Chuyên gia cảnh báo: Chữa nghẹt mũi bằng nước ép tỏi cho trẻ có thể gây hoại tử niêm mạc mũi

Chuyên gia cảnh báo: Chữa nghẹt mũi bằng nước ép tỏi cho trẻ có thể gây hoại tử niêm mạc mũi
Chữa nghẹt mũi bằng nước ép tỏi được nhiều phụ huynh áp dụng trong những thời điểm thời tiết giao mùa. Đây hoàn toàn là phương pháp sai lầm ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của trẻ nhỏ.

1. Bỏng niêm mạc mũi vì mẹ chữa nghẹt mũi bằng nước ép tỏi

Thời tiết chuyển mùa, mẹ của bé Nguyễn A.V - 13 tháng tuổi, sống tại Hoàng Mai, Hà Nội thấy con bị ngạt mũi, chảy nhiều nước mũi, chị đã nhỏ tinh dầu tỏi vào mũi bé để trị bệnh.

Phương pháp này được chị tham khảo tại một nhóm chia sẻ cách nuôi con trên mạng xã hội. Chỉ cần lấy tỏi băm nhuyễn cho vào tấm vải xô, nén chặt lấy nước rồi nhỏ trực tiếp vào mũi của trẻ, ngạt mũi, viêm mũi sẽ biến mất.

Điều không may, sau khi nhỏ tinh dầu tỏi, cháu A.V liên tục quấy khóc. Sáng ngày hôm sau, mẹ của bé thấy mũi con phù nề, cuống mũi sưng đỏ, vì vậy đã đưa ngay vào bệnh viện để khám chữa.

Giải thích về vấn đề này, chuyên gia tai mũi họng PGS Nguyễn Thị Hoài An - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa An Việt cho biết: “Rất nhiều bé bị bỏng niêm mạc mũi do sai lầm của mẹ nhỏ nước tỏi khi con bị ngạt mũi. Đây là bài thuốc dân gian được truyền miệng nhau, người ta thường lấy tỏi vắt ra nước hoặc pha với nước ấm để nhỏ mũi, xông mũi, chữa xoang. Tuy nhiên đến nay, y học hiện đại chưa ghi nhận bất cứ công trình nghiên cứu nào về quy trình điều trị khoa học và liều lượng cụ thể khi sử dụng phương pháp này”.

Nhiều cha mẹ vẫn chữa nghẹt mũi bằng nước ép tỏi cho trẻ, chuyên gia nói gì? - Ảnh 1.

Bỏng niêm mạc mũi vì mẹ chữa nghẹt mũi bằng nước ép tỏi- Ảnh minh họa

Cách đây ít ngày, bác sĩ Hoài An cũng xử lý trường hợp tương tự cho bé nhà chị Đỗ Thanh Hà - Hà Nội vì mẹ lên mạng học cách nghiền tỏi ra pha với nước muối sinh lý rồi nhỏ vào mũi con. Sau khoảng 30 phút mẹ bé lấy dụng cụ hút dịch mũi ra thì thấy bé quấy khóc không ngừng. Chị Hà phát hiện khoang mũi của bé tấy đỏ, niêm mạc hai bên sưng bất thường, hai cánh mũi cũng phù nề bịt kín đường thở. Chị nhanh chóng mang bé tới bệnh viện và được bác sĩ chẩn đoán bỏng niêm mạc mũi vì sức nóng, cay từ tỏi.

2. Hoại tử, viêm phổi nếu không chữa trị kịp thời

PGS.BS Nguyễn Thị Hoài An cho biết, trong tỏi có chứa nhiều chất allicin có thể tiêu diệt nấm và vi trùng. Sử dụng tỏi hằng ngày giúp dự phòng cảm cúm và các bệnh do vi khuẩn, virus gây ra. Tuy nhiên, đối tượng sử dụng là trẻ em, lớp niêm mạc bảo vệ rất mỏng không thể chịu được nước tỏi đậm đặc có tính cay nóng.

Hơn thế nữa. nếu không phát hiện điều trị sớm, nước tỏi sẽ gây bỏng rộp niêm mạc mũi dẫn đến hoại tử khoang mũi. Đồng thời, việc khó thở bằng mũi khiến trẻ phải hô hấp bằng miệng, không khí lạnh sẽ tràn vào khoang phổi, nguy cơ gây viêm phổi, viêm họng cực kỳ lớn.

3. Cảnh giác với những bài thuốc truyền miệng

Thời tiết thay đổi, không riêng trẻ em mà người lớn có nguy cơ mắc các bệnh viêm mũi, viêm họng rất cao, họ thường tìm đến các phương pháp điều trị như chữa truyền miệng hoặc các loại thực phẩm chức năng, được quảng cáo sẽ khỏi ngay sau một liệu trình, đơn giản và dễ sử dụng.

Hiểu sai thực phẩm chức năng có thể thay thế thuốc chữa bệnh thực sự gây ra hiệu quả nghiêm trọng. Ngoài ra, các bài thuốc chữa viêm mũi trong dân gian như nhỏ tinh dầu vào mũi, xông mũi bằng thuốc đông y, trộn tỏi vào lọ nước muối sinh lý… để chữa bệnh đặc biệt với trẻ nhỏ sẽ gây ra nhiều hậu quả đáng tiếc.

Nhiều cha mẹ vẫn chữa nghẹt mũi bằng nước ép tỏi cho trẻ, chuyên gia nói gì? - Ảnh 2.

Không nên chữa nghẹt mũi bằng nước ép tỏi cho bé - Ảnh minh họa

PGS Hoài An cũng kết luận, nếu thấy trẻ nhỏ có dấu hiệu sụt sịt hoặc thời tiết chuyển mùa, bố mẹ ngay lập tức nên theo dõi triệu chứng và đến các cơ sở bệnh viện phòng khám uy tín để được tư vấn khám bệnh kịp thời.

4. Những biện pháp phòng bệnh viêm mũi cho trẻ tại nhà

- Vệ sinh tai mũi họng cho trẻ bằng nước muối: Nên vệ sinh mũi, họng bằng cách súc miệng nước muối hoặc xịt nước muối biển ba đến bốn lần mỗi ngày. Lưu ý, trẻ nhỏ dưới một tuổi, không nên dùng các loại nước muối dạng bình xịt có áp lực mạnh sẽ ảnh hưởng tới niêm mạc mũi, chỉ cần dùng nước muỗi sinh lý 0,9%.

- Đeo khẩu trang cho trẻ khi ra đường, tránh cho trẻ đến những nơi tụ tập đông người hoặc đường phố có nhiều khói bụi.

- Cho bé mặc đồ ấm, chú ý giữ ấm phần cổ và chân.

- Đưa trẻ đi khám bệnh tại các cơ sở y tế chuyên khoa để giúp sớm phát hiện những căn bệnh có liên quan đến tai-mũi-họng.

- Có thể sử dụng dầu gió xoa vào gan bàn chân để giữ ấm cho trẻ.


Tác giả: Minh Ngọc