Chứng ợ nóng là gì? Có những phương pháp điều trị chứng ợ nóng nào?

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Chứng ợ nóng là gì? Có những phương pháp điều trị chứng ợ nóng nào?
Ợ nóng là một triệu chứng có thể gặp do nhiều nguyên nhân khác nhau (trào ngược dạ dày thực quản, viêm loét dạ dày...), gây nhiều khó chịu cho người bệnh. Vì vậy, làm thế nào để điều trị chứng ợ nóng luôn là vấn đề được rất nhiều bệnh nhân quan tâm.

1. Chứng ợ nóng là gì?

Cơ chế chính gây nên triệu chứng này là do sự di chuyển ngược của dịch vị và hơi từ trong lòng dạ dày lên các phần cao hơn của ống tiêu hóa gây biểu hiện ợ hơi kèm nóng cho bệnh nhân.

Đi kèm với triệu chứng ợ nóng, người bệnh còn có thể có các triệu chứng khác như cảm giác chua miệng sau khi ợ, đau sau xương ức, hoặc cảm giác bỏng rát sau xương ức nếu tình trạng trào ngược nghiêm trọng. Ngoài ra chứng ợ nóng còn có thể khiến hơi thở của người bệnh có các mùi khó chịu, gây ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của bệnh nhân.

Có rất nhiều các nguyên nhân khác nhau có thể gây nên biểu hiện ợ nóng trên người bệnh bao gồm các bệnh lý có tổn thương thực thể (trào ngược dạ dày tá tràng, viêm loét dạ dày,...) hoặc các thói quen sinh hoạt không hợp lý trong cuộc sống và ăn uống,....

Chứng ợ nóng thường xuyên là một trong các nguyên nhân trực tiếp thúc đẩy bệnh nhân đến viện thăm khám. Để tìm hiểu chính xác nguyên nhân gây nên tình trạng ợ nóng và mức độ nghiêm trọng của bệnh thế nào, người ta có thể sử dụng nhiều xét nghiệm khác nhau như nội soi dạ dày thực quản, theo dõi pH thực quản, kiểm tra nhu động thực quản, chụp XQuang có cản quang,...

2. Điều trị chứng ợ nóng như thế nào?

2.1. Điều trị chứng ợ nóng không sử dụng thuốc

Điều trị chứng ợ nóng bằng các biện pháp không sử dụng thuốc thường là sự lựa chọn đầu tiên mà bác sĩ sẽ đưa ra cho người bệnh. Chỉ sau khi các biện pháp không sử dụng thuốc không đem lại hiệu quả cải thiện đáng kể biểu hiện ợ nóng, người bệnh mới được xem xét sử dụng các loại thuốc điều trị.

Các biện pháp điều trị chứng ợ nóng không sử dụng thuốc bệnh nhân có thể áp dụng bao gồm:

- Không mặc quần áo quá chật và duy trì một mức cân nặng hợp lý để tránh gia tăng áp lực lên ổ bụng và tạo thuận lợi cho sự di chuyển ngược của dịch vị dạ dày.

- Tránh ăn những thực phẩm có khả năng kích thích biểu hiện ợ nóng xảy ra như các loại thức ăn cay nóng, rượu, bia,... trong bữa ăn hằng ngày, thay vào đó nên sử dụng các loại thực phẩm thanh đạm và dễ tiêu hóa.

- Không nên nằm xuống ngay sau bữa ăn, bởi khi này dạ dày đang chứa nhiều thức ăn, việc nằm xuống quá nhanh sau bữa ăn sẽ khiến tăng áp lực lên các cơ thắt tâm vị và cơ vùng dưới thực quản khiến trào ngược dễ xảy ra hơn. Người bệnh tốt nhất nên chờ khoảng từ 1-3 h sau bữa ăn trước khi nằm.

- Nâng đầu giường của bệnh nhân lên cao hơn cũng là một phương pháp tốt để giảm áp lực cho các cơ thắt tâm vị và cơ vùng dưới thực quản để giúp ngăn ngừa ợ nóng.

- Người bệnh không nên ăn quá no, quá nhiều thức ăn trong mỗi bữa, thay vào đó hay chia nhỏ các bữa ăn của mình trong khẩu phần hằng ngày để tránh tạo áp lực quá lớn cho dạ dày và thực quản. Ngoài ra cũng không nên ăn quá muộn bởi khi này sự tiêu hóa diễn ra kém khiến thức ăn ứ đọng trong dạ dày lâu hơn cũng thúc đẩy ợ nóng xảy ra.

2.2. Điều trị chứng ợ nóng bằng các loại thuốc

Khi điều trị chứng ợ nóng bằng các phương pháp không sử dụng thuốc không cho hiệu quả hoặc hiệu quả rất kém thì bệnh nhân có thể được xem xét sử dụng thêm các loại thuốc khác nhau để điều trị chứng ợ nóng.

Các loại thuốc được dùng để điều trị chứng ợ nóng bao gồm:

- Thuốc trung hòa acid: Chủ yếu chứa các base như magie hydroxit, nhôm hydroxit, ccalci hydroxit,... để trung hòa acid trong dịch vị dạ dày, nâng cao pH dịch vị từ đó làm giảm biểu hiện chứng ợ nóng.

- Thuốc kháng thụ thể H2: Các loại thuốc kháng thụ thể H2 như cimetidin, ranitindin,... làm ức chế thụ thể H2, ngăn ngừa sự sản sinh acid ở thành dạ dày làm tăng pH dịch vị. Do đó cũng có thể được sử dụng để điều trị chứng ợ nóng.

- Thuốc ức chế bơm proton: Một loại thuốc khác cũng có thể được sử dụng để điều trị chứng ợ nóng là thuốc ức chế bơm proton, các chế phẩm thường sử dụng là omeprazole, lansoprazole,... Thuốc có tác dụng ức chế giải phóng ion H+ đã sản xuất vào trong lòng dạ dày nên cũng có tác dụng nâng cao pH dịch vị.

Trên đây là giới thiệu sơ lược về các phương pháp điều trị chứng ợ nóng thường được áp dụng hiện nay. Để đảm bảo an toàn và hiệu quả điều trị, người bệnh không nên tự ý áp dụng các phương pháp điều trị chứng ợ nóng khi chưa có sự chỉ định của bác sĩ có chuyên môn.

Nguồn dịch: https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/heartburn/diagnosis-treatment/drc-20373229


Tác giả: QN