Chuyên gia cảnh báo về nguy cơ lây nhiễm Covid-19 từ Campuchia

Chuyên gia cảnh báo về nguy cơ lây nhiễm Covid-19 từ Campuchia
Gần đây, số ca mắc mới Covid-19 tại Campuchia tăng vọt lên 3 con số mỗi ngày. Điều này tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh xâm nhập qua đường biên giới vào Việt Nam.

Cuối tháng 3, Việt Nam đã ghi nhận một số trường hợp nhập cảnh trái phép bằng đường thủy từ biên giới phía Tây Nam. Điều đó cho thấy nguy cơ lây nhiễm Covid-19 vào nước ta là hiện hữu.

PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng Sự kiện y tế công cộng Bộ Y tế nhận định nguy cơ lây nhiễm Covid-19 từ Campuchia vào nước ta là ở mức cao. Lý do vì người Việt giao thương, đi lại, sinh sống ở Campuchia rất nhiều. Số người nhập cảnh (kể cả hợp pháp và bất hợp pháp) cũng nhiều.

Trong khi đó, đường biên giới giữa hai nước trên đất liền rất dài, ngoài ra còn có đường hàng không và đường biển. Trong đó, đường biển rất khó kiểm soát.

Chuyên gia cảnh báo về nguy cơ lây nhiễm Covid-19 từ Campuchia - Ảnh 1.

PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng Sự kiện y tế công cộng Bộ Y tế.

"Tình hình ở Phnompenh đang rất căng thẳng. Campuchia chưa kiểm soát được dịch bệnh. Việt Nam với tỷ lệ tiêm vắc xin Covid-19 chưa cao, nếu để lọt ca bệnh vào thì sẽ dễ bùng phát thành dịch", TS Phu nhấn mạnh.

Vì thế, ông cho rằng Việt Nam cần tăng cường kiểm soát người nhập cảnh tại các cửa khẩu, rà soát đường mòn lối mở, đặc biệt là đường biển, thực hiện nghiêm các quy định về cách ly đối với người nhập cảnh. Nếu không dịch sẽ bùng phát trở lại. Người dân có người thân ở nước ngoài nếu về nước thì nên nhập cảnh theo con đường chính ngạch, để được cách ly, xét nghiệm. Đồng thời, nếu phát hiện tại khu vực mình sinh sống có người nhập cảnh trái phép cũng cần thông báo cho chính quyền địa phương.

Theo Cục Quân Y, Bộ Quốc Phòng, người vượt biên trái phép ở khu vực các tỉnh biên giới phía Tây Nam cũng khoảng 100 trường hợp/ngày. Ngoài kiểm soát tuyến biên giới đường bộ, lực lượng quân đội còn phải kiểm soát cả tuyến biên giới trên biển. Gần đây có hiện tượng các tàu cá đã đưa người nhập cảnh trái phép và đã đi sâu vào đất liền, trong số này đã có trường hợp dương tính với SARS-CoV-2.

Trước đó Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cũng đã bày tỏ lo ngại có thể xuất hiện đợt dịch thứ 4, nguy cơ này ở mức cao và mang tính hiện hữu. Lý do vì tình hình dịch trên thế giới, cả nước trong khu vực như Myanmar, Campuchia… còn phức tạp. Trong khi đó, nước ta có đường biên trải dài, rộng. Tại biên giới Tây Nam gần như không có đường biên, chỉ có cột mốc trên cánh đồng. Quản lý xuất nhập cảnh đường biển hết sức khó khăn. Việc nhập cảnh trái phép diễn ra phức tạp.

Chuyên gia cảnh báo về nguy cơ lây nhiễm Covid-19 từ Campuchia - Ảnh 3.

Gần đây, nước ta ghi nhận nhiều ca mắc Covid-19 là người nhập cảnh.

Theo các chuyên gia, trước tình hình dịch bệnh phức tạp trong khu vực và thế giới, các địa phương phải tăng cường tuyên truyền và bằng mọi giá phải ngăn chặn tình trạng nhập nhập cảnh trái phép. Chính quyền địa phương để xảy ra tình trạng nhập cảnh trái phép phải chịu trách nhiệm. Các cơ quan chức năng tiến hành điều tra, truy tố, xét xử nghiêm các đối tượng vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mới đây cảnh báo, Campuchia đang trên bờ vực "thảm kịch quốc gia" do đại dịch Covid-19. "Nếu không ngăn chặn được dịch bệnh, hệ thống y tế của Campuchia rất có nguy cơ quá tải và sẽ gây ra những hệ lụy lớn", đại diện của WHO tại Campuchia Li Ailan cảnh báo.

Đến nay, Campuchia ghi nhận hơn 4.500 ca mắc Covid-19, trong đó hơn 2.200 ca đã phục hồi, 30 người tử vong. Riêng ngày 12/4, Campuchia ghi nhận 277 ca mắc mới, trong đó 204 ca ở thủ đô Phnom Penh.

Trong hai tuần qua, virus corona đã lây lan mạnh trong các nhà hàng, chợ dân sinh và các cơ sở kinh doanh nhỏ hoặc từ các cuộc tụ tập, tiệc tùng ở Phnom Penh. Để đối phó với tình trạng này, chính quyền Phnom Penh đã áp lệnh cấm ăn uống tại nhà hàng, cấm kinh doanh đồ uống có cồn trong vòng 2 tuần. Ngoài ra, Phnom Penh cũng phong tỏa một phần thành phố.

Từ cuối tháng 3 đến nay, nước ta không ghi nhận ca mắc Covid-19 ngoài cộng động. Số ca bệnh tăng lên trong thời gian gần đây đều là người nhập cảnh, trong đó ngày nhiều nhất là có 15 ca dương tính.

10 tỉnh, thành phố (Hòa Bình, Điện Biên, Hà Giang, Bình Dương, Hưng Yên, Bắc Giang, Gia Lai, Bắc Ninh, Quảng Ninh và TP. Hồ Chí Minh) đã tròn 2 tháng không ghi nhận ca mắc Covid-19 ngoài cộng đồng. Hà Nội đã 57 ngày và Hải Phòng 50 ngày, Hải Dương đã 20 ngày không có ca lây nhiễm Covid-19 ngoài cộng đồng.

Để sống chung an toàn với đại dịch Covid-19, người dân cần tuân thủ thực hiện nguyên tắc 5K của Bộ Y tế: Khẩu trang; Khử khuẩn; Khoảng cách; Không tụ tập và Khai báo y tế.


Tác giả: DT