Chuyên gia hướng dẫn đối phó với chứng say nóng, say nắng cho trẻ khi phải đến trường trong hè này

Chuyên gia hướng dẫn đối phó với chứng say nóng, say nắng cho trẻ khi phải đến trường trong hè này
Do ảnh hưởng của dịch COVID-19 mà trẻ nhỏ phải đi học trong các tháng nắng nóng cao điểm như hiện tại, đặc biệt là trong thời gian từ 11h-13h trưa, nguy cơ trẻ bị say nóng, say nắng cũng rất cao.

Cho tới thời điểm hiện tại thì hàng triệu học sinh mầm non, tiểu học và các cấp học khác đều đang tiếp tục chương trình học do trước đó bị giãn đoạn bởi dịch COVID-19. Vì thế mà các em học sinh sẽ được nghỉ hè muộn hơn mọi năm. Đi học trong các tháng nắng nóng cao điểm như hiện tại khiến trẻ có nguy cơ bị say nóng, say nắng cao nếu không được che chắn và bảo vệ kỹ càng.

Dưới đây là những điều phụ huynh cần nhớ về chứng say nóng, say nắng ở trẻ và cách đối phó với tình trạng này.

1. Say nóng, say nắng ở trẻ là gì?

Say nóng được định nghĩa là tình trạng thân nhiệt của trẻ tăng lên so với môi trường hay do hoạt động thể lực vượt quá ngưỡng chịu đựng dẫn tới trung khu điều hoà thân nhiệt bị rối loạn và mất kiểm soát. Say nóng nếu phát triển thành say nắng sẽ được gọi là sốc nhiệt.

Thông thường say nắng sẽ xảy ra nếu thân nhiệt vượt trên 41 độ C khiến các hoạt động của cơ quan thần kinh, hệ thống tuần hoàn và nội tạng bị rối loạn.

Chuyên gia hướng dẫn đối phó với chứng say nóng, say nắng cho trẻ khi phải đến trường trong hè này - Ảnh 2.

Say nắng, say nóng xảy ra khi thân nhiệt trẻ vượt ngưỡng 40 độ C (Ảnh: Internet)

Chia sẻ với báo chí, Bác sĩ Đoàn Thị Hạnh – CKI, Trưởng phòng Khám đa khoa thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh cho biết: "Khi lao động hoặc đi quá lâu ngoài trời nắng, nhiều tia nắng sẽ chiếu thẳng vào vùng cổ gáy làm cho trung tâm điều hòa thân nhiệt cơ thể bị ảnh hưởng, dẫn đến:

- Rối loạn điều hòa thân nhiệt

- Gây mất nước điện giải

- Tăng thẩm thấu máu

- Rối loạn đông máu

- Đông vón protein

- Tổn thương cơ quan đích như tim, não, thận, mắt... 

Đối với trẻ em, hệ thống thần kinh chưa hoàn thiện hết, do đó trung khu điều hòa thân nhiệt dễ tổn thương hơn, khả năng say nóng, say nắng dễ xảy ra hơn."

2. Dấu hiệu nhận biết say nóng, say nắng ở trẻ

Trẻ bị say nóng hoặc say nắng sẽ có một số dấu hiệu nhận biết sau:

- Thân nhiệt tăng lên trên 40 độ C sau khi hoạt động ở bên ngoài môi trường nắng nóng

- Toàn thân bị mệt mỏi

Chuyên gia hướng dẫn đối phó với chứng say nóng, say nắng cho trẻ khi phải đến trường trong hè này - Ảnh 3.

Trẻ mệt mỏi, sốt do say nóng, say nắng (Ảnh: Internet)

- Nhức đầu, hoa mắt, chóng mặt, rối loạn tâm thần

- Bị đau bụng, tiêu chảy

- Buồn nôn và nôn mửa

- Đổ nhiều mồ hôi, da đỏ

- Thở gấp, thở ngắn, tim đập nhanh

Nếu nặng hơn, trẻ có thể rơi vào trạng thái hôn mê và co giật tương tự các cơn động kinh. Ngoài ra trẻ bị say nóng, say nắng có thể gặp phải tình trạng xuất huyết như chảy máu mũi, bị nôn ra máu, xuất hiện các nốt ban do bị rối loạn đông máu hay hội chứng đông máu rải rác trong lòng mạch.

