PGS.TS Nguyễn Huy Nga cho hay, việc có vắc xin phòng bệnh Covid-19 sẽ có ý nghĩa rất lớn trong công tác phòng chống dịch bệnh. Tuy nhiên, dù có vắc xin chúng ta cũng không nên ỉ lại đã tiêm vắc xin rồi mà lơ là các biện pháp phòng bệnh khác như khuyến cáo 5k của Bộ Y tế.
Đối với các bệnh truyền nhiễm khác, ví dụ như cúm tiêm vắc xin vẫn có thể nhiễm ở mức nhẹ và vẫn lây truyền bệnh cho người khác. Do đó, dù đã tiêm vắc xin Covid-19 mọi người vẫn cần phải mang khẩu trang, giữa khoảng cắt để cắt đứt con đường lây lan của virus.
Tiêm vắc xin vẫn phải duy trì các biện pháp phòng bệnh Covid-19, ảnh minh hoạ.
Ngoài ra, vắc xin chỉ có hiệu quả đối với những bệnh do vi khuẩn hay virus có cấu trúc gene ( ADN) ổn định, không thay đổi hoặc thay đổi qua một thời gian rất dài.
SARS-CoV-2 là virus RNA, sợi đơn, dương, có vỏ có tỷ lệ đột biến cao hơn các virus DNA, dẫn đến trong quá trình bộ gen của virus sao chép có một số các sai khác của bộ gen virus được tạo ra. Điều này sẽ tạo ra một quần thể virus có bộ gen đa dạng. Với mỗi chu kỳ nhân lên của virus, sự khác biệt tích lũy giữa bộ gen virus ban đầu và bộ gen virus con cháu.
"Việc xuất hiện nhiều biến chủng sẽ làm giảm đi hiệu quả của vắc xin. Thêm nữa hiệu quả của việc tiêm vắc xin còn phụ thuộc rất nhiều vào việc bảo quản, quy trình và kỹ thuật tiêm có đúng hay không. Đối với tất cả các bệnh truyền nhiễm nói chung và Covid-19 nói riêng vắc xin dù tốt đến đâu cũng chỉ đặt được 80% hiệu lực bảo vệ", TS. Huy Nga nói.
Trả lời câu hỏi khi có vắc xin, nhiều người được tiêm sẽ tạo ra miễn dịch cộng đồng sẽ là ngày tàn của bệnh Covid-19? PGS Huy Nga cho hay, hiện nay, rất khó có thể trả lời có vắc xin virus SARS-CoV-2 sẽ biến mất. Các nhà khoa học đã đưa ra dự đoán rất khó thể virus SARS-CoV-2 sẽ biến đổi thành chủng cúm mùa sống chung với con người.
Trước đó, vào sáng 24/2, chuyến bay mang 117.000 liều vắc xin COVID-19 đầu tiên của AstraZeneca đã hạ cánh tại sân bay Tân Sơn Nhất, thành phố Hồ Chí Minh.
Theo như lộ trình cung cứng vắc xin: Quý 1, dự kiến có 1,3 triệu liều, trong đó 117.000 liều đã về ngày 24/2, số còn lại về trong tháng 3; Quý 2 dự kiến có 9,5 triệu liều và Quý 3 có 25,9 triệu liều; Quý 4 có 51,1 triệu liều. Như vậy tổng số là 90 triệu liều.
Người dân cần biết hiện nay đã có 117.600 liều vaccine Covid-19 đầu tiên về Việt Nam.
Vắc xin của AstraZeneca đã được chứng minh là dung nạp tốt và hiệu quả trong việc ngăn ngừa COVID-19 có biểu hiện triệu chứng. Sau khi tiêm liều đầu tiên, vắc xin có hiệu lực bảo vệ 76% trong 90 ngày và hiệu lực bảo vệ không suy giảm đáng kể trong khoảng thời gian này. Hiệu lực vắc xin sau khi tiêm nhắc liều thứ hai đạt được cao hơn nếu kéo dài khoảng cách so với liều 1, đạt 81% khi khoảng cách giữa hai liều tiêm kéo dài đến 12 tuần trở lên.
Vắc xin COVID-19 AstraZeneca có thể được lưu trữ, vận chuyển và xử lý ở điều kiện lạnh thông thường (2-8oC) trong ít nhất sáu tháng, cho phép sử dụng dễ dàng trong điều kiện cơ sở y tế hiện có.
NM