Chuyên gia cảnh báo người dân đổ xô đi mua máy đo nồng độ oxy bão hòa trong máu là "không cần thiết"

Chuyên gia cảnh báo người dân đổ xô đi mua máy đo nồng độ oxy bão hòa trong máu là "không cần thiết"
Thiết bị đo nồng độ oxy bão hòa trong máu nên ưu tiên sử dụng cho nhân viên y tế đang làm việc tại các bệnh viện cho bệnh nhân covid-19 điều trị, việc người dân tự ý đi mua để dùng tại nhà vừa không cần thiết và chỉ số đo sẽ không chính xác nếu không biết cách sử dụng.

Diễn biến dịch covid-19 ngày càng phức tạp, số ca nhiễm ngày càng tăng, do vậy nhiều người dân tâm lý hoang mang lo lắng đã đổ xô đi tìm mua các thiết bị theo dõi triệu chứng nặng, trong đó có máy đo nồng độ oxy bão hòa trong máu hay còn gọi là Sp02.

1. Máy đo nồng độ oxy bão hòa trong máu là gì?

Sp02 được xem là 1 trong 5 dấu hiệu bên cạch các chỉ số mạch, nhiệt độ, huyết áp và nhịp thở. Đối với người khỏe mạnh không gặp vấn đề về sức khỏe thường có chỉ số nồng độ oxy bão hòa trong máu là 95-100%. Chỉ số này giảm khi bị bệnh cần được xem xét điều trị nếu dưới 90%.

Việc người dân tự ý đi mua các thiết bị đo nồng độ oxy bão hòa trong máu tiềm ẩn nhiều nguy hiểm mặc dù không thể phụ nhận những công dụng của thiết bị này.

Chuyên gia cảnh báo người dân đổ xô đi mua máy đo nồng độ oxy bão hòa trong máu là "không cần thiết" - Ảnh 2.

Cảnh báo về việc người dân tự ý đi mua máy đo nồng độ oxy trong máu - Ảnh: Internet

Đọc thêm:

Người dân TP HCM đổ xô đi mua máy thở oxy: Chuyên gia nói không cần thiết

Lo ngại máy thở bị lạm dụng, góp phần gây tỉ lệ tử vong cao

Trước đó, Tiến sĩ Nguyễn Thu Anh, Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcock, Đại học Sydney cho hay, thiết bị đo nồng độ oxy bão hòa trong máu có 2 loại: dùng trong bệnh viện và loại dùng ở nhà. Nếu dùng ở nhà, người sử dụng cần biết cách sử dụng, dùng kẹp tay phải mua máy có nguồn gốc và đo ở trạng thái nghỉ ngơi và đặt dưới tim. Thiết bị này thường bị sai số khi đang ở trạng thái lo âu. Điều này xảy ra một nghịch lý đó là nếu F0 tự điều trị tại nhà mà đo nhiều lần trong ngày sẽ ảnh hưởng đến chỉ số, càng gây ra tâm lý hoang mang, lo lắng và tăng nặng mức độ stress.

TS.BS. Đỗ Thiện Hải, Trưởng Khoa Nội tổng quát (Truyền nhiễm), Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: "Máy đo bão hòa oxy trong máu mini tôi dùng trong vụ dịch cúm 2009. Nhược điểm của máy đo kẹp tay là chỉ số sai cao và phụ thuộc vào pin. Theo sinh lý của cơ thể luôn có một cơ chế hoạt động bù trừ. Khi cơ thể thiếu oxy ở mức độ nhẹ, cơ thể có thể tự bù trừ và khi đó không thể phát hiện được ra.

2. Chuyên gia khuyến cáo việc mua thiết bị đo nồng độ oxy bão hòa trong máu nên ưu tiên cho nhân viên y tế

Quan điểm của Bác sĩ Nguyễn Hồng Hà, nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Phó chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam cho rằng, thiết bị này tiện lợi nhưng trong bối cảnh hiện nay thì nên dùng cho nhân viên y tế để áp dụng cho các ca bệnh đang điều trị hoặc cách ly tại bệnh viện, bệnh viện dã chiến. Trong trường hợp F0 cách ly tại bệnh viện dã chiến không có nhiều điều kiện, nhân viên y tế dùng thiết bị này có thể đánh giá bệnh nhân có đang chuyển biến nặng hay không.

Việc người dân đổ xô đi mua sẽ tạo thành làn sóng sốt giả, gây hoang mang cho cộng đồng, đặc biệt là thiếu thốn trang thiết bị cho những người thật sự cần hỗ trợ. Đặc biệt khi dùng máy đo tại nhà không đúng sẽ dẫn đến tâm lý hoảng loạn không đáng có, làm ảnh hưởng đến tâm lý phòng dịch của người dân.

Chuyên gia cảnh báo người dân đổ xô đi mua máy đo nồng độ oxy bão hòa trong máu là "không cần thiết" - Ảnh 3.

Việc mua thiết bị này được cho là không cần thiết, nên ưu tiên cho nhân viên y tế đang điều trị cho bệnh nhân Covid-19 - Ảnh: Internet

3. Lời khuyên cho người dân về việc tự ý sử dụng các loại thiết bị và thuốc tự điều trị trong thời gian cách ly tại nhà

- Không tự ý đổ xô đi mua các thiết bị không cần thiết, tránh gây quá tải các thiết bị y tế, chỉ sử dụng cho những đối tượng thật sự cần thiết

- Người dân không nên tự tìm mua các loại thuốc điều trị chưa được kiểm chứng giống như thuốc điều trị của Mỹ từng gây ra làn sóng hoang mang trong một bộ phận cư dân

- Không nên tích trữ thuốc, trong gia đình chỉ nên có các loại thuốc Hạ sốt (dành cho người lớn và trẻ nhỏ); nước muối sinh lý, dung dịch bù nước để phòng cho các trường hợp F0 tự điều trị tại nhà

- Trường hợp F0 tự điều trị tại nhà nếu chưa có triệu chứng có thể theo dõi và tiếp tục thực hiện hướng dẫn điều trị của nhân viên y tế. Nếu bệnh nhân f0 có biểu hiện sốt, ngủ li bì, tay chân yếu, thở khó, hụt hơi, ý thức mất dần...cần liên hệ ngay với nhân viên y tế để được hướng dẫn điều trị và xử lý kịp thời.

- Đối với người dân đang thực hiện cách ly tại nhà (chưa nhiễm bệnh) không nên lo lắng, tuân thủ các biện pháp phòng dịch, hạn chế ra ngoài khi không cần thiết, thường xuyên súc miệng bằng nước muối, vệ sinh mũi họng sạch sẽ, tăng cường vitamin C và các loại trái cây để tăng cường sức đề kháng, đồng thời tập luyện để đẩy lùi cảm giác lo lắng và stress do dịch bệnh.


Tác giả: Minh Ngọc