Ảnh: Vũ Phương)

Để lý giải các hiện tượng trên, trước hết, chúng ta cần phân biệt 2 xét nghiệm phổ biến hiện nay là:

(1) Xét nghiệm nhanh (test nhanh) dựa vào việc tìm kháng thể trong máu bệnh nhân.

(2) Xét nghiệm khuếch đại vật liệu di truyền RT-PCR để tìm sự hiện diện của RNA của virus trong mẫu hầu họng (là xét nghiệm tiêu chuẩn).

Xét nghiệm nhanh là gì?

Để hiểu xét nghiệm nhanh (test nhanh) chúng ta cần hiểu về kháng thể. Kháng thể là các protein được tạo ra bởi hệ thống miễn dịch để đáp ứng với sự xâm nhiễm của vi khuẩn, hay virus. Khi phản ứng với vi sinh vật cơ thể chúng ta cần một thời gian nhất định (từ 1 – 2 tuần) để sản xuất đủ kháng thể để bị phát hiện bởi xét nghiệm.

Như vậy, nếu 1 người được xét nghiệm nhanh trong khoảng 5 ngày đầu sau khi bị virus xâm nhập sẽ dễ cho kết quả âm tính (âm tính giả), khi xét nghiệm lại lần 2 vào khoảng hơn 1 tuần sẽ thấy kết quả dương tính.

Chuyên gia lý giải các hiện tượng liên quan đến xét nghiệm COVID-19 - Ảnh 2.

Phương pháp xét nghiệm nhanh dựa vào việc tìm kháng thể trong máu bệnh nhân (Ảnh Giang Huy)

Xét nghiệm tiêu chuẩn RT-PCR là gì?

Xét nghiệm tiêu chuẩn RT-PCR là xét nghiệm trực tiếp có thể phát hiện sự hiện diện của virus từ rất sớm.

Tạm ví dụ virus SARS-CoV-2 như con cá sấu trong đầm lầy, việc xét nghiệm nhanh giống như khi ta đi vào 1 đầm lầy và tìm “dấu chân” của cá sấu, chúng ta thấy dấu chân cá sấu ở vùng đất trước đầm có nghĩa là cá sấu đã ở đây. Ngược lại không thấy dấu chân không có nghĩa là không có cá sấu, có khi nó đang ẩn nấp trong đầm. Còn với xét nghiệm khuếch đại di truyền RT-PCR là chúng ta chụp hình lại và thấy cá sấu trong hình, nghĩa là nó có trong đầm.

Cho tới nay, xét nghiệm RT-PCR được coi là “tiêu chuẩn vàng” và là phương pháp tối ưu nhất để chẩn đoán bệnh COVID-19.

Chuyên gia lý giải các hiện tượng liên quan đến xét nghiệm COVID-19 - Ảnh 3.

Tại sao một số bệnh nhân đã xét nghiệm RT-PCR âm tính nhưng sau đó lại cho kết quả dương tính?

Tuy xét nghiệm khuếch đại di truyền RT-PCR cho kết quả chính xác hơn xét nghiệm nhanh và được coi là “tiêu chuẩn vàng”, nhưng vẫn có một số ít bệnh nhân đã xét nghiệm RT-PCR âm tính nhưng sau đó lại cho kết quả dương tính. Vì một số lý do như sau:

- Thứ nhất, sau 1 thời gian nhiễm virus, SARS-CoV-2 sẽ di chuyển nhiều tới cơ quan hô hấp bên dưới như phổi, cuống phổi và lượng còn lại ở hầu họng, mũi ít đi nhiều. Khi làm xét nghiệm thì nhân viên y tế thường chỉ lấy mẫu từ mũi, như vậy có thể không phát hiện được.

- Thứ hai là do lỗi kỹ thuật do máy móc hoặc do nhân viên xét nghiệm làm sai trong lúc lấy mẫu.

- Thứ ba, có thể người bệnh chưa khỏi bệnh hoàn toàn, trong quá trình điều trị chưa đào thải hết mầm bệnh, virus vẫn còn tồn tại trong cơ thể, đặc biệt trong tế bào niêm mạc phổi. Virus được đào thải ra khỏi người bệnh thực chất là xác virus (virus ở dạng bất hoạt). Khi dùng kỹ thuật RT – PCR (kỹ thuật khuếch đại RNA của virus) thì chúng ta chỉ xác định được gen của virus. Trường hợp này, đào thải ra mầm bệnh nhưng mầm bệnh không hoạt động được (Alireza Tahamtana and Abdollah Ardebili, 2020)

Trong những trường hợp trên, người bệnh cho ra kết quả âm tính giả (false negative). Âm tính giả là kết quả xét nghiệm âm tính trong khi đó người đi kiểm tra thực sự là có bệnh Covid-19. Điều này lý giải vì sao một số người xét nghiệm âm tính nhưng trên thực tế lại lây nhiễm Covid-19.

Kết quả xét nghiệm âm tính giả có thể khiến bệnh nhân nghĩ rằng bản thân hoàn toàn khỏe mạnh. Đây là điều rất nguy hiểm vì người này có thể đi lại và lây nhiễm virus SARS-CoV-2 cho nhiều người khác.

Tại sao có những người được xét nghiệm dương tính nhưng thực chất lại không có khả năng lây lan bệnh dịch?

Trên thực tế, vẫn có những người có kết quả xét nghiệm nhanh là dương tính nhưng thực chất lại không nhiễm virus, và không lây cho ai, bởi kết quả chẩn đoán của họ bị “false positive” (dương tính giả).

Lý do là bởi vì có thể trong quá khứ họ đã nhiễm một loại virus tương tự, cùng họ với SARS-CoV-2 nên có antibodies tương tự (Cochrane COVID-19 Diagnostic Test Accuracy Group, 2020) nhưng điều này lại không có nghĩa là hiện tại họ đang có Covid-19 trong cơ thể.

Tóm lại, vì các thử nghiệm COVID-19 là mới, việc biết độ chính xác là một thách thức. Các giá trị chính xác và dự đoán của xét nghiệm SARS-CoV-2 chưa được đánh giá và độ chính xác của xét nghiệm phụ thuộc vào xét nghiệm nào được sử dụng, loại mẫu thử nghiệm, cách thu thập và thời gian mắc bệnh. Do đó, việc chẩn đoán tình trạng mắc Covid-19 sẽ không đủ tin cậy và chính xác nếu chỉ dựa trên bệnh phẩm âm tính của đường hô hấp, hoặc xét nghiệm nhanh bằng kháng thể. Người bệnh vẫn có thể tiếp tục lây lan virus bởi những kết quả “false negative” (dương tính giả) như vậy.

Có thể người bạn quen tưởng là âm tính nhưng thực ra đang lây lan dịch bệnh. Những điều bạn có thể làm để đảm bảo sự an toàn cho bạn và người thân là:

- Luôn đeo khẩu trang mọi lúc mọi nơi để tránh lan truyền virus/ tiếp nhận virus SARS-CoV-2 từ người khác.

- Cách xa tối thiểu 2-3 mét với những người xung quanh.

- Hạn chế đến nơi đông người và hạn chế ăn uống tại nhà hàng. Nên gọi đồ ăn online.

- Nếu có biểu hiện của Covid-19, bạn nên test tối thiểu 2 lần, mỗi lần cách nhau 2-3 tuần. Được kết quả âm tính là chưa được mừng vội, vì sau 2-3 tuần thì cơ thể mới sản sinh đủ kháng thể để đưa ra kết quả chính xác.



Tác giả: TS.DS. Phạm Đức Hùng , NCS Tiến Sĩ tại Mỹ - Vũ Phương