Chụp X-quang ngực giúp bác sĩ xem được hình ảnh và cấu trúc bên trong cơ thể. Đây là 1 biện pháp sàng lọc không đau và khá nhanh. Khi chụp X-quang ngực, bác sĩ có thể thấy:
- Phổi.
- Tim.
- Một số mạch máu lớn trong ngực.
- Xương sườn (hiển thị màu trắng trên ảnh chụp).
- Không khí trong phổi (không khí hiện lên màu đen trong ảnh chụp X-quang).
- Chất béo và cơ bắp (xuất hiện dưới dạng màu xám).
Hen phế quản có thể gây ra một sự gia tăng kích thước nhỏ đối với phổi. Nhưng nhìn chung, một người bị mắc hen suyễn, kết quả chụp X-quang ngực 75% là bình thường. Vì vậy, chụp X-quang trong chẩn đoán hen suyễn có ý nghĩa sàng lọc và loại trừ các căn bệnh khác như viêm phổi, khối u phổi, viêm phế quản, ung thư, suy tim và các vấn đề về tim.
Tuy nhiên, với các trường hợp bệnh phổi nhẹ hoặc khối u nhỏ, chụp X-quang có thể không phát hiện ra. Do đó, nó không phải là một thử nghiệm chính xác. Nếu có nghi ngờ, bác sĩ sẽ chỉ định làm thêm một số xét nghiệm khác để có kết quả chính xác hơn.
- Chụp X-quang thường được chỉ định khi bệnh nhân bị hen suyễn nặng, hen suyễn kèm sốt, hoặc có các triệu chứng gợi ý của bệnh phổi hoặc tim.
- Khi bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân bị hen suyễn bội nhiễm, hen nghiêm trọng, chụp X-quang có thể cho thấy kích thước phổi tăng bất thường.
- Đặc biệt, bác sĩ thường sử dụng chụp X-quang trong chẩn đoán hen suyễn đối với những người hút thuốc để đảm bảo họ không bị viêm phổi hoặc ung thư phổi.
- Khi bệnh nhân đã được bác sĩ chẩn đoán hen phế quản bằng khám thực thể và kiểm tra chức năng phổi, sau đó được dùng thuốc trị hen suyễn, nhưng tình trạng không được cải thiện. Bác sĩ nghi ngờ chẩn đoán nhầm, hoặc nghi ngờ sự tồn tại của các bệnh đồng mắc như viêm phổi, viêm phổi bạch cầu ái toan, dị ứng aspergillosis phế quản phổi,....
Lúc này bác sĩ sẽ yêu cầu bệnh nhân chụp X-quang trong chẩn đoán hen suyễn để tìm ra nguyên nhân bệnh không được cải thiện dù đã dùng thuốc.
- Chụp X-quang trong chẩn đoán hen suyễn sẽ được thực hiện bởi 1 bác sĩ hoặc kỹ thuật viên được đào tạo và chứng nhận. Bệnh nhân được yêu cầu mặc áo choàng đặc biệt và cởi bỏ tất cả các vật dụng bằng kim loại, bao gồm cả đồ trang sức để chúng không chặn chùm tia X xuyên qua cơ thể.
- Bệnh nhân cần hít sâu và nín thở trong khi chụp X-quang để làm phồng phổi, giúp các mô ngực hiển thị rõ hơn. Bác sĩ sẽ chụp từ mặt trước, mặt sau và mặt bên, có thể là từ các góc khác nhau khi ngồi, khi đứng, hoặc khi nằm.
- Sau khi chụp X-quang, sẽ có ảnh phim. Bác sĩ X-quang sẽ kiểm tra và giải thích kết quả với bệnh nhân. Sau khi bác sĩ X-quang xem xét phim chụp, họ sẽ gửi báo cáo kết quả chụp X-quang trong chẩn đoán hen suyễn cho bác sĩ xét nghiệm. Bác sĩ xét nghiệm sẽ thảo luận về kết quả và đề xuất phương pháp điều trị, tư vấn lựa chọn với bệnh nhân.
Rủi ro của việc chụp X-quang trong chẩn đoán hen suyễn là rất hiếm. Tuy nhiên, bất kỳ sự tiếp xúc với bức xạ nào đều có thể gây ra vấn đề, do đó bệnh nhân sẽ được yêu cầu mặc tạp dề bảo vệ bộ phận sinh sản để chắn lại tia X. Phụ nữ mang thai nên hỏi bác sĩ trước khi chụp X-quang, vì điều này có thể gây hại cho thai nhi.
Dù ít khi được sử dụng, nhưng chụp X-quang trong chẩn đoán hen suyễn có vai trò rất quan trọng trong những trường hợp như hen nặng, bị các bệnh đồng mắc, loại trừ bệnh tim và phổi khác. Từ đó giúp bác sĩ chẩn đoán và đưa ra được phương án điều trị chính xác hơn.
Nguồn dịch: https://www.verywellhealth.com/chest-x-rays-asthma-screening-and-diagnosis-3866094