Sau 99 ngày không có ca nhiễm COVID-19 trong cộng đồng, trưa 25/7, Bộ Y tế công bố trường hợp ở Đà Nẵng là bệnh nhân thứ 416 ở Việt Nam, sau 5 lần xét nghiệm dương tính. Đáng chú ý, đây là trường hợp lây nhiễm cộng đồng đầu tiên sau hơn 3 tháng.
Bệnh nhân số 416, là nam, 57 tuổi, thường trú tại tổ 51, phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng. Ngành y tế thành phố Đà Nẵng đã xác định 1.079 trường hợp tiếp xúc trực tiếp (F1) và gián tiếp (F2) với bệnh nhân. Trong đó có 288 trường hợp được xác định là F1.
Điều đáng nói, trường hợp dương tính với COVID-19 này vẫn chưa xác định được nguồn lây. Do đó, nhiều người lo ngại F0 vẫn còn đâu đó trong cộng đồng nên đây là trường hợp rất đặc biệt và phức tạp. Liên quan đến vấn đề này, bác sĩ Trương Hữu Khanh (Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM) đã đưa ra những phân tích và nhận định cụ thể giúp chúng ta phòng tránh bệnh COVID-19 hiệu quả.
Thứ nhất, nếu virus SARS-CoV-2 tồn tại lâu trong cộng đồng thì chắc chắn đã lây lan nhiều ca mới. Trong trường hợp nếu dịch bệnh đã lây lan rộng, chắc chắn sẽ có nhiều ca nặng và ca tử vong.
Thứ hai, chúng ta đã tiến hành xét nghiệm. Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đà Nẵng, 105 người có tiếp xúc gần với bệnh nhân đã được xét nghiệm và đều có kết quả âm tính. Chứng tỏ virus mới xuất hiện.
Tính thời điểm bệnh nhân số 416 nhiễm COVID-19, chúng ta lùi lại khoảng 14 ngày. Trong khoảng thời gian 14 ngày đó khả năng rất cao bệnh nhân tiếp xúc với nguồn bệnh. Hiện tại chúng ta vẫn đang trong quá trình xác định chính xác nguồn lây của bệnh nhân này. Vì vậy cần hết sức bình tĩnh, tránh hoang mang và hoảng sợ không đáng có.
Thời tiết mùa hè thoáng và nóng, virus SARS-CoV-2 sẽ không phát tán, tồn tại lâu giống như mùa đông, rất khó có chuyện chúng ta đi ra ngoài đường đeo khẩu trang mà bị virus tấn công. Vì vậy, chúng ta không nên quá lo lắng. Tuy nhiên chúng ta cần tránh một số địa điểm có nguy cơ lây nhiễm virus cao.
Một số địa điểm có nguy cơ cao lây nhiễm virus SARS-CoV-2 bao gồm:
Không khí trên máy bay, xe khách, xe bus có đặc điểm là tù kín nên chỉ cần có một người bị bệnh thì virus SARS-CoV-2 sẽ tồn tại rất lâu. Đây là một nguồn lây vô cùng nguy hiểm. Bởi vậy, nếu chúng ta lơ là thì dịch bệnh có thể lan rộng.
Cách hữu hiệu nhất để phòng bệnh khi di chuyển trên máy bay, xe khách, xe bus là đeo khẩu trang.
Bệnh viện là nơi có nguy cơ trở thành nguồn lây nhiễm rộng vì lưu lượng người đến khám chữa bệnh hàng ngày rất lớn và đến từ nhiều nơi, nhiều tỉnh thành khác nhau.
Thông thường các ca nhiễm COVID-19 sẽ được phát hiện ở bệnh viện. Do đó, khi đi khám bệnh, đi thăm bệnh nhân phải thực hiện các phương pháp phòng tránh như: đeo khẩu trang, rửa tay sạch. Song thực tế cho thấy trong thời gian gần đây, khi dịch bắt đầu có những dấu hiệu khả quan cũng là lúc nhiều người vào bệnh viện không đeo khẩu trang.
Những khu vực có bệnh nhân nhiễm COVID-19 và những khu vực bệnh nhân từng đến là những địa điểm có nguy cơ nhiễm virus SARS-CoV-2 cao. Vì thế, chúng ta cần hạn chế du lịch đến những địa điểm này. Bên cạnh đó, những người trong vùng dịch cần ít đi lại và phối hợp với cơ quan chức năng để dập dịch.
Theo trang worldometers.info, tính đến 18h ngày 25-7 (giờ Việt Nam), toàn thế giới có 15.969.934 người mắc COVID-19, 643.399 người chết và 9.763.099 người hồi phục.
Những số liệu trên cho thấy tình hình COVID-19 nóng ở tất cả các nước. Virus SARS-CoV-2 tồn tại xung quanh chúng ta rất nhiều. Vì vậy chúng ta cần ngăn chặn nhập cư bất hợp pháp, các tỉnh biên giới luôn ở trong tư thế “phòng thủ” chống dịch.
Hiện vẫn chưa có vaccine để phòng COVID-19 nên cách tốt nhất là tránh virus. Để phòng virus SARS-CoV-2 lây lan trong cộng đồng, chúng ta cần thực hiện các biện pháp:
Đeo khẩu trang: Luôn đeo khẩu trang khi ra đường, lựa chọn khẩu trang y tế hoặc khẩu trang vải kháng khuẩn. Lưu ý đeo khẩu trang đúng cách.
Rửa tay sạch: sau khi tiếp xúc hoặc đi ra ngoài, về nhà phải rửa tay sạch, đặc biệt là vùng có nguy cơ nhiễm COVID-19 cao.
Hạn chế di chuyển, tránh nơi đông người, những nơi có nguy cơ lây nhiễm COVID-19 cao như: Khuôn viên bệnh viện, trên các phương tiên giao thông: máy bay, xe khách, xe bus,…
Người dân ở khu vực có dịch cần phối hợp với cơ quan chức năng thực hiện các biện pháp cần thiết phòng chống dịch bệnh COVID-19, không được lơ là và chủ quan, nên quan sát kỹ xung quanh xem có những người từ vùng dịch nước ngoài về mà không tuân thủ biện pháp cách ly hay không để báo cáo chính quyền địa phương nơi mình sinh sống.
Cuộc chiến chống dịch bệnh COVID-19 còn rất dài và dịch chỉ thực sự hết khi nào thế giới có vaccine và thuốc đặc trị. Do đó, chúng ta cần xác định tinh thần luôn sẵn sàng các biện pháp phòng nhiễm COVID-19 kết hợp với việc phát triển kinh tế, xã hội. Không hoảng sợ, bĩnh tĩnh chiến đấu, vượt qua giai đoạn dịch bệnh khó khăn này.