Trong một nghiên cứu mới đây, các nhà khoa học đã chứng minh virus có thể trở thành một công cụ điều trị ung thư não. Thử nghiệm tiền lâm sàng trên chuột đã cho thấy một chủng Reovirus có thể nhắm mục tiêu tới khối u trong não, đồng thời kích thích hệ miễn dịch tấn công nó.
Virus này không làm hại các tế bào khỏe mạnh, vì vậy có thể được sử dụng kết hợp với các phương pháp điều trị truyền thống như hóa xạ trị, giúp tăng tỉ lệ thành công cho bệnh nhân ung thư.
Tại thời điểm này, đã có 9 bệnh nhân đầu tiên được thử nghiệm loại virus trị liệu ung thư này.
Reovirus có thể nhắm mục tiêu tới khối u trong não, đồng thời kích thích hệ miễn dịch tấn công nó.
Những loại virus có khả năng điều trị ung thư được các nhà khoa học gọi chung là virus oncolytic. Cụ thể, trong nghiên cứu này họ đã sử dụng virus động vật orthoreovirus type 3, thuộc họ Reovirus. Virus này có khả năng giết các tế bào khối u, nhưng không làm hại đến các tế bào khỏe mạnh khác.
Các thí nghiệm trước đây đã chứng minh được cơ chế điều trị ung thư này, nhưng các nhà nghiên cứu từ Đại học Leeds là những người đầu tiên thành công trong việc đưa virus đến được đích là các khối u não.
Trong những công trình trước, các nhà khoa học vẫn nghi ngờ không biết liệu reovirus có thể vượt qua hàng rào máu não hay không. Hàng rào máu là một màng bảo vệ não khỏi các tác nhân gây bệnh bình thường, trong đó bao gồm cả virus. Đó luôn là một trở ngại lớn của y học trong việc nghiên cứu và can thiệp vào những gì xảy ra bên trong não bộ.
"Đây là lần đầu tiên chúng ta thấy được một loại virus trị liệu có thể đi xuyên qua hàng rào máu não, và tạo điều kiện cho liệu pháp miễn dịch kiểu này có thể được sử dụng để điều trị cho nhiều bệnh nhân, đang mắc những dạng ung thư não cực kỳ ác tính”, Adel Samson, tác giả chính của nghiên cứu cho biết.
Đã có 9 bệnh nhân được lựa chọn để tiêm một liều virus qua đường tĩnh mạch. Tất cả họ đều có khối u não đã di căn sang các bộ phận khác của cơ thể, hoặc có những khối u nhỏ nhưng phát triển rất nhanh - một loại ung thư não khó chữa trị và có tiên lượng xấu.
Sau khi được tiêm reovirus, những bệnh nhân này đã được lên lịch phẫu thuật để loại bỏ khối u. Các nhà nghiên cứu đã lấy mẫu từ phần khối u bị cắt bỏ của họ, và so sánh với khối u của những bệnh nhân ung thư thông thường khác, cũng được phẫu thuật nhưng không được tiêm reovirus.
Theo kết quả của các xét nghiệm, virus đã được tìm thấy trong khối u của bệnh nhân thử nghiệm liệu pháp. Điều này chứng minh rằng chúng có thể vượt qua được hàng rào máu não vào tới tận những khối u ung thư.
Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu cũng nhận thấy một nồng độ interferon cao trong mẫu phẩm. Interferon là những protein kích hoạt hệ thống miễn dịch của chúng ta. Các interferon này đã thu hút các tế bào bạch cầu đến vị trí của khối u để chống lại nó.
Những loại virus có khả năng điều trị ung thư não được các nhà khoa học gọi chung là virus oncolytic
“Trên thực tế, hệ thống miễn dịch của con người thường không phát hiện ra được ung thư. Một phần lí do là các tế bào ung thư trông giống như các tế bào bình thường của cơ thể. Mặt khác ung thư rất giỏi trong việc che mắt và khiến các tế bào miễn dịch ngó lơ chúng”, đồng tác giả nghiên cứu Alan Melcher cho biết. “Nhưng hệ thống miễn dịch lại rất giỏi trong việc nhận diện virus”.
"Trong nghiên cứu của mình, chúng tôi đã chỉ ra reovirus có thể gây nhiễm các tế bào ung thư trong não, và điều quan trọng là những khối u não bị nhiễm reovirus trở nên lộ diện hơn trước hệ thống miễn dịch".
Những phát hiện này đã được ứng dụng trong một thử nghiệm lâm sàng. Trong đó, bệnh nhân ung thư đang được điều trị reovirus bên cạnh hóa trị và xạ trị. Ở một ca ung thư xương, bệnh nhân thậm chí đã được dùng 16 liều liều reovirus. Lý do anh ta được sử dụng nhiều liều là virus có hiệu quả trong việc kích hoạt hệ thống miễn dịch.
Thử nghiệm lâm sàng này sẽ xác định xem liệu bệnh nhân ung thư có thể chịu được bao nhiêu liều điều trị, bởi nó cũng có phản ứng phụ chẳng hạn virus có thể gây cúm. Ngoài ra, các nhà khoa học cũng muốn xem liệu virus có giúp tăng hiệu quả điều trị cho các phương pháp truyền thống như hóa, xạ trị không.
"Sự có mặt của ung thư trong não làm suy giảm hệ thống miễn dịch cơ thể. Reovirus sẽ chống lại hiện tượng này và kích thích hệ thống phòng thủ của cơ thể hành động", nhà ung thư học Susan Short, dẫn đầu thử nghiệm lâm sàng cho biết.
"Hy vọng của chúng tôi là virus sẽ thêm vào các hiệu quả giúp tăng cường đáp ứng miễn dịch của cơ thể đối với khối u, điều này sẽ làm tăng số lượng các tế bào khối u bị tiêu diệt bằng phương pháp điều trị tiêu chuẩn, như hóa và xạ trị".