Về vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng – Nguyên trưởng khoa Nhi – Bệnh viện Bạch Mai.
PV: Thưa BS, BS có thể cho biết hen phế quản là gì? Nguyên nhân nào dẫn đến hen phế quản?
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng: Bệnh hen phế quản được xếp vào nhóm bệnh hô hấp do miễn dịch dị ứng chứ không phải bệnh lây nhiễm như nhiều người vẫn nghĩ. Nó là miễn dịch dị ứng nên nguyên nhân thường do hít phải các dị nguyên. Những người hen khi hít phải các phấn hoa hay hít phải các mùi đặc trưng như nước hoa, thuốc xịt phòng, khói xăng, khói thuốc lá, khói bếp, khói từ các nhà máy thải ra, trong vòng 30 phút đến 1 tiếng sẽ bị khó thở, làm cho phế quản co thắt lại. Từ đó làm hẹp đường thở khiến bệnh nhân thở ra và hít vào khó. Những người nặng sẽ dẫn tới thiếu oxy mà mệt mỏi.
Hen có thể xảy ra ở trẻ em, người lớn, người cao tuổi. Nó không loại trừ ai cả phụ nữ lẫn nam giới thậm chí cả phụ nữ có thai cũng có thể bị hen.
PV: Hen phế quản ở trẻ em có gì khác so với người lớn?
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng: Bệnh hen được coi là bệnh mãn tính, có thể xảy ra suốt cả cuộc đời. Tuy nhiên ở trẻ em có những cái khác với người lớn.
Ở trẻ em nếu hen phế quản được phát hiện sớm, chữa tốt thì đại bộ phận có thể khỏi. Chúng tôi cố gắng chữa từ lúc còn nhỏ đến lúc 12 tuổi là phải khỏi. CÒn từ 12 tuổi trở lên thì khả năng khỏi khó hơn rất nhiều.
Còn ở người lớn rất khó khỏi. Nên ở người lớn có khái niệm là bệnh hen không chữa được, nhưng có thể chữa ổn định và kiểm soát được. Kiểm soát có nghĩa là, khi mắc hen nhưng kiểm soát được thì người bệnh có thể có cuộc sống bình thường như không có bệnh hen.
PV: Triệu chứng hen phế quản như thế nào thưa BS?
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng: Triệu chứng của hen phế quản ở trẻ con và người lớn cũng có điểm khác nhau.
Điểm giống nhau: đều ho, khò khè, khó thở, nặng ngực hay xảy về đêm và gần sáng hoặc xảy ra khi gắng sức, tiếp xúc với dị nguyên.
Điểm khác nhau: mức độ từng triệu chứng ở trẻ em có điểm khác. Ở trẻ em thì quan trọng là dấu hiệu khò khè. Còn người lớn triệu chứng ho là quan trọng.
PV: Điều trị hen phế quản như thế nào? Và nếu không được điều trị đúng cách có thể gây ra hệ lụy ra sao?
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng: Về mục đích điều trị, khi đang có cơn cấp thì phải điều trị để làm mất cơn cấp. Sau khi hết cơn cấp nhiều người cảm giác như không có bệnh nhưng kỳ thực không phải. Tất cả trẻ em và người lớn sau cơn cấp phải điều trị dự phòng kiểm soát hen hay gọi là dự phòng cơn hen tái phát, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh.
Bởi nếu không tiếp tục dùng thuốc, không tiếp tục chữa dự phòng thì sức khỏe sẽ yếu, dễ mất sức (ví dụ không thể đi bộ dài được, không thể chạy nhanh, leo cầu thang, việc học tập, làm việc cũng giảm sút).
PV: Vào mùa lạnh sẽ ảnh hưởng ra sao đến tình trạng hen phế quản ở trẻ?
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng: Một số người khi thay đổi thời tiết hay lên cơn hen, chỉ cần mưa, lạnh, sương mù đề dễ lên cơn hen. Thời tiết chúng ta không thể thay đổi nhưng cần chuẩn bị thuốc, giữ ấm cơ thể, đeo khẩu trang để chống không khí ô nhiễm, hay các mùi gây khó chịu).
PV: Khi trẻ lên cơn hen thì cha mẹ nên xử trí ra sao?
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng: Phụ huynh nên cho trẻ theo dõi sức khỏe dài hạn tại một cơ sở y tế hoặc một bác sĩ nào đó. Trên thế giới, những người nghiên cứu và điều trị hen đều họp để trao đổi kinh nghiệm. Việt Nam hiện cũng đầy đủ các loại thuốc điều trị hen. Vấn đề là người bệnh nên tuân thủ theo khuyến cáo của bác sĩ và đi khám định kỳ. Nhà nước ta hiện đã có chương trình quản lý các bệnh không lây nhiễm trong đó có bệnh hen. Năm nào chúng tôi cũng đi khắp các tỉnh để trao đổi kinh nghiệm mới nhất cho các bác sĩ tại địa phương.
PV: Vậy Bác sĩ có khuyến cáo gì đối với những bệnh nhân hen?
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng: Tất cả phác đồ điều trị, tài liệu về bệnh hen được Bộ y tế phê duyệt chúng tôi đều đăng tải trên mạng. Khi bệnh nhân và người nhà tìm hiểu cần tìm đúng nguồn của Bộ y tế. Tuyệt đối không thực hiện theo các phương pháp truyền miệng, các mẹo trên mạng không có cơ sở khoa học vì có thể làm tình trạng hen nặng thêm.
PV: Trân trọng cảm ơn Bác sĩ./.