3. Sơ cứu khi trẻ bị say nóng, say nắng

Khi phát hiện trẻ bị say nóng, say nắng, cha mẹ/người lớn cần phải làm gì?

Theo bác sĩ Hạnh, trẻ bị say nóng, say nắng cần phải được phát hiện và sơ cứu kịp thời, đề phòng biến chứng nguy hại tới sức khoẻ của trẻ. Bác sĩ cũng nói thêm: "Khi phát hiện trẻ có các dấu hiệu say nóng, say nắng cần nhanh chóng thực hiện các bước sơ cứu ban đầu: 

- Đưa trẻ vào chỗ mát, thoáng khí

- Cởi bỏ quần áo và phun hoặc lau nước mát khắp người

- Sử dụng quạt tốc độ lớn

- Đặt trẻ ở tư thế nằm nghiêng

- Đắp khăn lạnh vào nách, bẹn, cổ, khuỷu tay

- Ngâm cả cẳng tay và bàn tay vào nước mát

- Cho trẻ uống nước đường nhạt pha thêm ít muối hoặc uống nước oresol

- Chuyển trẻ đến cơ sở y tế và tiếp tục theo dõi 24 giờ."

4. Phòng tránh say nóng, say nắng ở trẻ khi phải đến trường trong hè này

Để phòng ngừa say nóng, say nắng cho trẻ khi phải đến trường trong hè này, đặc biệt là thời điểm từ 11h-13h (thời gian trẻ tan học buổi sáng và tới trường vào buổi chiều), các bậc phụ huynh cần phải hết sức lưu ý khi che chắn ánh nắng trực tiếp chiếu vào cơ thể và bổ sung nước uống đầy đủ cho trẻ.

Cụ thể, bác sĩ Hạnh cho lời khuyên như sau:

- Hạn chế việc ra ngoài khi trời nắng nóng. Khi đưa trẻ tới trường vào giờ cao điểm, cha mẹ cần cho trẻ mặc quần áo, đeo khẩu trang, mang mũ nón đầy đủ che kín cơ thể. Nên ưu tiên chọn quần áo rộng rãi, thoáng mát, có khả năng thoát mồ hôi cao, màu sáng và cho trẻ đội thêm mũ rộng vành bên cạnh mũ bảo hiểm.

Chuyên gia hướng dẫn đối phó với chứng say nóng, say nắng cho trẻ khi phải đến trường trong hè này - Ảnh 4.

Che chắn cẩn thận khi đưa trẻ đi học (Ảnh: Internet)

- Cho trẻ uống đủ nước, kể cả khi trẻ nói không khát, đảm bảo uống từ 1,5-2l nước một ngày. Khi cho trẻ uống nước, cha mẹ có thể thêm một chút muối loãng hoăck dung dịch oresol; ngoài ra có thể uống thêm nước trái cây, hạn chế uống nước ngọt có ga. 

Lưu ý khi cho bé uống nước, không uống ngụm lớn, nên chia thành từng ngụm nhỏ một, uống thành nhiều thời gian trong ngày.

- Cho trẻ ăn đồ mát, các loại rau củ quả giàu Kali như rau đay, rau mùng tơi hay cà chua, rau má,...

- Quan sát màu nước tiểu của trẻ, nếu như nước tiểu ngả màu vàng sẫm, nghĩa là trẻ đang bị mất nước

- Môi trường học cần đảm bảo thoáng khí, có điều hoà, quạt mát

- Khi đưa trẻ đến trường đi học, không được để trẻ trong xe ô tô đang dừng và tắt máy, đặc biệt là khoảng thời gian nắng nóng vì có thể khiến trẻ gặp nguy hiểm.

Ngoài ra các bậc phụ huynh nên giáo dục trẻ về các biện pháp phòng chống say nóng, say nắng bên cạnh việc hướng dẫn phòng tránh COVID-19.


Tác giả: Anh Dũng