Viêm da cơ địa là căn bệnh thường gặp ở thể mạn tính gây ra những khó chịu cho người bệnh qua các triệu chứng đặc trưng như ngứa, khô da, tróc vảy.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh viêm da cơ địa, có thể do yếu tố di truyền như trong gia đình có người từng bị viêm da cơ địa hay do môi trường ô nhiễm, tiếp xúc với khói bụi và chất độc hại, hóa chất, mỹ phẩm từ các ngành công nghiệp.
Thậm chí nhiều người còn bị viêm da cơ địa dị ứng do quần áo, trang sức, phụ kiện...
Viêm da cơ địa gây ra những cơn đau rát cho bệnh nhân, mặc dù không quá ảnh hưởng đến tính mạng con người tuy nhiên, nó lại khiến cuộc sống của người bệnh gặp nhiều cản trở, bứt rứt, không tự tin trong giao tiếp, công việc...
Theo Tài liệu Hướng dẫn chuẩn đoán cách điều trị bệnh Da liễu của Bộ Y tế ban hành năm 2015, viêm da cơ địa ở người lớn là bệnh mạn tính phát triển theo từng đợt, bệnh thường đã bắt đầu từ thời thơ ấu với đặc điểm điển hình là ngứa và những tổn thương ở dạng chàm.
Đối tượng dễ mắc bệnh viêm da cơ địa là những người có tiền sử bản thân hay gia đình mắc các bệnh có yếu tố dị ứng như viêm mũi dị ứng, viêm xoang, dị ứng thuốc, mề đay, hen xuyễn,...
Theo thống kê cho thấy có từ 1-3% dân số ở độ tuổi trưởng thành trên thế giới mắc bệnh viêm da cơ địa.
Căn bệnh này có các biểu hiện khác nhau tùy thuộc theo lứa tuổi. Ở thanh thiếu niên và người lớn, biểu hiện của bệnh gồm:
- Hình thành nhiều mụn nước.
- Sẩn đỏ dẹt trên da.
- Mảng lichen hóa (là mảng rộng, bờ kém rõ ở những vùng da dày do bệnh và những vết ngang dọc hiện rõ trên da).
- Cảm giác ngứa ngáy, khó chịu.
- Các biểu hiện khác mà bệnh nhân có thể gặp ở các vị trí:
+ Khô da do mất nước kèm theo chứng da vẽ nổi trắng.
+ Lòng bàn tay và bàn chân xuất hiện những mảng da dày, da cá.
+ Nang lông có sừng dày, lông mi thưa.
+ Bong vảy ở môi.
+ Ở mi mắt dưới có thể xuất hiện nếp gấp; quanh mắt tăng sắc tố, viêm kết mạc tái diễn có thể gây lộn mi và đục thủy tinh thể.
Ngày nay, có rất nhiều phương pháp điều trị bệnh viêm da cơ địa, có thể tận dụng Đông y, hay tự chữa tại nhà, tuy nhiên phổ biến nhất vẫn là Tây y do mức độ tin cậy và khả năng chữa trị cao của loại thuốc này.
Cũng theo tài liệu của Bộ Y tế, để điều trị căn bệnh viêm da cơ địa một cách tốt nhất, bệnh nhân cần tuân thủ một số nguyên tắc sau:
- Dùng thuốc chống khô da và làm dịu da vì quá trình phát triển bệnh sẽ khiến da của bệnh nhân bị khô do tăng mất nước qua biểu bì.
- Chống nhiễm trùng da và chống viêm da.
- Tránh và hạn chế tiếp xúc với các dị nguyên gây bệnh.
Từ những nguyên tắc trên, phương pháp điều trị cụ thể cho căn bệnh viêm da cơ địa gồm:-
Bệnh viêm da cơ địa hoàn toàn có thể điều trị được tại nhà, bệnh nhân cần biết một số phương pháp điều trị sau:
- Tắm
Da bị bẩn và không được vệ sinh sạch sẽ cũng là một nguyên nhân tác động đến quá trình gây bệnh. Khi bị bệnh, bệnh nhân nên tắm hằng ngày với nước ấm và xà phòng có chứa ít chất kiềm. Sau khi tắm và làm khô da, bệnh nhân nên bôi thêm các thuốc làm ẩm da để tăng độ ẩm cho da.
- Dùng thuốc
Những loại thuốc có chứa Corticoid được dùng nhiều trong việc điều trị bệnh viêm da cơ địa. Đối với người lớn, bệnh nhân nên dùng những loại có hoạt tính trung bình như Clobetason butyrat hoặc Desonid.
Tuy nhiên khi bệnh viêm da cơ địa tiến triển nặng hơn với những biểu hiện tổn thương lichen hóa, ở vị trí da dày có thể dùng loại Corticoid có hoạt tính mạnh hơn như Clobetasol propionat.
Lưu ý: Đối với những tổn thương ở vùng da mỏng và nhạy cảm như vùng da trên mặt thì cần dùng mỡ Corticoid nhẹ và chỉ dùng trong một thời gian ngắn (trong vài ngày). Còn đối với những vùng da dày và lichen hóa thì mới được dùng những loại hoạt tính mạnh hơn để giảm viêm và giảm ngứa.
Bệnh nhân cần tính để lượng thuốc bôi trong vòng 1 tuần và giảm liều một cách từ từ khi bệnh đã có dấu hiệu suy giảm để tránh tái phát.
Ngoài ra bệnh nhân có thể tham khảo một số loại thuốc khác để điều trị bệnh viêm da cơ địa như sau:
+ Dùng mỡ kháng sinh hoặc mỡ Corticoid có kháng sinh để chống nhiễm khuẩn đối với vùng da bị bệnh.
+ Đắp thuốc tím 1/10.000, nước muối sinh lý 0,9% hoặc dung dịch Jarish lên vùng da bị viêm da cơ địa.
+ Tăng độ ẩm cho da bằng Urea 10% hoặc Petrolatum đối với vùng da bị khô.
+ Bôi thuốc bạt sừng bong vảy như mỡ goudron, ichthyol, crysophanic, mỡ salicyle 5% hoặc 10%.
+ Một loại thuốc rất hiệu quả trong điều trị viêm da cơ địa đó là thuốc ức chế miễn dịch Tacrolimus nồng độ 0,03-0,1%. Tuy nhiên loại thuốc này khá đắt tiền và thường hay gây kích ứng da trong thời gian đầu sử dụng, có thể gây giãn mạch.
Khi bệnh viêm da cơ địa tiến triển mạnh và lây lan ra toàn thân, bệnh nhân cần có biện pháp điều trị bệnh chặt chẽ hơn. Bệnh nhân có thể tham khảo một số loại thuốc điều trị toàn thân như sau:
+ Kháng Histamin H1 bao gồm Chlorpheniramin, Fexofenadin và Certerizin.
+ Kháng sinh chống nhiễm khuẩn, tốt nhất là kháng sinh thuộc nhóm cephalosphorin thế hệ 1.
+ Corticoid dùng trong thời gian ngắn như Prednisolon
+ Các thuốc khác như Cyclosporin, Methotrexat.