Chủng virus SARS-CoV-2 mới lây lan nhanh gấp nhiều lần chủng cũ, nắm chắc các con đường lây nhiễm dưới đây để phòng dịch

Chủng virus SARS-CoV-2 mới lây lan nhanh gấp nhiều lần chủng cũ, nắm chắc các con đường lây nhiễm dưới đây để phòng dịch
Trước làn sóng bùng phát thứ 2, chỉ sau vài ngày kể từ ca nhiễm đầu tiên, virus SARS-CoV-2 chủng mới đã lan ra 7 tỉnh thành với tốc độ lây lan nhanh hơn gấp nhiều lần chủng cũ. Phần lớn người bệnh lây nhiễm qua con đường tiếp xúc trực tiếp với người nhiễm bệnh Covid-19 hoặc gián tiếp thông qua các bề mặt.

Đại dịch Covid-19 lại bùng phát tại Việt Nam sau nhiều tháng kiểm soát tốt. Thông tin từ Bộ Y Tế cho thấy, tính đến 6h ngày 29/7, thế giới đã có gần 17 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2 chủng mới, riêng nước ta đã có 446 ca nhiễm Covid-19, trong đó 8 ca nhiễm mới được ghi nhận đều là bệnh nhân hoặc người nhà bệnh nhân tại các bệnh viện ở Đà Nẵng.

Chủ trì họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống Covid-19 sáng 29/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định, dịch bệnh lần này có nhiều nguy cơ lây nhiễm ở các thành phố lớn, địa phương quanh Đà Nẵng. Theo Thủ tướng, chỉ trong thời gian ngắn đã có 27 ca nhiễm, lây lan ra 7 địa phương bao gồm Đà Nẵng và 6 địa phương khác, kể cả các thành phố lớn, theo thông tin đăng tải từ báo VnExpress.

Cũng trong cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh Covid-19, sáng 27/7, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho hay, kết quả phân tích nguồn gene của virus từ các bệnh nhân tại Đà Nẵng cho thấy đây là chủng virus mới xuất hiện ở Việt Nam (trước đây nước ta đã phát hiện ra 5 chủng virus SARS-CoV-2 khác nhau).

1. Virus SARS-CoV-2 chủng mới có tốc độ lây lan nhanh hơn gấp nhiều lần chủng cũ

GS.TS Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam cho biết: “Bản chất virus SARS luôn luôn biến đổi. Hiện nay thế giới có 99 chủng và Việt Nam có 6 trong số này. Khó khăn hiện nay xác định có biến chủng hay không”, theo thông tin được đăng tải từ báo Tiền Phong.

Nhận định về chủng virus SARS-CoV-2 mới gây bệnh COVID-19, GS.TS Nguyễn Văn Kính cho rằng: “Chủng virus SARS-CoV-2 mới vừa được phát hiện tại Đà Nẵng có tốc độ lây lan nhanh hơn gấp nhiều lần, tuy nhiên độc lực không thay đổi so với chủng cũ”.

Điều này lý giải tại sao gần đây số ca nhiễm Covid-19 tại Đà Nẵng tăng nhanh. Việc nắm rõ về con đường và tốc độ lây lan của chủng SARS-CoV-2 mới sẽ giúp chúng ta phòng bệnh COVID-19 một cách hiệu quả.

2. Virus Sars-CoV-2 lây lan qua đường nào?

Theo ước tính của TS.Asok Kurup – Chủ tịch Hiệp hội tiến sĩ có chuyên môn bệnh truyền nhiễm, Học viện Y khoa (Singapore) trên CNA, mỗi người mắc bệnh Covid-19 có thể lây cho ít nhất 3 hoặc 4 người khác. Nghĩa là cứ mỗi 100 người bệnh có khả năng lây cho 130 - 140 người khác.

Vì vậy, việc hiểu về con đường lây bệnh có vai trò quan trọng trong phòng chống dịch Covid-19. Theo Tổ chức Y tế thế giới WHO, các chủng virus của bệnh Covid-19 có thể lây nhiễm cho người thông qua con đường tiếp xúc trực tiếp và gián tiếp.

