Chuyên gia hướng dẫn các phương pháp dự phòng sau lũ mà người dân cần ghi nhớ

Chuyên gia hướng dẫn các phương pháp dự phòng sau lũ mà người dân cần ghi nhớ
Điều kiện sinh hoạt thiếu thốn, nguồn nước bị ô nhiễm là những nguyên nhân có thể khiến dịch bệnh sau lũ bùng phát. TS. BS Nguyễn Bạch Đằng đã chỉ ra những nguyên tắc dự phòng sau lũ mà người dân cần chú ý.

TS.Bác sĩ Nguyễn Bạch Đằng chuyên ngành Nội tiêu hóa cho biết, sau lũ, điều kiện vệ sinh kém, các gia đình bị thiếu nước sạch và nguồn nước bị ô nhiễm gây ra các nhiễm trùng đường tiêu hóa chứ tiêu chảy cấp, các bệnh do phẩy khuẩn tả gây ra.

Hơn nữa, đa số các nhiễm trùng gây tiêu chảy cấp lây truyền qua đường phân - tay - miệng, qua nước và thức ăn nhiễm bẩn.

Dưới đây là 3 điều mà người dân cần nhớ để dự phòng sau lũ:

1. Đảm bảo vệ sinh ăn uống

TS.Bs Đằng cho biết, việc ăn uống sau mưa lũ cần đảm bảo công tác vệ sinh, quan trọng nhất là ăn chín uống sôi. 

Chuyên gia hướng dẫn các phương pháp dự phòng sau lũ mà người dân cần ghi nhớ - Ảnh 2.

Ngoài ra cần chú ý tới các vấn đề như:

- Rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng hay dung dịch sát khuẩn trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh

- Làm sạch dụng cụ ăn uống như bát, đũa, thìa. Sau khi rửa sạch thì cần để ở nơi khô ráo

- Với thức ăn đã nấu chín thì cần bảo quản bằng cách đậy trong lồng bàn kín, tủ để tránh ruồi, bọ hay bị bụi bám vào có thể gây nhiễm khuẩn.

2. Đảm bảo nguồn nước sinh hoạt PHẢI SẠCH và TRONG

Nếu như chưa được cấp nước sạch kịp thời, người dân có thể hứng nước mưa để nấu nước uống hay dùng để nấu ăn.

Với trường hợp bắt buộc phải lấy nước sông, hồ hay ở ao, kênh thì bắt buộc phải được làm trong và khử khuẩn rồi mới sử dụng. Bác sĩ gợi ý có thể dùng phèn chua hay viên cloramin B có tác dụng khử khuẩn, làm sạch nước rồi mới dùng.

Chuyên gia hướng dẫn các phương pháp dự phòng sau lũ mà người dân cần ghi nhớ - Ảnh 3.

Lưu ý rằng, kể cả nước đã được khử khuẩn dùng thay cho nước sinh hoạt TẠM THỜI thì vẫn phải đun sôi rồi mới uống.

Đồng quan điểm với bác sĩ Đằng, TS Trần Tuyết Hạnh (Giảng viên trường Đại Học Y học Dự phòng) chia sẻ trên trang cá nhân (facebook) về cách làm sạch nước khi người dân vùng lũ không tiếp cận được với nguồn nước sạch như sau:

"Dùng 1 gam (khoảng 1 thìa con, thìa cà phê) phèn tán nhỏ, hoà vào 1 bát nước rồi đổ dần vào thùng nước lũ 20 lít, khuấy đều. Bạn sẽ thấy khi cho phèn chua vào thùng nước lũ đang đục ngầu thì nước sẽ trong veo trong mấy phút. Đợi khoảng 30 phút bạn gạn lấy nước trong. 

Sau đó dùng 1 viên Aquatabs cho vào 20 lít nước trong vừa đánh phèn xong và chờ 30 phút để cho viên Aquatabs này tan ra hết để khử khuẩn. Nếu không có viên này thì bạn dùng 1 viên Cloramin B 250mg để khử khuẩn cũng được (Tuy nhiên 1 viên 250mg dùng cho 25 lít nước, nên nếu thùng 20 lít thì bạn nghiền viên này ra và bớt đi một ít). Như vậy là bạn đã có một thùng nước sạch 20 lít đã khử khuẩn để dùng tạm cho ăn uống, rửa rau, đánh răng, rửa mặt...".

>> Ngoài ra bạn có thể tham khảo thêm các phương pháp khác TẠI ĐÂY.

3. Đảm bảo vệ sinh môi trường

TS.Bs Đằng cho biết, ngay sau khi nước rút xuống thì người dân và các tổ chức cần nhanh chóng tổng vệ sinh nhà cửa và các khu vực ở xung quanh nhà, xung quanh đường làng,... Chú ý thu gom rác thải trôi nổi, cây cối và xác động vật/thực vật đem chốt lấp kĩ, xử lý theo đúng quy trình.

Chuyên gia hướng dẫn các phương pháp dự phòng sau lũ mà người dân cần ghi nhớ - Ảnh 4.

Đặc biệt, với xác động vật đem chôn cần rắc vôi bột lên rồi mới lấp đất.

Mới đây thì Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cũng đã khuyến cáo 8 điều người dân cần thực hiện để đảm bảo sức khỏe và ngăn chặn dịch bệnh.

1. Đảm bảo lựa chọn thực phẩm và chế biến thực phẩm an toàn, hợp vệ sinh, ăn thức ăn nấu chín và nước đun sôi.

2. Thường xuyên rửa tay với xà phòng trước và sau khi chế biến thực phẩm, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.

3. Vệ sinh cá nhân hàng ngày, rửa chân sạch và lau khô các kẽ ngón chân sau khi tiếp xúc với nước lũ, nước bị nhiễm bẩn.

4. Tiêu diệt loăng quăng/bọ gậy, diệt muỗi bằng cách đậy kín các bể, thùng chứa nước, thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, loại bỏ các phế thải như chai, lọ, lốp ô tô… hoặc các hốc nước tự nhiên để không cho muỗi đẻ trứng

5. Mắc màn khi ngủ kể cả ban ngày

6. Thau rửa bể nước, giếng nước, dụng cụ chứa nước và dùng hóa chất để khử trùng nước ăn uống và sinh hoạt theo hướng dẫn của nhân viên y tế

7. Thực hiện nguyên tắc nước rút đến đâu làm vệ sinh đến đấy, thu gom, xử lý và chôn xác xúc vật theo hướng dẫn của nhân viên y tế

8. Khi có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm bệnh, cần đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế gần nhất.


Tác giả: Kim Phụng