Chuyên gia chỉ ra hai sai lầm đáng tiếc khi chẩn đoán và điều trị sốt xuất huyết trong mùa dịch Covid-19

Chuyên gia chỉ ra hai sai lầm đáng tiếc khi chẩn đoán và điều trị sốt xuất huyết trong mùa dịch Covid-19
Nhiều bệnh nhân sốt xuất huyết vì quá lo lắng trước sự lây nhiễm của dịch Covid-19 nên không dám đến bệnh viện khám và điều trị khiến tình trạng bệnh trở nặng, gây nguy hiểm đến tính mạng.

Theo thông tin từ Bộ Y tế, từ đầu năm 2020, cả nước ghi nhận hơn 24.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 58 tỉnh, thành phố, trong đó TP. Hà Nội có 1.422 trường hợp.

Sở Y tế Hà Nội nhận định, trong 2 tháng gần đây, các ổ dịch sốt xuất huyết như Tam Hiệp - Phúc Thọ (182 ca), Khánh Hà - Thường Tín (48 ca), Thanh Thùy - Thanh Oai (44 ca),... diễn biến rất phức tạp và dịch bệnh có xu hướng gia tăng. Đặc biệt, mới đây ngày 24/8, Hà Nội đã ghi nhận ca tử vong do sốt xuất huyết là 1 thiếu niên 17 tuổi.

Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai gần đây đã tiếp nhận và điều trị nhiều trường hợp sốt xuất huyết nặng trên các cơ địa đặc biệt như: bệnh nhân suy tim, suy thận, bệnh phổi mạn tính, phụ nữ có thai… Các trường hợp này nếu không được nhập viện điều trị, bệnh sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng, theo thông tin đăng tải trên báo Sức khỏe đời sống.

2 sai lầm thường gặp khi chẩn đoán và điều trị sốt xuất huyết trong mùa dịch Covid-19

Dưới đây là 2 sai lầm thường gặp trong chẩn đoán và điều trị sốt xuất huyết vào mùa dịch Covid-19 được PGS.TS Đỗ Duy Cường- Giám đốc Trung tâm bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai chỉ ra.

1. Tự ý truyền dịch tại nhà khi mắc sốt xuất huyết do lo sợ lây nhiễm Covid-19

Thông tin từ Bệnh viện Bạch Mai cho biết, cách đây 1 tuần, Khoa Cấp cứu A9 của bệnh viện đã tiếp nhận 1 trường hợp sốt xuất huyết là 1 thiếu niên 17 tuổi bị ngừng tim do sốc khi truyền dịch tại nhà.

Chuyên gia chỉ ra hai sai lầm đáng tiếc khi chẩn đoán và điều trị sốt xuất huyết trong mùa dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Bệnh nhân tự ý truyền dịch tại nhà khi mắc sốt xuất huyết do lo sợ lây nhiễm Covid-19 (Ảnh minh họa: Internet)

Cụ thể, theo một số nguồn tin, sự việc đáng tiếc xảy ra khi bệnh nhân được chẩn đoán mắc sốt xuất huyết nhưng không vào viện điều trị vì sợ lây Covid-19, thay vào đó ở tại nhà truyền dịch. Khi bệnh nhân được đưa đến khoa cấp cứu, tim đã ngừng đập 30 phút. Các bác sĩ tiến hành cấp cứu, ép tim, kết quả tim bệnh nhân đã đập trở lại, sau đó lại ngừng tim lần 2.

Tiếp tục nỗ lực, các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai đã hồi sức tim cho bệnh nhân thành công và đặt ECMO (kỹ thuật tim phổi nhân tạo). Tuy nhiên, do tình trạng bệnh quá nặng, bệnh nhân đã tử vong 2 ngày sau đó do suy đa tạng.

