Chuyên gia BV Bạch Mai: 5 lưu ý ‘sống còn’ cho nhân viên y tế ở tâm dịch

Chuyên gia BV Bạch Mai: 5 lưu ý ‘sống còn’ cho nhân viên y tế ở tâm dịch
Nguy cơ lây nhiễm virus SASR-CoV-2 từ người bệnh sang nhân viên y tế luôn hiện hữu và nhân viên y tế phải nằm lòng 5 lưu ý để phòng bệnh cho mình.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Bắc Giang, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 3 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2 là cán bộ ngành y tế, quân đội. Trong đó 2 người ở tuyến huyện, 1 người ở tuyến xã.

Trước đó, 3 nhân viên y tế tại bệnh viện dã chiến của Điện Biên cũng dương tính với SARS-CoV-2 do lây chéo với người bệnh. Tại Hà Nội cũng có 1 nhân viên y tế ở Bệnh viện Bắc Thăng Long, Hà Nội cũng dương tính với virus SASR-COV-2.

TS.BS Trương Anh Thư - Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Bạch Mai – người có kinh nghiệm hỗ trợ cho các địa phương như Đà Nẵng, Hải Dương ở các mùa dịch trước cũng đến đến các điểm dịch ở Bắc Giang, Bắc Ninh để hỗ trợ các bệnh viện trong công tác kiểm soát nhiễm khuẩn nhằm tránh lây nhiễm chéo.

Chuyên gia BV Bạch Mai: 5 lưu ý bỏ túi cho nhân viên y tế vào tâm dịch - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ.

TS Thư cho biết các nguyên tắc phòng ngừa lây nhiễm trong khu cách ly, đảm bảo an toàn cho nhân viên y tế rất quan trọng.

Trong các khu vực có người bệnh Covid-19, có một số thực hành đơn giản nhưng quan trọng để bảo vệ nhân viên y tế khi chăm sóc, điều trị bệnh nhân:

Thứ nhất, tuân thủ đúng thời điểm vệ sinh tay ngay khi mang găng. Tại khu vực buồng cách ly luôn có sẵn găng tay, cồn khử khuẩn để vệ sinh tay và thay găng mới khi có thời điểm cần vệ sinh tay.

Thứ hai, việc đeo khẩu trang đúng cách cũng vô cùng quan trọng vì khẩu trang chỉ ngăn cản được giọt bắn khi mang đúng kỹ thuật.

Thứ ba, cởi bỏ phương tiện phòng hộ cá nhân không đúng khi ra khỏi buồng cách ly là nguyên nhân quan trọng dẫn tới phơi nhiễm ở nhân viên y tế.

Khi tháo bỏ phương tiện phòng hộ luôn nhớ tay không chạm vào mặt ngoài phương tiện phòng hộ cá nhân, lộn mặt ngoài phương tiện phòng hộ cá nhân vào trong khi tháo bỏ. Vệ sinh tay sau khi tháo bỏ mỗi phương tiện phòng hộ cá nhân. Găng tay là phương tiện có nguy cơ ô nhiễm cao nhất phải tháo bỏ đầu tiên, khẩu trang luôn tháo bỏ sau cùng. Tại nơi cởi bỏ phương tiện phòng hộ cá nhân phải luôn có sẵn khẩu trang y tế để đeo sau khi loại bỏ khẩu trang N95.

Thứ tư, những bề mặt tiếp xúc thường xuyên có nguy cơ ô nhiễm cao cần sự tham gia của mọi nhân viên y tế trong việc làm sạch. Công nhân, hộ lý vệ sinh chỉ làm sạch được bề mặt của đồ dùng, vật dụng thông thường. 

Làm sạch bề mặt máy móc, thiết bị, đồ dùng cá nhân là trách nhiệm của người sử dụng. Bề mặt tiếp xúc thường xuyên cần làm sạch hàng ngày. Khi làm sạch cần lưu ý sử dụng đúng hoá chất, đúng nồng độ, thay khăn lau đúng quy định để đảm bảo loại bỏ tối đa chứ không phân bổ lại chất ô nhiễm trên bề mặt.

Thứ năm, cần thống nhất thời gian, địa điểm giao nhận dụng cụ, đồ vải, chất thải tại khu cách ly giữa nhân viên giao nhận vòng ngoài và trong khu cách ly. Nhân viên giao nhận cần mang phương tiện phòng hộ cá nhân và đóng gói đồ ô nhiễm đúng quy định để giảm thiểu nguy cơ phát tán mầm bệnh ra môi trường xung quanh khu cách ly.


Tác giả: DN