Virus SARS-CoV-2 lây nhiễm trực tiếp từ người sang người

Virus SARS-CoV-2 gây đại dịch Covid-19 có thể phát tán trực tiếp qua các con đường sau:

- Lây qua tiếp xúc với dịch cơ thể của người bệnh

Bệnh Covid-19 lây nhiễm chủ yếu thông qua nước bọt, dịch tiết hô hấp hoặc các giọt bắn. Các loại dịch tiết này thường được bắn ra từ miệng, mũi của người bệnh khi họ ho, hắt hơi, nói hoặc hát. Bất kỳ ai tiếp xúc gần (trong vòng 1 mét) với người mắc bệnh Covid-19 đều có nguy cơ nhiễm bệnh.

- Lây trực tiếp khi tiếp xúc với người bệnh như bắt tay, ôm hôn,...

Chủng virus SARS-CoV-2 mới lây lan nhanh gấp nhiều lần chủng cũ, nắm chắc các con đường lây nhiễm dưới đây để phòng dịch - Ảnh 1.

Virus SARS-COV-2 lây nhiễm thông qua giọt bắn khi người bệnh ho, hắt hơi (Ảnh Internet)

Virus SARS-COV-2 lây nhiễm gián tiếp thông qua bề mặt tiếp xúc

Lây nhiễm gián tiếp xảy ra khi chúng ta vô tình chạm vào các bề mặt có chứa virus virus SARS-CoV-2, sau đó đưa lên mắt, mũi, miệng và nhiễm bệnh.

Theo Reuters, kết quả nghiên cứu mới đây của một nhóm các nhà khoa học Mỹ cho thấy, chủng mới của virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (Covid-19) có thể tồn tại khá lâu trên một số bề mặt như: tay nắm cửa, nút bấm thang máy, cầu thang, bàn ghế,...

Trong trường hợp này, cách bảo vệ tốt nhất là thường xuyên rửa sạch tay bằng xà phòng và nước hoặc dung dịch rửa tay có cồn. Vì khi người bị mắc virus chủng mới ho hoặc hắt hơi hoặc chạm tay vào đồ vật thì đồ vật đó có thể bị nhiễm virus.

Chủng virus SARS-CoV-2 mới lây lan nhanh gấp nhiều lần chủng cũ, nắm chắc các con đường lây nhiễm dưới đây để phòng dịch - Ảnh 2.

Virus SARS-CoV-2 có thể tồn tại lâu trên tay nắm cửa (Ảnh Internet)

Virus SARS-COV-2 lây nhiễm qua đường phân 

Đã từng có một số nghiên cứu, virus SARS-CoV-2 gây dịch Covid-19 có thể lây nhiễm qua đường phân. Theo đó, những người chăm sóc bệnh nhân có tỷ lệ bị phơi nhiễm virus khi xử lý các chất thải của người bệnh nhiễm virus. Tuy nhiên, trường hợp này hiếm khi xảy ra.

3. Làm gì để bảo vệ bản thân và cộng đồng trước đại dịch Covid-19?

Bộ y tế khuyến cáo thực hiện các biện pháp bảo vệ trong phòng, chống dịch COVID-19 như sau:

- Đeo khẩu trang nơi công cộng.

- Thường xuyên rửa sạch tay bằng xà phòng

- Che miệng và mũi khi ho và hắt hơi.

- Không chạm tay lên mặt khi chưa rửa sạch tay.

- Hạn chế ở những không gian kín hoặc nơi đông người.

- Giữ khoảng cách tối thiểu 1m.

- Thường xuyên làm sạch và khử trùng các vật, bề mặt hay được chạm vào.

Dịch bệnh Covid-19 đang có những diễn biến phức tạp, vì vậy chúng ta cần tuân thủ các khuyến cáo về sức khoẻ của cơ quan y tế về phòng chống Covid-19 để đảm bảo sự an toàn cho bản thân và cho cộng đồng.

Tác giả: Trang Lê