Chườm nóng là một hình thức của phương pháp nhiệt trị liệu đang được ứng dụng rộng rãi để điều trị viêm khớp dạng thấp cho bệnh nhân bên cạnh các kỹ thuật như chiếu đèn hồng ngoại, ngâm nước nóng, sử dụng sóng ngắn, sóng siêu âm,...
Tác dụng của chườm nóng trong điều trị viêm khớp dạng thấp rất đa dạng, có thể kể đến như:
- Làm tăng cường tuần hoàn tại khu vực chườm nên có tác dụng làm tăng cường phân tán và hấp thu các chất trung gian hóa học gây cảm giác đau tại khớp viêm.
- Tăng cường vận chuyển dinh dưỡng đến khu vực chườm, giúp tăng tốc độ hồi phục các tổn thương ở khớp viêm.
- Ngoài ra, chườm nóng còn có tác dụng an thần điều hòa hệ thần kinh, giúp bệnh nhân cảm thấy thư giãn và giảm co cứng cơ tại khớp viêm.
Có hai kỹ thuật chườm nóng thường được dùng hiện nay khi điều trị viêm khớp dạng thấp cho bệnh nhân là chườm nóng khô và chườm nóng ướt.
Là kỹ thuật chườm nóng có tác dụng chủ yếu để giảm đau và tăng tuần hoàn máu ngoại vi. Nguồn nhiệt sử dụng trong kỹ thuật chườm khô có thể là chai nước nóng, túi chườm đựng nước nóng, gạch nước,... Tuy nhiên hay sử dụng nhất là dùng các loại túi chườm để chườm khô khi điều trị viêm khớp dạng thấp.
Nhiệt độ trung bình để đạt hiệu quả tốt khi thực hiện kỹ thuật chườm khô khoảng 41oC đến 43oC, nếu chườm nhiệt độ cao thì nên duy trì trong khoảng 50oC đến 60oC.
Cách thực hiện, bệnh nhân cho nước nóng vào túi chườm, nên rót nước đến mức 2/3 thể tích của túi chườm sau đó bóp từ từ túi chườm để nước dâng đến miệng túi thì đóng nắp của túi chườm lại. Đặt túi chườm lên vùng chườm, nếu có cảm giác quá nóng hãy pha nguội bớt nước hoặc chờ nước tự nguội.
Sau khi chườm, nếu vùng da chườm có cảm giác bỏng rát, bệnh nhân có thể bôi thêm một lớp paraphin lên bề mặt da.
Là kỹ thuật để bề mặt da tiếp xúc trực tiếp với nước nóng khi chườm, có tác dụng thân nhiệt sâu do vậy làm giãn cơ, tăng tuần hoàn, tăng hấp thu các chất dinh dưỡng và muối khoáng. Nhiệt độ sử dụng để chườm nóng ướt điều trị viêm khớp dạng thấp thấp hơn so với kỹ thuật chườm nóng khô. Nhiệt độ trung bình để chườm khoảng 40oC, nhiệt độ cao khoảng 50oC.
Cách thực hiện, bệnh nhân dùng khăn hoặc gạc ngâm vào nước nóng sau đó vắt khô, rồi đặt lên chườm ở khớp bị viêm khớp dạng thấp. Nếu khăn hoặc gạc bị lạnh đi sau quá trình chườm có thể lại ngâm vào nước nóng và tiếp tục chườm.
Nếu có cảm giác bỏng rát sau khi chườm do nhiệt độ quá cao, bệnh nhân có thể bôi paraphin lên da để dễ chịu hơn.
- Bệnh nhân không nên chườm nóng điều trị viêm khớp dạng thấp trong đợt cấp của bệnh, hoặc khi có tình trạng thoát dịch ổ khớp.
- Mỗi lần chườm nên kéo dài từ 20 đến 30 phút là vừa đủ để có hiệu quả tốt nhất, nếu nguồn nhiệt bị lạnh đi khi đang chườm hãy làm nóng nguồn nhiệt trở lại rồi tiếp tục chườm.
- Nên cho nguồn nhiệt tiếp xúc từ từ với da, nếu nguồn nhiệt quá nóng có thể chủ động làm hạ thấp nhiệt độ nguồn nhiệt hoặc chờ nhiệt độ tự hạ mới chườm tiếp để tránh bị bỏng.
- Không chườm nóng điều trị viêm khớp dạng thấp có các vết thương chưa lành
Trên đây là những kiến thức cơ bản về tác dụng, các kỹ thuật chườm cũng như những lưu ý mà bệnh nhân nên biết về chườm nóng trong điều trị viêm khớp dạng thấp. Để điều trị bệnh kịp thời và hiệu quả, bệnh nhân nên đến thăm khám tại cơ sở y tế để được chẩn đoán và tư vấn các phương pháp điều trị hiệu quả nhất bởi bác sĩ điều trị.