Theo các chuyên gia Y tế, một số bệnh nhân có nguy cơ bị sốc phản vệ khi truyền dịch. Sốc có thể xảy ra tức thì hoặc trong và ngay sau khi tiêm. Biểu hiện là bệnh nhân bắt đầu thấy rét run đột ngột, sốt, nhiệt độ cơ thể có thể lên tới 39 - 40oC hoặc cao hơn, vã mồ hôi, chân tay lạnh, huyết áp tụt, khó thở, nhịp thở nhanh và nông, thở rít, bệnh nhân lo lắng bồn chồn, vật vã, tím toàn thân... Nếu không có các biện pháp xử lý kịp thời bệnh nhân có thể sẽ tử vong rất nhanh.

Nguyên nhân gây sốc phản vệ do cơ địa bệnh nhân mẫn cảm hoặc dị ứng thuốc (dị ứng kháng sinh, thành phần tương tự có trong dịch truyền) hoặc do dụng cụ tiêm truyền không bảo đảm vô trùng, tốc độ truyền quá nhanh.

Do đó, các bác sĩ cảnh báo bệnh nhân nói chung và bệnh nhân sốt xuất huyết nói riêng không nên tự ý truyền dịch tại nhà để tránh các tình huống đáng tiếc xảy ra.

2. Bệnh nhân sốt xuất huyết có yếu tố dịch tễ Covid-19 thường bị nghi nhiễm virus SARS-CoV-2

Trung tâm Bệnh Nhiệt đới cho biết, ngày 16/8 thanh niên 27 tuổi ở Khương Trung, Thanh Xuân, Hà Nội sốt cao liên tục từ 39-40 độ, đau mỏi người. Bệnh nhân có yếu tố dịch tễ đến Đà Nẵng công tác từ ngày 30/7-7/8 nên ban đầu có các bác sĩ đã nghĩ ngay đến Covid-19. Tuy nhiên, khi tiến hành xét nghiệm PCR, bệnh nhân có kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2.

Trong khi đó, xét nghiệm công thức máu thấy tiểu cầu hạ, kèm da xung huyết đỏ, lúc này xét nghiệm test Dengue NS1 dương tính. Các bác sĩ kết luận bệnh nhân mắc sốt xuất huyết và tiến hành đúng phác đồ điều trị, hiện sau 4 ngày tình trạng bệnh nhân đã ổn định.

Do đó, trước nguy cơ “dịch chồng dịch” (COVID-19 và sốt xuất huyết) PGS.TS. Đỗ Duy Cường khuyến cáo nhân viên y tế cần hết sức thận trọng khi chẩn đoán và điều trị bệnh.

Chuyên gia chỉ ra hai sai lầm đáng tiếc khi chẩn đoán và điều trị sốt xuất huyết trong mùa dịch Covid-19 - Ảnh 2.

PGS.TS. Đỗ Duy Cường khuyến cáo nhân viên y tế cần hết sức thận trọng khi chẩn đoán và điều trị bệnh (Ảnh: BCVV)

Nhận biết dấu hiệu điển hình của sốt xuất huyết

Báo Sức khỏe đời sống dẫn lời PGS.TS. Đỗ Duy Cường cho biết, sốt xuất huyết và COVID-19 đều là các bệnh truyền nhiễm do virus gây ra với các biểu hiện ban đầu giống nhau, có thể gây nhầm lẫn như: biểu hiện sốt cao, đau đầu, đau mỏi người.

Tuy nhiên, sốt xuất huyết điển hình có biểu hiện da xung huyết, mặt và củng mạc mắt đỏ, nặng hơn có xuất huyết hoặc dẫn đến sốc do máu bị cô đặc. Còn đối với bệnh nhân mắc COVID-19, ngoài sốt cao, mệt mỏi thì còn có biểu hiện viêm đường hô hấp như ho, khó thở, ngạt mũi,… nặng sẽ có biểu hiện viêm phổi và suy hô hấp.

Khi có một trong những biểu hiện trên, người dân nên đến bệnh viện hoặc các cơ sở y tế để được xét nghiệm chẩn đoán và điều trị, tuyệt đối không được tự ý theo dõi và truyền dịch tại nhà.

Tác giả: Trang Lê